Thuật ngữ “xanh vỏ đỏ lòng” là câu nói không còn xa lạ với nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã có kinh nghiệm. Khi thị trường đang rơi vào trạng thái này, thị trường có thể chuẩn bị xuất hiện xu hướng thay đổi giá mới. Vậy khi thị trường rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” thì nhà đầu tư chứng khoán nên hành động như thế nào, bán hay mua cổ phiếu?
“Xanh vỏ đỏ lòng” là một thành ngữ sử dụng biện pháp ẩn dụ để nói về sự trái ngược giữa bản chất bên trong và hình thức bên ngoài của sự vật (hiện tượng). Theo đó, cho dù vẻ bề ngoài của một người hay một vật trông vô hại nhưng có thể ở bên trong lại ẩn chứa nhiều mưu mô, toan tính. Ngược lại, thành ngữ “xanh vỏ đỏ lòng” cũng có thể hiểu trong trường hợp những người, sự vật dù nhìn bề ngoài hung dữ, xấu xí nhưng bên trong thực chất lại tử tế và tốt đẹp.
Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cũng sử dụng câu nói “xanh vỏ đỏ lòng” để phản ánh hiện tượng khi các chỉ số chính tăng điểm nhưng hầu hết cổ phiếu lại giảm giá. Tình trạng này thường xuất hiện vào các đợt điều chỉnh giá hoặc khi thị trường đạt đỉnh. Lúc này, những nhà đầu tư lớn thường giữ cho thị trường có vẻ đang trong đà tăng trưởng để ổn định tâm lý chung của các nhà giao dịch khác, nhưng trên thực tế bản thân những nhà đầu tư này lại bán ra rất nhiều cổ phiếu, làm cho đa số cổ phiếu giảm giá.
Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” là trạng thái cảnh báo thị trường đang có nhiều rủi ro cũng như sắp xuất hiện xu hướng mới. Tại Việt Nam, các nhà đầu tư chứng khoán thường sử dụng cặp chỉ số lớn-nhỏ để so sánh như VN-Index và VN30, hoặc HNX-Index và HNX30. Khi thị trường ở trong tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”, chỉ số nhỏ sẽ giảm giá còn chỉ số lớn lại tăng giá.
Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” cảnh báo thị trường có thể sắp xuất hiện xu hướng mới (Nguồn: Luật ACC)
Có 4 nguyên nhân dẫn đến xảy ra hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" trên thị trường chứng khoán, đó là: sự phân hóa của thị trường, áp lực bán cao, thị trường thiếu thanh khoản, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Khi giá cổ phiếu giữa các nhóm ngành hoặc giữa các nhóm cổ phiếu có sự khác biệt lớn, đó là lúc xảy ra hiện tượng phân hóa trên thị trường. Những ngành hoặc nhóm cổ phiếu có giá tăng mạnh thường là do có tin tức tích cực và triển vọng trong tương lai tốt. Các cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao sẽ gia tăng lực cầu trên thị trường (được thị trường mua hơn), trong khi những cổ phiếu ít được chú ý hoặc bị đánh giá thấp lại giảm giá.
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán thường bán các cổ phiếu nhỏ và trung bình để hiện thực hóa lợi nhuận khi thị trường tăng điểm. Việc này dẫn đến nhiều cổ phiếu sẽ giảm giá dù chỉ số chính vẫn tăng. Dòng tiền lúc này có thể chuyển sang các dòng blue-chip hoặc có vốn hóa lớn do kỳ vọng của nhà đầu tư rằng những cổ phiếu này vừa an toàn cũng như còn tiềm năng tăng giá. Vì là các cổ phiếu có vốn hóa lớn hoặc là cổ phiếu thuộc sở hữu của công ty lớn nên khi lực cầu vào những cổ phiếu này tăng sẽ kéo chỉ số chung của thị trường tăng, ngay cả khi nhiều cổ phiếu khác đang giảm giá. Đây chính là trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” mà các nhà đầu tư luôn nhắc tới.
Áp lực bán chốt lời có thể khiến thị trường rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” (Nguồn: Tạp chí Công Thương)
Khi thanh khoản của thị trường thấp, các cổ phiếu lớn hoặc blue-chip sẽ được nhà đầu tư ưu tiên hơn vì niềm tin rủi ro thấp hơn. Những cổ phiếu lớn này tăng giá sẽ kéo chỉ số chung của thị trường tăng lên nhưng cũng dòng cổ phiếu nhỏ hơn lại không có đủ thanh khoản, dẫn đến tăng áp lực bán ra ở những loại cổ phiếu này (giá cổ phiếu giảm đỏ).
Các cổ phiếu vốn hóa lớn và blue-chip luôn nhận được sự tự tin của các nhà đầu tư chứng khoán về sự ổn định tốt. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho giá những cổ phiếu này thường tăng cao, trong khi các cổ phiếu nhỏ hơn lại không được chú ý, khiến thanh khoản kém. Đặc biệt trong trường hợp thị trường đang có thanh khoản thấp, rủi ro cũng tiềm ẩn lớn hơn thì những cổ phiếu có số lượng giao dịch thấp lại càng bị các nhà đầu tư bỏ qua, khiến giá tiếp tục giảm thêm.
Nếu thị trường xuất hiện trạng thái "xanh vỏ đỏ lòng", nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị nhà đầu tư nên đề cao sự thận trọng trước các quyết định mua bán. Một kinh nghiệm đầu tư chứng khoán quan trọng chính là cần đánh giá được diễn biến thị trường. Nhà đầu tư cần xét xem liệu sự tăng trưởng của thị trường có diễn ra đồng thời ở nhiều nhóm ngành hay không. Trong thực tế có thể xảy ra trường hợp dòng tiền tham gia cao nhưng lại không bắt kịp sự tăng vốn hóa (dòng tiền tham gia không trải rộng ra hết thị trường) nên dù chỉ số chung tăng mạnh thì thị trường vẫn có thể rơi vào tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng".
Nhà đầu tư chứng khoán nên làm gì khi thị trường “xanh vỏ đỏ lòng” (Nguồn: Thư Ký Luật)
Khi thị trường rơi vào trạng thái này, nhà đầu tư có thể cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ và tăng tỷ trọng tiền mặt để hạn chế rủi ro. Nhà đầu tư cũng không nên bán những cổ phiếu ít biến động và mua những cổ phiếu đang tăng giá mạnh, vì có thể dẫn đến bị lỗ kép. Khi xuất hiện trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”, thị trường có thể diễn ra theo 2 hướng kịch bản như: thứ nhất, cổ phiếu có tiềm năng nhưng chưa tăng giá sẽ tăng theo xu hướng của thị trường; thứ hai, các cổ phiếu có nền tảng tốt sẽ giảm giá chậm hơn hoặc không giảm nếu thị trường giảm điểm. Nhà đầu tư nên giữ những cổ phiếu đã chọn lọc và chỉ nên bán khi mã đó tăng trưởng cùng chiều với thị trường để thu hồi vốn và đợi xu hướng thị trường hiện rõ hơn.
Trên đây là các thông tin, kinh nghiệm đầu tư khi thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”. Mong rằng thông tin trong bài đã giúp bạn có thêm kinh nghiệm để giao dịch, đầu tư chứng khoán thông minh.
Xem thêm
Các loại rủi ro trên thị trường chứng khoán và cách hạn chế rủi ro khi tham gia đầu tư chứng khoán