Những điểm nổi bật trong quy hoạch giao thông Hà Nội năm 2024 | OneHousing

      Những điểm nổi bật trong quy hoạch giao thông Hà Nội năm 2024

      Onehousing image
      5 phút đọc
      17/07/2024
      Quy hoạch giao thông Hà Nội đã có những điểm mới sau 3 tháng rà soát từ quy hoạch Hà Nội cũ. Những điểm thay đổi được dự đoán sẽ làm diện mạo Thủ đô Hà Nội hiện đại hơn.

      Theo quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội sẽ khởi công một loạt công trình giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư đến hơn 15.000 tỷ đồng trong năm 2024. Cùng cập nhật những điểm nổi bật trong quy hoạch Hà Nội, góp phần thay đổi diện mạo giao thông hiện đại của thủ đô qua bài viết sau. 

      Mục tiêu quy hoạch giao thông Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

      Một trong những nội dung đáng chú ý của quy hoạch Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 là tầm nhìn và định hướng phát triển mạng lưới giao thông của Thủ đô.

      Theo đó, Hà Nội xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thân thiện với môi trường. 

      Đặc biệt, quy hoạch ưu tiên phát triển giao thông công cộng, hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

      Quy hoạch Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sẽ phát triển mạng lưới hoàn chỉnh, thuận tiện trong giao thông, phối hợp hài hoà giữa những phương thức vận tải.

      nhung-diem-noi-bat-trong-quy-hoach-giao-thong-ha-noi-nam-2024-onehousing-1

      Bản đồ quy hoạch giao thông Hà Nội (Nguồn: Dân Việt)

      Cụ thể, chỉ tiêu về kết cấu hạ tầng, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông đạt 20 - 26% cho đô thị trung tâm; 18 - 23% cho các đô thị ngoài trung tâm và 16 - 20% cho vùng thị trấn. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt từ 3 - 4%.

      Mật độ mạng lưới vận tải hành khách công cộng đạt 2 - 3,0 km/km2 cho đô thị trung tâm và 2 - 2,5 km/km2 cho những đô thị ngoài trung tâm.

      Về thị phần vận tải, phấn đấu số lượng hành khách công cộng đạt 35% - 40%; trong đó khu vực đô thị trung tâm đạt khoảng 50 - 55%, sau 2030 đạt 65 - 70%; những đô thị ngoài trung tâm đạt khoảng 40%, sau năm 2030 đạt khoảng 50%.

      Về thị phần vận tải hành khách liên tỉnh, đường bộ đạt khoảng 75 - 80%; đường sắt 10 - 15%; hàng không 7 - 10%. Với thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh, đường bộ đạt khoảng 65 - 70%; đường sắt 3 - 5%; đường thủy 25 - 30%.

      Một số điểm mới trong quy hoạch giao thông Hà Nội năm 2024 

      Đọc tiếp

      Sau 3 tháng rà soát quy hoạch sơ bộ, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất Chính phủ và thành phố điều chỉnh, bổ sung nhiều tuyến đường đối ngoại, đường đô thị, cầu vượt sông Hồng, sông Đà để tối ưu khả năng liên kết vùng.

      Cụ thể, bổ sung thêm 22 tuyến đường bộ đối ngoại, dựa trên cơ sở kéo dài một số tuyến đường hiện có, kết hợp bổ sung thêm một số tuyến mới, nhằm tăng cường kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận.

      Trong đó, có 5 tuyến kết nối với tỉnh Hưng Yên; 5 tuyến kết nối với tỉnh Hòa Bình; 4 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Ninh; 3 tuyến kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc; 2 tuyến kết nối với tỉnh Hà Nam; 2 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Giang; 1 tuyến kết nối với tỉnh Phú Thọ.

      Bên cạnh đó, mạng lưới đường ngoài đô thị cũng sẽ được điều chỉnh, bổ sung. Trọng tâm điều chỉnh các trục kết nối đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và một số trục kết nối với Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô, đảm bảo có 2 tuyến đường trục và 2 đường cao tốc.

      Cụ thể, Hà Nội bổ sung 7 tuyến đường ngoài đô thị gồm: 1 tuyến kết nối cảng hàng không thứ hai; 1 tuyến kết nối Cảng hàng không Nội Bài; 1 tuyến kéo dài để phục vụ phát triển kinh tế xã hội; 4 tuyến kết nối với các tỉnh lân cận.

      nhung-diem-noi-bat-trong-quy-hoach-giao-thong-ha-noi-nam-2024-onehousing-2

      Quy hoạch giao thông Hà Nội bổ sung thêm nhiều điểm mới (Nguồn: Tạp chí Cộng sản)

      Song song đó, Hà Nội cũng bổ sung 5 tuyến đường trục chính đô thị giúp giảm ùn tắc giao thông, tối ưu kết nối giữa những vành đai lớn, sân bay, đường sắt đô thị.

      Cụ thể các tuyến đề xuất gồm: đường trên cao dọc trục Nhật Tân - Nội Bài; đường cao tốc trên cao theo trục kinh tế phía Nam; cầu trên tuyến từ Vành đai 2,5 sang Đông Anh; đoạn tuyến kết nối Vành đai 3,5 đến sân bay Nội Bài; cầu và tuyến kết nối Bắc Hồng theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5.

      Hà Nội bổ sung 4 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối khu đô thị. Cụ thể gồm: 

      • Cầu vượt sông Hồng số 1 trên trục Tây Bắc - QL5B, kết nối Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. 
      • Cầu số 2 trên đường tỉnh 429B, kết nối Hà Nội với Hưng Yên. 
      • Cầu số 3 theo hướng trục Vành đai 2,5 kéo dài, kết nối tả, hữu sông Hồng theo hành lang đường sắt đô thị số 8. 
      • Cầu số 4 trên tuyến Vành đai 2,5 sang Đông Anh.

      Quy hoạch giao thông Hà Nội sẽ thay đổi diện mạo Thủ đô như thế nào?

      Quy hoạch giao thông Hà Nội sẽ góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, xây dựng mạng lưới đô thị hiện đại, đồng bộ. Cụ thể:

      • Phát triển hệ thống giao thông công cộng, gồm xe buýt, xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, tàu điện một ray (monorail).
      • Nội đô sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị chính. Ngoài ra, sẽ có thêm các tuyến monorail trên cao ở ven hai bờ sông Hồng cùng khu vực phố cổ.
      • Khu trung tâm sẽ có thêm 3 tuyến đường sắt chạy ngầm với mô hình đô thị giao thông công cộng (TOD).
      • Mạng lưới xe buýt được giữ nguyên, song sẽ có lộ trình chuyển đổi phương tiện dùng năng lượng xanh.
      • Dự kiến xây thêm các cao tốc vành đai 4 - 5. Tại khu trung tâm, 4 tuyến đường trên cao dài 36km sẽ được xây thêm ở nơi có lưu lượng giao thông lớn. Trục chính đô thị được mở rộng, cải tạo kết hợp với xây dựng mới.
      • Bên cạnh các sân bay hiện hữu, phía Nam sẽ có thêm Cảng hàng không quốc tế thứ hai ở huyện Ứng Hòa. Ngoài ra, Thủ đô có sân bay cứu hộ, trực thăng Bạch Mai, 3 sân bay quân sự gồm: Hoà Lạc, Gia Lâm, Miếu Môn.
      • Sân bay Quốc tế Nội Bài nâng công suất lên 100 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2050.
      • Về đường sắt, dự kiến mở rộng tổ hợp nhà ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, trạm bảo dưỡng, depot... của các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam , đường sắt đô thị.

      nhung-diem-noi-bat-trong-quy-hoach-giao-thong-ha-noi-nam-2024-onehousing-3

      Hạ tầng giao thông Hà Nội sẽ đồng bộ, hiện đại, kết nối nhiều hơn sau quy hoạch (Nguồn: Vietnamplus)

      Như vậy, quy hoạch giao thông Hà Nội đã cơ bản hoàn thiện, bổ sung, đổi mới một số hạng mục. Kỳ vọng trong tương lai, Hà Nội sẽ xây dựng được hình ảnh hiện đại, ổn định, đồng bộ về hạ tầng giao thông. 

      Xem thêm

      Cập nhật tình hình quy hoạch khu đô thị mới tại huyện Thanh Trì Hà Nội

      Tổng quan quy hoạch vùng đô thị phía Bắc Hà Nội mới nhất

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K

      Công ty Cổ phần One Mount Real Estate – Sàn giao dịch Bất Động Sản là thành viên của One Mount Group. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp: 0109178175. Đăng ký lần đầu: ngày 11/05/2020, Cấp bởi: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội. Loại hình website: Sàn giao dịch TMĐT, Website khuyến mại trực tuyến
      Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản, Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, Thẻ khách hàng thường xuyên, sản phẩm, dịch vụ khác.
      Tên người chịu trách nhiệm: Quách Thị Hồng Nhung
      Thông tin điện tử nội bộ và mạng xã hội
      Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Lê Thanh
      Số giấy phép thiết lập mạng xã hội: Số 371/GP-BTTTT
      Ngày cấp: 04/10/2023
      Cơ quan cấp phép: Bộ Thông tin và Truyền thông

      © 2021 Bản quyền thuộc về OneHousing.vn

                                                                                                                    onehousing chứng nhận bộ công thương