Làm mất hợp đồng mua bán nhà chung cư phải làm gì?

      Làm mất hợp đồng mua bán nhà chung cư phải làm gì?

      Onehousing image
      5 phút đọc
      02/03/2024
      Làm mất hợp đồng mua bán chung cư thì phải làm gì? Pháp lý nhà ở quy định về việc này như thế nào?

      Hợp đồng mua bán chung cư là một loại giấy tờ quan trọng để được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà chung cư. Vậy trong trường hợp bị mất hợp đồng mua bán nhà ở chung cư thì phải làm gì? Quy định của pháp lý nhà ở về việc này như thế nào?

      Quy định chung về hợp đồng mua bán chung cư

      Hình thức của hợp đồng mua bán chung cư

      Hợp đồng mua bán chung cư phải được thể hiện bằng văn bản, được công chứng hoặc chứng thực theo quy định, trừ các trường hợp mua bán nhà ở xã hội nằm trong quyền sở hữu của Nhà nước hoặc mua bán nhà ở xã hội và nhà ở phục vụ tái định cư thì việc công chứng hợp đồng sẽ được thực hiện theo thỏa thuận của các bên (căn cứ theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 121, khoản 1 và Điều 122 Luật Nhà ở 2014).

      Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán chung cư chính là thời điểm mà hợp đồng được công chứng, chứng thực đúng theo quy định của pháp lý nhà ở.

      Giá và phương thức thanh toán sẽ do các bên tham gia thoả thuận và đảm bảo phù hợp theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Địa điểm giao tài sản có thể giao tại chính nhà ở chung cư hoặc theo những thỏa thuận khác.

      lam-mat-hop-dong-mua-ban-nha-chung-cu-phai-lam-gi-anh1

      Hợp đồng mua bán chung cư phải được thể hiện bằng văn bản và được công chứng (Nguồn: DocLuat)

      Nội dung của hợp đồng mua bán chung cư

      Căn cứ vào khoản 1 Điều 123 và Điều 121 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng mua bán chung cư sẽ bao gồm các nội dung sau đây:

      • Họ tên và địa chỉ cụ thể của các cá nhân/tổ chức tham gia giao dịch.
      • Mô tả chính xác, cụ thể đặc điểm của nhà ở chung cư được mua bán, cũng như đặc điểm của thửa đất gắn với nhà ở chung cư đó. Đồng thời, cần phải ghi rõ phần sở hữu chung, phần sử dụng chung, diện tích sàn của nhà ở chung cư, phần diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng, mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt.
      • Giá mua bán nhà ở chung cư, trong trường hợp Nhà nước có quy định về giá mua bán thì các bên cần phải tuân thủ.
      • Thời hạn và phương thức thanh toán nhà ở chung cư.
      • Thời gian bàn giao nhà ở chung cư, cùng với thời gian bảo hành nếu là mua nhà ở chung cư được đầu tư, xây dựng mới.
      • Quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch mua bán.
      • Cam kết của các bên tham gia và những thỏa thuận khác.
      • Thời điểm hợp đồng mua bán chung cư chính thức có hiệu lực theo pháp lý nhà ở.
      • Ngày tháng năm ký kết hợp đồng kèm chữ ký, họ tên của các bên tham gia vào giao dịch, trường hợp là tổ chức thì hợp đồng phải có đóng dấu, ghi rõ chức vụ của người ký hợp đồng.

      lam-mat-hop-dong-mua-ban-nha-chung-cu-phai-lam-gi-anh2

      Nội dung của hợp đồng phải bao gồm đủ các mục theo yêu cầu của pháp luật (Nguồn: Cafeland)

      Lưu ý:

      • Về quyền và nghĩa vụ của bên bán nhà ở chung cư: Phải thông báo cho bên mua về những hạn chế quyền sở hữu đối với nhà ở chung cư (nếu có).
      • Đồng thời, bên bán phải bảo quản nhà ở chung cư trong thời gian chưa bàn giao cho bên mua, giao nhà ở chung cư đúng thời hạn theo quy định trong hợp đồng và thực hiện thủ tục mua bán nhà ở chung cư theo đúng quy định của pháp lý nhà ở.
      • Ngoài ra, còn cần nêu rõ việc yêu cầu bên mua phải nhận bàn giao theo đúng thời hạn, thanh toán đúng thời gian mà các bên đã thỏa thuận.
      • Về quyền và nghĩa cụ của bên mua nhà ở chung cư: Thực hiện việc thanh toán đầy đủ và đúng thời hạn đã được thỏa thuận. Được quyền nhận nhà ở chung cư theo đúng tình trạng đã được nêu trong hợp đồng. Đối với trường hợp chậm trễ bàn giao, bên bán phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên mua.

      Hồ sơ công chứng hợp đồng mua bán chung cư

      Theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014, các bên tham gia cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm có:

      • Phiếu yêu cầu công chứng dựa theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng.
      • Giấy tờ xác minh nhân thân như: CCCD/CMND/Hộ chiếu còn trong thời hạn sử dụng; giấy xác nhận thông tin cư trú.
      • Ngoài ra, nếu là vợ chồng thì cần bổ sung giấy chứng nhận kết hôn, nếu độc thân thì bổ sung giấy xác nhận tình trạng độc thân, trường hợp ly hôn thì bổ sung thêm quyết định/bản án của Toà án về việc ly hôn,...
      • Bản dự thảo hợp đồng mua bán chung cư.
      • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với nhà ở chung cư hoặc giấy tờ có giá trị thay thế theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp pháp luật có quy định phải có giấy chứng nhận.
      • Các loại giấy tờ khác (nếu có) liên quan đến hợp đồng.
       

      Bị mất hợp đồng mua bán chung cư thì phải làm gì?

      Đọc tiếp

      Trong giao dịch mua bán nhà ở chung cư thì Giấy chứng nhận quyền sở hữu chung cư và hợp đồng mua bán chung cư là rất quan trọng và cần thiết. Hợp đồng mua bán chung cư là căn cứ pháp lý dùng để chứng minh việc chuyển quyền sở hữu đối với chung cư, đồng thời đây cũng là cơ sở để người sở hữu chung cư được cấp Giấy chứng nhận.

      Theo khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định, đối với giao dịch mua bán nhà ở chung cư thì cần phải tiến hành công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán, ngoại trừ trường hợp mua bán nhà ở xã hội thuộc quyền sở hữu của Nhà nước hoặc mua bán nhà ở xã hội và nhà ở phục vụ mục đích tái định cư.

      Vì vậy, để hợp đồng mua bán chung cư chính thức có hiệu lực, các bên phải tiến hành công chứng hợp đồng mua bán theo quy định.

      Khi bị mất hợp đồng mua bán chung cư, bạn có thể đến tổ chức hành nghề công chứng, nơi đã công chứng hợp đồng mua bán chung cư trước đó để xin bản sao được lưu giữ tại nơi hành nghề công chứng (bởi khi công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng đều sẽ lưu lại 01 bản lưu).

      Sau đó, bạn tiến hành làm thủ tục chuyển đổi, sang tên quyền sở hữu nhà ở trên Giấy chứng nhận để có thể hoàn tất giao dịch mua bán chung cư và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu của mình.

      lam-mat-hop-dong-mua-ban-nha-chung-cu-phai-lam-gi-anh3

      Khi bị mất hợp đồng mua bán hãy đến cơ quan công chứng để xin lại bản sao (Nguồn: Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ)

      Như vậy, theo quy định về pháp lý nhà ở, khi bị mất hợp đồng mua bán chung cư thì chủ sở hữu chỉ cần đến cơ quan công chứng xin lại bản sao. Hợp đồng mua bán chung cư là một loại giấy tờ quan trọng, bạn nên cất giữ cẩn thận để đảm bảo quyền lợi cho mình.

      Xem thêm 

      Được phép từ chối công chứng hợp đồng mua bán nhà đất vì chưa hủy đặt cọc không?

      Phải làm gì khi hợp đồng mua bán nhà đất bị vô hiệu hóa?

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K