Thủ đô Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc được xem là giải pháp quan trọng giúp giảm tải áp lực giao thông và thúc đẩy sự phát triển của đô thị vệ tinh phía Tây Thủ đô. Cùng tìm hiểu những thông tin mới nhất về dự án ngay sau đây!
Dự án đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc (tuyến số 5) được là dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội trong năm 2025.
Tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc có tổng chiều dài gần 39km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm. Trong đó, 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và gần 30km đi trên mặt đất.
Dự án có tổng mức đầu tư 65.404 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách của TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, công trình dự kiến được khởi công xây dựng vào năm 2025.
Thiết kế của dự án đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc (Ảnh: VnExpress)
Tuyến đường sắt đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Một phần tuyến được thiết kế chạy dọc khu vực trung tâm với mật độ dân cư cao. Trong khi đó, đoạn còn lại đi qua các khu đô thị mới đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Hệ thống ga trên tuyến bao gồm 21 nhà ga, được phân bổ như sau:
Bên cạnh đó, dự án đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc còn xây hai depot phục vụ công tác tập kết, bảo dưỡng và sửa chữa tàu.
Về phương tiện vận hành, số lượng tàu sẽ được bổ sung theo từng giai đoạn. Dự kiến, năm 2025 sẽ có khoảng 26 đoàn tàu, sau đó tăng lên 37 đoàn vào năm 2035 và đạt 38 đoàn vào năm 2050.
Lộ trình của tuyến đường sắt đô thị số 5 (Ảnh: Tạp chí Tài chính điện tử)
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai.
Thủ đô đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Điển hình là trên các tuyến đường huyết mạch như đại lộ Thăng Long, đường Nguyễn Trãi, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy và các tuyến kết nối trung tâm với khu vực phía Tây,...
Vì vậy, việc phát triển tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc không chỉ giúp giảm tải áp lực giao thông mà còn góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị, hướng đến một hệ thống giao thông hiện đại và bền vững. Có thể khẳng định, đây là một giải pháp mang tính chiến lược và lâu dài.
Metro số 5 là giải pháp căn cơ khắc phục ùn tắc giao thông cho Thủ đô (Ảnh: VnExpress)
Hòa Lạc được quy hoạch là một trong năm đô thị vệ tinh của Hà Nội. Nơi đây có sự hiện hữu của Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các trường đại học lớn, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, khoảng cách gần 40km so với trung tâm thành phố khiến việc di chuyển giữa hai khu vực này gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, tuyến metro số 5 sẽ đóng vai trò trục kết nối chiến lược, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn sinh viên, chuyên gia, kỹ sư làm việc tại Hòa Lạc tiếp cận khu vực nội đô một cách dễ dàng.
Hạ tầng sẽ “nâng cánh” cho khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển mạnh mẽ (Ảnh: 24H)
Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống metro cũng sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao sức hấp dẫn của Hòa Lạc đối với các nhà đầu tư. Qua đó, dự án góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hòa Lạc trở thành một đô thị vệ tinh hiện đại, năng động và phát triển bền vững.
Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc sẽ liên thông trực tiếp với các tuyến metro số 2, 3, 4, 6, 7, 8, hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giúp hành khách di chuyển linh hoạt và thuận tiện giữa các khu vực trong thành phố.
Khi hệ thống đường sắt đô thị được hoàn thiện, Hà Nội sẽ từng bước tiệm cận với mô hình giao thông hiện đại của các thành phố lớn trên thế giới, nâng cao chất lượng sống và hiệu suất kinh tế đô thị.
Metro số 5 sẽ liên kết với các tuyến metro khác (Ảnh: VnExpress)
Hạ tầng giao thông luôn là “đòn bẩy” thúc đẩy giá trị bất động sản và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Phần Lan hay Ấn Độ, metro được coi là hạt nhân tất yếu giúp các thành phố “vươn mình” mạnh mẽ. Mô hình TOD – phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc tái cấu trúc, mở rộng và nâng cao chất lượng sống tại các đô thị lớn.
Báo cáo của CBRE, Savills, JLL cho thấy, bất động sản tại các khu vực có tuyến metro đi qua thường có xu hướng tăng giá mạnh mẽ so với mặt bằng chung. Theo Báo Thanh Niên (02/2025), chỉ trong vòng một năm (từ quý 3/2023 đến quý 3/2024), giá căn hộ trong phạm vi 500m quanh các ga thuộc tuyến metro Cầu Giấy – Nhổn đã ghi nhận mức tăng hơn 40%. Đây là minh chứng rõ rệt cho sức hút của metro đối với thị trường bất động sản.
Những khu đô thị ven đô cũng sẽ được hưởng lợi nhờ tuyến metro số 5 (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)
Khu đô thị công nghệ cao Láng Hòa Lạc được định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu, công nghệ và giáo dục hàng đầu. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất của Hòa Lạc trong nhiều năm qua chính là khoảng cách địa lý và thời gian di chuyển từ trung tâm Hà Nội.
Với tuyến metro số 5, bài toán này sẽ được giải quyết triệt để, giúp kết nối khu vực này với nội đô nhanh chóng và thuận tiện hơn. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp, chuyên gia và lao động chất lượng cao đổ về Hòa Lạc, giúp khu vực này phát triển đúng với tiềm năng sẵn có.
Sự xuất hiện của đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc không chỉ mang lại lợi ích cho đô thị và giao thông mà còn mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp và cá nhân. Khi tuyến metro đi vào hoạt động, nhu cầu về nhà ở, thương mại, văn phòng, khách sạn và dịch vụ xung quanh các nhà ga sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của metro để phát triển các dự án bất động sản có giá trị cao, từ chung cư, nhà phố đến trung tâm thương mại, khu phức hợp hiện đại. Bên cạnh đó, cá nhân cũng có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản tại các khu vực dọc tuyến, hưởng lợi từ sự gia tăng giá trị trong dài hạn.
Dự án này là cú hích mạnh mẽ giúp Hà Nội bứt phá, tiệm cận với các đô thị hiện đại trên thế giới (Ảnh: SOHA)
Tuyến đường sắt Văn Cao – Hòa Lạc không chỉ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai. Đây chính là bước đi quan trọng hướng tới một Hà Nội văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Xem thêm
Thị trường căn hộ sơ cấp Hà Nội tháng 2/2025: Xu hướng giảm tốc và triển vọng phục hồi
Thị trường căn hộ sơ cấp Hà Nội đầu 2025: Giao dịch sụt giảm mạnh, bao giờ phục hồi?