Quy hoạch TP.HCM đến 2060: Ưu tiên phát triển chung cư cao tầng, mở rộng đô thị hiện đại

      Quy hoạch TP.HCM đến 2060: Ưu tiên phát triển chung cư cao tầng, mở rộng đô thị hiện đại

      Onehousing image
      9 phút đọc
      23/06/2025
      Quy hoạch TP.HCM vừa công bố định hướng phát triển đến năm 2060 với tầm nhìn đột phá, chú trọng xây dựng chung cư cao tầng tại các khu vực có hạ tầng đồng bộ.

      Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và quỹ đất ngày càng thu hẹp, quy hoạch TP.HCM đang từng bước chuyển mình với chiến lược dài hạn đến năm 2060. Điểm nhấn trong đồ án lần này là ưu tiên phát triển chung cư cao tầng tại các khu vực có hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, hướng tới hình thành các trung tâm đô thị hiện đại, xanh - thông minh - bền vững. 

      Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mô hình đô thị đa trung tâm

      Thông tin quy hoạch TP.HCM đang bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn chiến lược đến năm 2060, trong đó nổi bật là định hướng phát triển đô thị đa trung tâm hiện đại, văn minh, đồng bộ và bền vững. 

      Tầm nhìn quy hoạch đến năm 2060

      Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1125, TP.HCM sẽ tái cấu trúc không gian đô thị theo hướng đa cực, khuyến khích phát triển nhà ở cao tầng gắn liền với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội hoàn chỉnh và hiện đại.

      TP.HCM sẽ tái cấu trúc không gian đô thị theo hướng đa cực (Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ)

      Việc tổ chức lại cấu trúc đô thị không chỉ nhằm giải quyết áp lực dân số, giao thông và môi trường mà còn hướng đến nâng cao chất lượng sống cho người dân, đón đầu xu thế toàn cầu hóa, kinh tế số và hội nhập quốc tế. Đồ án do liên danh các đơn vị tư vấn quy hoạch hàng đầu gồm Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch Miền Nam và Công ty Không Gian Xanh thực hiện, đang vẽ nên diện mạo tương lai của một đô thị năng động, sáng tạo và bền vững bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

      Sáu phân vùng đô thị và định hướng phát triển từng khu vực

      Thông tin quy hoạch TP.HCM sẽ được chia thành 6 phân vùng đô thị gồm: Trung tâm, Đông, Tây, Bắc, Nam và Đông Nam. Mỗi phân vùng được thiết kế với chức năng tổng hợp và đặc thù riêng, tạo nên sự phân bố không gian hợp lý, hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và hạ tầng.

      • Khu trung tâm tiếp tục là hạt nhân phát triển về tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp, văn hóa và hành chính, với định hướng phát triển nhà ở cao tầng, thúc đẩy đô thị nén và sử dụng hiệu quả quỹ đất.
      • Vùng Đông (gồm TP. Thủ Đức) đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo, giáo dục đại học, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, đồng thời là khu vực đầu tàu trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và nền kinh tế tri thức.
      • Vùng Tây được định hướng trở thành khu vực phát triển nông nghiệp đô thị, công nghiệp sạch và các khu dân cư mới, kết hợp với bảo tồn hệ thống sông rạch và không gian xanh sinh thái.
      • Vùng Bắc giữ vai trò là khu vực trung chuyển logistics, công nghiệp nhẹ và phát triển hạ tầng kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ.
      • Vùng Nam tập trung khai thác các tiềm năng về sinh thái, phát triển đô thị gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, đồng thời xây dựng khu đô thị lấn biển, cảng trung chuyển quốc tế và dịch vụ hậu cần cảng biển.
      • Vùng Đông Nam là khu vực liên kết vùng và cửa ngõ quốc tế, nơi hội tụ các đầu mối giao thông đa phương thức, cảng biển, trung tâm logistics, dịch vụ thương mại và công nghiệp công nghệ cao.

      Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, giáo dục đại học, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (Nguồn: UBND TP. Thủ Đức)

      Các phân vùng theo thông tin quy hoạch TP.HCM được kết nối linh hoạt qua hệ thống giao thông hiện đại, ưu tiên phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn như metro, buýt nhanh, đường sắt đô thị… Hệ thống sông ngòi tự nhiên gồm sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, kênh Xáng… sẽ được bảo tồn, khai thác như khung sinh thái chủ đạo, tạo hành lang thoát nước, quản lý ngập lụt, đồng thời kết hợp với không gian công viên cây xanh, góp phần nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

      Vai trò của TP.HCM trong vùng Đông Nam Bộ và quốc tế

      Với diện tích lập quy hoạch hơn 2.123 km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính hiện tại và không gian mở rộng hướng biển, TP.HCM tiếp tục giữ vững vị thế là đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính, khoa học, giáo dục và đổi mới sáng tạo của cả nước. Theo thông tin quy hoạch TP.HCM tầm nhìn dài hạn, thành phố hướng đến trở thành một trung tâm tài chính dịch vụ quốc tế tầm khu vực châu Á, đồng thời là nơi thu hút các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức tài chính toàn cầu.

      Không chỉ đóng vai trò kết nối các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM còn là điểm hội tụ của mạng lưới hạ tầng giao thông đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không và hạ tầng số. Các công trình trọng điểm như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, metro Bến Thành – Suối Tiên… sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ, tạo hành lang phát triển liên kết vùng hiệu quả.

      Thành phố cũng là một trong những địa bàn có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng – an ninh, giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định chính trị, an toàn khu vực phía Nam của đất nước.

      Thông tin quy hoạch TP.HCM: Tăng tỷ trọng chung cư cao tầng, phát triển nhà ở xã hội

      Thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược quy hoạch nhà ở đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 với định hướng phát triển đô thị theo mô hình nén. Trọng tâm là tăng tỷ trọng nhà chung cư cao tầng, mở rộng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở cho thuê, tạo điều kiện sống ổn định cho người lao động, sinh viên, công nhân cũng như các nhóm thu nhập thấp trong xã hội.

      Đô thị nén tại TP.HCM được xây dựng dựa trên nguyên tắc tiết kiệm quỹ đất (Nguồn: Visit HCMC)

      Khác với mô hình phát triển dàn trải truyền thống, đô thị nén tại TP.HCM được xây dựng dựa trên nguyên tắc tiết kiệm quỹ đất, sử dụng hiệu quả hạ tầng kỹ thuật – xã hội, đồng thời tối ưu hóa khoảng cách di chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc. Việc thúc đẩy nhà ở cao tầng không chỉ phù hợp với xu thế đô thị hóa hiện đại mà còn giúp giảm áp lực lên giao thông và môi trường đô thị.

      Một trong những điểm nhấn của quy hoạch mới là phát triển mạnh các khu nhà ở xã hội tập trung, đặc biệt dành cho công nhân, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp. Các dự án này được bố trí hợp lý tại các khu vực giáp ranh hoặc gắn kết với các khu công nghiệp, trường đại học, trung tâm đào tạo nghề và dịch vụ, nhằm cung cấp chỗ ở tại chỗ cho người dân, hạn chế tình trạng di chuyển xa và cải thiện chất lượng sống.

      Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ dành khoảng 1.400 ha đến năm 2040 cho phát triển các khu nhà ở chi phí thấp, nhà ở cho thuê và nhà ở chính sách. Các công trình nhà ở công cộng này được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, đảm bảo đầy đủ tiện ích cơ bản, tạo điều kiện sinh sống ổn định và lâu dài cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

      Đặc biệt, nhà ở cho thuê cũng được TP.HCM khuyến khích phát triển, hướng đến đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trẻ, người làm việc ngắn hạn hoặc người chưa có điều kiện sở hữu nhà. Nhà ở học sinh, sinh viên cũng sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng tại các phân khu đô thị có các trung tâm đào tạo trọng điểm.

      Hạ tầng giao thông và công nghiệp: Đòn bẩy cho đô thị hóa bền vững

      Hạ tầng giao thông và công nghiệp đóng vai trò trụ cột trong chiến lược quy hoạch phát triển bền vững của TP.HCM. Từ góc độ kết nối liên vùng đến năng lực sản xuất công nghiệp, thành phố đang từng bước xây dựng hệ sinh thái hạ tầng hiện đại, đa dạng và linh hoạt nhằm tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho phát triển đô thị toàn diện.

      Trong lĩnh vực giao thông, thông tin quy hoạch TP.HCM cho biết sẽ tập trung đầu tư mạnh vào hệ thống liên kết vùng và các tuyến giao thông huyết mạch. Hàng loạt tuyến cao tốc mới sẽ được xây dựng và hoàn thiện như TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hay TP.HCM – Trà Vinh – Sóc Trăng. Song song đó là các tuyến vành đai 3 và 4, kết nối thành phố với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

      TP.HCM sẽ tập trung đầu tư mạnh vào hệ thống liên kết vùng và các tuyến giao thông huyết mạch (Nguồn: VnEconomy)

      Quy hoạch cũng bao gồm việc mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 50 hay các tuyến đường dẫn vào các tuyến cao tốc. Bên cạnh đó, các cây cầu mới như Cầu Đồng Nai 2, Cầu Cát Lái và các tuyến đường nối thẳng TP Thủ Đức với Nhơn Trạch, Long Thành sẽ giúp giảm tải cho các trục giao thông truyền thống, đồng thời nâng cao hiệu quả kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, đầu mối hàng không lớn nhất khu vực trong tương lai.

      Một điểm đáng chú ý là TP.HCM cũng sẽ phát triển mạnh hệ thống đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến nội đô như Thủ Thiêm – Tân Kiên, TP.HCM – Cần Thơ, TP.HCM – Tây Ninh… và các tuyến kết nối cảng, sân bay, trung tâm logistics, tạo nên mạng lưới giao thông đa phương thức liền mạch.

      Không tách rời với hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin quy hoạch TP.HCM về công nghiệp cũng được quy hoachj đồng bộ và chiến lược. Thành phố sẽ quy hoạch mới và mở rộng tổng cộng từ 33 khu công nghiệp, 3 khu chế xuất và 7 cụm công nghiệp, với tổng diện tích từ 9.200 – 10.200 ha, tập trung tại các vùng như Bình Chánh, Củ Chi, Bắc Cần Giờ và dọc theo các trục giao thông lớn.

      Đồng thời, 10 trung tâm logistics hiện đại sẽ được hình thành tại các địa điểm chiến lược như Cát Lái, Long Bình, Linh Trung, Tân Kiên, Hiệp Phước… Đây sẽ là mắt xích quan trọng kết nối sản xuất công nghiệp với hệ thống vận tải, cảng biển và hàng không quốc tế, giúp TP.HCM trở thành trung tâm logistics quy mô khu vực Đông Nam Á.

      Ngoài ra, thành phố cũng dành không gian phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị và du lịch trải nghiệm tại các vùng ven như Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ. Đây sẽ là những mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, kết hợp nghỉ dưỡng và giáo dục trải nghiệm, góp phần đa dạng hóa không gian kinh tế nông thôn trong lòng đô thị.

      Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2060, thông tin quy hoạch TP.HCM đang thể hiện rõ quyết tâm trở thành đô thị đặc biệt mang tầm vóc khu vực và quốc tế. Việc tập trung phát triển chung cư cao tầng và mở rộng không gian đô thị hiện đại không chỉ giải quyết bài toán dân số, nhà ở, mà còn góp phần định hình một thành phố năng động, đáng sống trong tương lai.

      Xem thêm:

      Quy hoạch quận Gò Vấp TP. HCM sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính

      Quy hoạch quận Bình Thạnh TP. HCM sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính

      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K