Tổng quan quy hoạch đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh mới nhất | OneHousing

      Tổng quan quy hoạch đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh mới nhất

      Onehousing image
      5 phút đọc
      13/07/2024
      Những cập nhật mới nhất về bản đồ quy hoạch đường sắt thành phố Hồ Chí Minh bao gồm thông tin chi tiết về các tuyến đường sắt đô thị.

      Với tình hình tăng trưởng dân số và quy mô đô thị ngày càng gia tăng, việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị trở thành một ưu tiên hàng đầu. Và không có gì ngạc nhiên khi Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) - trung tâm kinh tế và dân số đông nhất Việt Nam - đang đẩy mạnh quy hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại và tiện ích, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển của người dân và góp phần giảm ùn tắc giao thông. Bài viết này sẽ thông tin về quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM mới nhất và những tiến bộ đáng chú ý trong việc xây dựng hệ thống này.

      Các loại đường sắt đô thị

      tong-quan-quy-hoach-duong-sat-do-thi-tp-ho-chi-minh-moi-nhat-onehousing-1

      Đường sắt đô thị hướng tới trở thành phương tiện công cộng hàng đầu của người dân (Ảnh: Báo Thanh Niên)

      Dựa trên khả năng chở hàng và các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường sắt đô thị được phân loại thành:

      • Tàu điện ngầm (Metro): Đây là loại hình tàu hoạt động chủ yếu ở dưới lòng đất với năng lực chuyên chở lên đến 60.000 hành khách trong một giờ trên một hướng.
      • Tàu điện mặt đất (Monorail và Tramway): Đây là loại hình tàu được bố trí hoạt động ngay trên đường phố, xen lẫn với các phương tiện khác hoặc có thể được bố trí đường riêng, tách biệt với phần lòng đường bằng vỉa hè hoặc dải cây xanh. 
      • Tàu điện ngoại ô: Đây là loại hình tàu có phạm vi phục vụ vươn ra các vùng ngoại ô thành phố, cự ly khai tác thường từ 20km trở lên.   
       

      Vai trò của mạng lưới đường sắt đô thị trong phát triển giao thông của TP.HCM

      Đọc tiếp

      Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bản đồ quy hoạch tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị và các phương tiện công cộng khác của TP.HCM được kỳ vọng sẽ đáp ứng khoảng 40% - 50% nhu cầu của người dân. (Nguồn: Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố)

      Trong đó, các tuyến đường sắt đô thị được xác định vai trò phù hợp với chức năng và hoạt động của chúng. Cụ thể, các tuyến Metro đóng vai trò kết nối các khu vực trung tâm, còn các tuyến tàu điện mặt đất có vai trò kết nối các khu vực theo hình vòng cung.

      tong-quan-quy-hoach-duong-sat-do-thi-tp-ho-chi-minh-moi-nhat-onehousing-2

      Các tuyến tàu điện mặt đất có nhiệm vụ kết nối các khu vực theo hình vòng cung (Ảnh: VNEconomy)

      Bên cạnh đó, sự phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM sẽ lấy chợ Bến Thành làm nhà ga trung tâm. Đây là nhà ga trung chuyển quan trọng kết nối các tuyến metro với quy mô trung chuyển hành khách ước tính lên đến 380.000 hành khách/ngày. Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng khu thương mại ngầm trên đường Lê Lợi, hệ thống lối đi ngầm kết nối với các tầng hầm của các tòa nhà lân cận, cũng sẽ được triển khai và thực hiện. 

      Phương án này dự tính sẽ giảm thiểu áp lực giao thông, hạn chế ùn tắc tại các tuyến đường quan trọng vào giờ cao điểm. Đồng thời, việc vận hành hệ thống đường sắt đô thị cũng sẽ giúp làm giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông trên đường bộ, giảm chi phí nhiên liệu và chi phí logistics. Ngoài ra, hệ thống này cũng giúp cải thiện hoạt động kinh tế và xã hội trong vùng, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.   

      Những nội dung chính trong bản đồ quy hoạch đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh

      Hệ thống đường sắt TP.HCM là hệ thống được kết hợp bởi 3 loại hình đường sắt đô thị gồm tàu điện ngầm (metro), xe điện mặt đất (tramway) và tàu 1 ray (monorail). Tuyến đầu tiên được dự kiến sẽ vận hành vào quý III năm nay và tuyến tiếp theo dự kiến sẽ vận hành vào năm 2030. 

      tong-quan-quy-hoach-duong-sat-do-thi-tp-ho-chi-minh-moi-nhat-onehousing-3

      Bản đồ quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM tầm nhìn sau năm 2020 (Nguồn: Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh)

      Phạm vi triển khai hệ thống đường sắt đô thị

      Theo bản đồ quy hoạch đường sắt, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM gồm 8 tuyến Metro với tổng chiều dài 169km, 3 tuyến tàu điện mặt đất với tổng chiều dài 56,5km và 175 nhà ga với tổng chiều dài toàn hệ thống là 225,5km. (Nguồn: Wikipedia)

      Hệ thống đường sắt đô thị của TP.HCM được trải dài trong cả các quận nội đô và ngoại thành, đảm bảo di chuyển thuận lợi của người dân sau khi toàn tuyến được hoàn thành. 

      Thông tin chi tiết về các tuyến đường sắt

      8 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố bao gồm:

      • Tuyến số 1: Có chiều dài 19,7 km nối từ Bến Thành đến Suối Tiên và tiến đến kết nối với thành phố Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
      • Tuyến số 2: Tổng chiều dài 48 km nối từ khu đô thị Tây Bắc thuộc huyện Củ Chi đến Thủ Thiêm. 
      • Tuyến số 3a: Có chiều dài 19,8km với điểm đầu là Ngã 6 Cộng Hòa và điểm cuối là ga Tân Kiên. Trong tương lai sẽ kéo dài tuyến này để kết nối với thành phố Tân An của tỉnh Long An từ ga Hưng Nhơn.
      • Tuyến số 3b: Với tổng chiều dài 12,1km, tuyến này sẽ nối từ Ngã 6 Cộng Hòa đến Hiệp Bình Phước, nghiên cứu kết nối với thị xã Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương.
      • Tuyến số 4: Có chiều dài khoảng 36,2 km, nối từ Thạnh Xuân, quận 12 đến khu đô thị Hiệp Phước. 
      • Tuyến số 4b: Có chiều dài ngắn nhất là 5,2 km nối từ Công viên Gia Định đến Ga Lăng Cha Cả.
      • Tuyến số 5: Tổng chiều dài tuyến này là khoảng 26 km với điểm đầu là bến xe Cần Giuộc mới và điểm cuối là cầu Sài Gòn.
      • Tuyến số 6: Nối từ Bà Quẹo đến vòng xoay Phú Lâm với chiều dài khoảng 5,6km.

      Ngoài ra, đề án cũng xây dựng thêm 3 tuyến tàu điện mặt đất và đường sắt 1 ray khác gồm:

      • Tuyến xe điện mặt đất số 1 (Tramway): Có chiều dài 12,8 km đi từ Ba Son đến bến xe Miền Tây, định hướng kéo dài đến khu đô thị Bình Quới thuộc quận Bình Thạnh.
      • Tuyến đường sắt 1 ray số 1 (Monorail): Ga đầu ở Quốc lộ 50 thuộc quận 8 chạy đến ga cuối là khu đô thị Bình Quới thuộc quận Bình Thạnh với tổng chiều dài là 27,2 km.
      • Tuyến đường sắt 1 ray số 2 (Monorail): Có chiều dài 16,5 km nối từ ngã tư Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh đến ga Tân Chánh Hiệp.   

      Trên hướng đi đúng của việc phát triển đô thị thông minh và bền vững, quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM đã và đang góp phần tạo nên một hệ thống vận chuyển công cộng hiện đại, tiện lợi và thân thiện với môi trường. Sự đầu tư và phát triển này hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn cho người dân và kinh tế địa phương.

      Xem thêm

      Tổng quan bản đồ quy hoạch quận Bình Tân TP. HCM mới nhất

      Tổng quan quy hoạch đô thị phía Bắc – Tây Bắc TPHCM mới nhất

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K

      Công ty Cổ phần One Mount Real Estate – Sàn giao dịch Bất Động Sản là thành viên của One Mount Group. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp: 0109178175. Đăng ký lần đầu: ngày 11/05/2020, Cấp bởi: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội. Loại hình website: Sàn giao dịch TMĐT, Website khuyến mại trực tuyến
      Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản, Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, Thẻ khách hàng thường xuyên, sản phẩm, dịch vụ khác.
      Tên người chịu trách nhiệm: Quách Thị Hồng Nhung
      Thông tin điện tử nội bộ và mạng xã hội
      Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Lê Thanh
      Số giấy phép thiết lập mạng xã hội: Số 371/GP-BTTTT
      Ngày cấp: 04/10/2023
      Cơ quan cấp phép: Bộ Thông tin và Truyền thông

      © 2021 Bản quyền thuộc về OneHousing.vn

                                                                                                                    onehousing chứng nhận bộ công thương