Làm thế nào để có một bộ bàn ăn đẹp và hài hòa với căn hộ?

      Làm thế nào để có một bộ bàn ăn đẹp và hài hòa với căn hộ?

      Onehousing image
      7 phút đọc
      30/08/2023
      Sau một ngày dài mệt mỏi, một bữa tối bên người thân chính là liều thuốc giúp chúng ta “detox” mọi ưu phiền. Phòng ăn hoặc nơi bố trí bàn ăn, vì thế đóng vai trò tối quan trọng đối với cuộc sống gia đình.

      Thông thường, với những căn hộ chung cư, bạn sẽ không có nhiều lựa chọn về vị trí phòng ăn. Hầu hết các thiết kế đều có xu hướng bố trí phòng ăn (hoặc khu vực đặt bàn ăn) nằm ở khoảng giữa phòng khách và không gian bếp. Nhưng hạn chế lựa chọn không đồng nghĩa rằng bạn cứ mặc nhiên đơn giản hóa việc bố trí phòng ăn.

      Trái lại, là không gian ảnh hưởng rất lớn tới hạnh phúc và sức khỏe gia đình, phòng ăn cần được xem xét cẩn thận trên cả khía cạnh công năng lẫn sự hài hòa trong chỉnh thể nội thất của căn hộ. Dưới đây là một số lời khuyên của OneHousing dành cho các bạn về khu vực đặc biệt này:

      Gần bếp, nhưng đừng gần quá

      Khu vực ăn uống là nơi cả gia đình sử dụng đều đặn mỗi ngày, lại thường vào lúc đói và mệt nên cần được bố trí thuận tiện cho việc sử dụng. Do đó, bàn ăn nằm gần bếp sẽ tiện hơn gần phòng khách. Cách bố trí này cũng phù hợp với bầu không khí riêng tư của bữa cơm gia đình hơn so với việc đặt gần không gian cởi mở của những cuộc tiếp khách.

      Tuy nhiên, do đặc điểm nấu nướng của người Việt có nhiều món chiên, xào và sử dụng đa dạng các loại gia vị nên khu bếp thường rất nóng, nhiều khói và mùi. Từ đặc điểm này có thể thấy không nên đặt bàn ăn ở quá gần bếp để tránh bị nóng, ám mùi và gây khó khăn cho việc nấu nướng.

      Nếu có thể, hãy bố trí một khu vực chuyển tiếp giữa khu bếp và bàn ăn, chẳng hạn một bàn sơ chế hoặc một quầy bar, một chiếc tủ ly hay một vách ngăn có độ cao vừa phải…

      Làm gì khi không có đủ không gian?

      Tất nhiên, không phải căn hộ nào cũng đủ rộng để bố trí khu vực bàn ăn thoải mái như lý thuyết kể trên. Trong trường hợp không gian của bạn eo hẹp, hãy xem xét một chiếc bàn thông minh, loại có thể gấp gọn khi không đùng đến. Nhưng cũng đừng chọn loại bàn có cơ chế gấp phức tạp hoặc được tạo thành bởi quá nhiều chi tiết nhỏ. Ở một khía cạnh nào đó, có nhiều chi tiết nghĩa là có nhiều thứ để hỏng.

      Đừng đẩy bàn ăn vào sát tường nếu không bị ép đến mức chẳng còn lựa chọn nào khác. Việc này sẽ làm mất đi một khoảng không gian đáng ra có thể bố trí ghế. Nếu bạn đặt sát tường một bộ bàn ăn nhỏ, thì những người ngồi gần tường cũng bị vướng víu, cản trở các thao tác khi ăn. Thử tưởng tượng, phía tay cầm đũa của bạn chỉ còn chừng chưa đến 20 cm khoảng trống, việc ăn uống sẽ khó khăn như thế nào!? 

      Ghế đặt quá sát tường cũng bị hạn chế không gian sử dụng và dẫn tới nguy cơ lưng ghế cọ xát vào tường, gây trầy xước cho cả ghế lẫn tường.

      Cũng không nên đặt bàn ăn đối diện cửa ra vào hoặc gần nhà vệ sinh. Bởi về mặt tâm lý thì nếu bàn ăn đặt thẳng cửa ra vào sẽ tạo cảm giác kém thoải mái, mất đi sự riêng tư cần có của bữa cơm gia đình. Nếu bàn ăn gần nhà vệ sinh dĩ nhiên sẽ chịu ảnh hưởng bởi những xú uế cũng như gây mất mỹ quan, tác động tiêu cực tới cảm giác ngon miệng.

      Kích thước mặt bàn

      Ngoài vị trí đặt bàn ăn thì kích thước của chiếc bàn cũng là điều bạn cần xem xét. Bàn ăn là một món đồ nội thất lớn nên bạn cũng cần tính đến không gian chung quanh nó, hay nói ngược lại, cần hình dung xem nó sẽ phù hợp như thế nào với căn phòng. Nếu bạn thuê một chuyên gia thiết kế nội thất, chuyện này đơn giản. Nhưng nếu bạn tự mình “set up” mọi thứ, thì cần đo đạc cẩn thận không gian dành cho chiếc bàn.

      Theo các nhà thiết kế, một chiếc bàn ăn cần có không gian trống tối thiểu 1 mét trở lên ở tất cả các hướng chung quanh để có thể ngồi thoải mái và di chuyển khỏi chỗ ngồi một cách thuận lợi. Vì thế, bạn hãy đo chiều dài và chiều rộng của khu vực dành cho bàn ăn, sau đó trừ đi khoảng 2 mét từ hai phép đo ấy để có chiều dài và chiều rộng của chiếc bàn phù hợp.

      Do “khối lượng trực quan” của một món đồ nội thất có thể ảnh hưởng đến cảm giác rộng rãi của căn phòng nên một chiếc bàn phù hợp về kích thước vẫn trở nên cồng kềnh nếu có màu tối hoặc để quá gần với các đồ nội thất khác. Hãy đánh dấu chiều dài và chiều rộng trên sàn, và cả chiều cao của bàn. Sau đó lấp đầy khoảng trống đó bằng đồ nội thất có kích thước tương tự (chẳng hạn như một vài chiếc ghế) và lùi lại một bước để xem cảm giác thế nào.

      Chất liệu mặt bàn

      Ngày nay, người ta có thể dùng bất cứ chất liệu gì để làm bàn ghế. Do đó, việc bạn cần làm chỉ là tính toán sao cho cân bằng giữa giá cả, tính dễ chăm sóc và phong cách cá nhân của mình để chọn một bộ bàn ăn phù hợp.

      Bạn có thể chọn gỗ tự nhiên vì bền và dễ sửa chữa. Nhưng gỗ lại chịu tác động của độ ẩm của thời tiết và cũng thường rất đắt, đặc biệt nếu bạn lựa chọn những loại gỗ quý. Ngược lại, các chất liệu như nhựa, gỗ công nghiệp (MDF, laminate hay acrylic) thì không tốn kém, bền và chống bám bẩn tốt, ít phải bảo trì nhưng thường bị xem là kém sang hơn so với những loại gỗ tự nhiên cao cấp.

      Đá cũng là chất liệu bền và những loại đá đặc biệt có thể đem lại thẩm mĩ cao cũng như cảm giác sang trọng cho mặt bàn. Tuy nhiên, đá cũng dễ hấp thụ vết bẩn và thường khó sửa chữa hoặc không thể sửa chữa. Mặt bàn bằng đá thường khá nặng và đắt.

      Mặt bàn bằng kính thì tương đối rẻ và có thể tạo cảm giác về một không gian thoáng, cởi mở. Kính không dễ bị ẩm, nhưng có thể sứt mẻ, trầy xước hoặc nứt do nhiệt và để lại mọi dấu vân tay. Mặt bàn bằng kính tốt có thể tồn tại hàng chục năm nếu dùng giữ gìn, nhưng nó sẽ xấu đi nhanh chóng nếu bạn làm sứt mẻ các cạnh hoặc xây xước bề mặt.

      Bàn ghế làm bằng kim loại thì bền và không dễ hư hỏng. Nhưng chất liệu này chủ yếu dùng cho chân đế thay vì bề mặt. Bên cạnh đó, do độ bóng cao, nó lộ rõ ​​mọi dấu vân tay và có thể yêu cầu các công cụ làm sạch đặc biệt. Bên cạnh đó, kim loại được sơn cũng có thể khó sửa chữa.

      Kiểu dáng bàn và ghế 

      Hãy quan thói quen của bản thân trước khi chọn kiểu dáng bàn ăn và ghế. Chẳng bạn nếu bạn thích duỗi chân thoải mái thì chân bàn cồng kềnh sẽ là rào cản đáng kể. 

      Khi trực tiếp nhìn thấy chiếc bàn mà mình định mua, hãy ngồi vào đó để xem chân bạn có chạm vào chân bàn không. Hãy kiểm tra xem bạn có đủ không gian cho đầu gối và xem liệu bạn có thể bắt chéo chân bên dưới bàn hay không. Tương tự là với ghế. Đừng tiếc chút thời gian ngồi thử lên chiếc ghế mà bạn muốn đưa về nhà để biết được rằng nó có đủ êm ái hay không.

      Đối với mặt bàn, lựa chọn kiểu vuông hay tròn cũng cần cân nhắc. Bàn vuông phù hợp với những dịp trang trọng, cần thể hiện vị trí của chủ tiệc và cũng dễ có sự liên lạc với các đồ nội thất chung quanh. Còn bàn tròn hoặc oval lại cho bạn nhiều không gian hơn để di chuyển vì nó cắt bỏ các góc nhưng vẫn có diện tích bề mặt tốt. Nó cũng giúp bài trí mâm cơm hài hòa hơn, nhất là với truyền thống ẩm thực Việt Nam. Trên bàn tròn, ai cũng có thể tiếp cận các món dễ dàng như nhau, tạo cảm giác vui vẻ, thoải mái cho mọi thành viên khi thưởng thức bữa ăn.

      Chọn loại đèn phù hợp

      Ánh sáng cho khu vực bàn ăn cũng là thứ có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng bữa ăn. Quá sáng hoặc quá tối đều không tốt. Màu sắc của ánh sáng cũng cần phù hợp. Do khu vực phòng ăn thường không phải nơi đón nhiều ánh sáng tự nhiên và thường được sử dụng vào buổi tối nên việc chọn lựa loại đèn cho khu vực này rất quan trọng.

      Bạn có thể lựa chọn đèn chùm hoặc đèn thả cho bàn ăn và đèn âm tường, ầm trần cho phòng ăn. Nếu dùng đèn thả thì phải tính toán sao cho tỷ lệ tương xứng với kích thước của phòng ăn và bàn ăn. Sẽ rất bất hợp lý nếu nếu bạn có một phòng ăn lớn mà lại dùng những chiếc đèn thả mảnh mai, thưa thớt. Trong trường hợp này, một chiếc đèn chùm lớn hoặc những bộ đèn có hình dáng độc đáo, bắt mắt sẽ tạo điểm nhấn hợp lý và hài hòa hơn với không gian. Đèn tường và đèn âm trần thì sẽ đem lại ánh sáng bao quát mà lại có không gian lắp đặt kín đáo.

      Nhưng chọn loại đèn nào cũng cần lựa ánh sáng phù hợp. Theo các chuyên gia, bạn nên chọn ánh sáng có màu sắc trung tính hoặc ấm áp cho khu vực phòng ăn. Loại ánh sáng thì được biểu thị bằng nhiệt độ màu, với đơn vị đo là Kelvin, ký hiệu là K trên các bao bì sản phẩm. Ánh sáng trung tính sẽ có nhiệt độ màu từ 3500 đến 4500 K còn ánh sáng ấm áp thì có nhiệt độ màu dao động trong khoảng 2700 đến 3500 K.  

      Chia sẻ ngay!

      Công ty Cổ phần One Mount Real Estate – Sàn giao dịch Bất Động Sản là thành viên của One Mount Group. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp: 0109178175. Đăng ký lần đầu: ngày 11/05/2020, Cấp bởi: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội. Loại hình website: Sàn giao dịch TMĐT, Website khuyến mại trực tuyến
      Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản, Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, Thẻ khách hàng thường xuyên, sản phẩm, dịch vụ khác.
      Tên người chịu trách nhiệm: Quách Thị Hồng Nhung
      Thông tin điện tử nội bộ và mạng xã hội
      Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Lê Thanh
      Số giấy phép thiết lập mạng xã hội: Số 371/GP-BTTTT
      Ngày cấp: 04/10/2023
      Cơ quan cấp phép: Bộ Thông tin và Truyền thông

      © 2021 Bản quyền thuộc về OneHousing.vn

                                                                                                                    onehousing chứng nhận bộ công thương