Nút giao Tân Vạn - công trình giao thông quan trọng thuộc dự án Vành đai 3 TP. HCM - đang bước vào giai đoạn thi công nước rút. Đây là nút giao phức tạp nhất, kết nối trực tiếp với 6 tuyến giao thông huyết mạch tại khu Đông TP. HCM. Việc hoàn thiện hạng mục này sẽ hỗ trợ mục tiêu thông xe đoạn đầu tiên của tuyến đường vành đai 3 trong năm 2025, từ đó góp phần đồng bộ quá trình phát triển của “tam giác kinh tế” TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Vành đai 3 TP. HCM là dự án giao thông trọng điểm, giữ vai trò chiến lược trong việc kết nối liên vùng giữa TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Với tổng chiều dài hơn 90 km, tuyến đường này được quy hoạch với kỳ vọng giúp giảm áp lực giao thông cho khu vực cửa ngõ TP. HCM, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương mà nó đi qua.
Dự án vành đai 3 TP. HCM giúp thúc đẩy khả năng kết nối giao thông giữa TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An (Nguồn: Saigon Times)
Được khởi công vào tháng 6/2023, đến cuối năm 2024, dự án đã đạt 30% tiến độ với 10 gói thầu chính. Cũng trong thời điểm này, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình thi công một số hạng mục để kịp thời hoàn thiện toàn dự án theo đúng tiến độ đã đề ra. Trong đó, nút giao Tân Vạn là một trong những hạng mục được chú trọng nhất với thiết kế 3 tầng, 5 nhánh cầu, tiếp giáp trực tiếp với 6 tuyến giao thông huyết mạch tại khu Đông TP. HCM.
Với vị trí chiến lược giáp ranh TP. Thủ Đức, TP.Dĩ An và tỉnh Đồng Nai, nút giao Tân Vạn không chỉ giúp kết nối các tuyến đường quan trọng mà còn đóng vai trò cốt lõi trong tiến trình hoàn thiện tuyến vành đai 3 TP. HCM. Theo kế hoạch, nút giao này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025, tạo bước đệm quan trọng để thúc đẩy tiến độ chung của dự án.
Ngay sau khi nút giao Tân Vạn đi vào hoạt động, 21 km đầu tiên của vành đai 3 sẽ được thông xe kỹ thuật (trong đó có gần 15 km cạn thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức, TP. HCM và khoảng 6,5 km chạy qua tỉnh Long An). Mốc tiến độ này không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực trọng điểm mà còn hỗ trợ giảm tải áp lực cho các tuyến đường hiện hữu như cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn và tuyến Xa lộ Hà Nội.
Nút giao Tân Vạn dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2025, sau đó tuyến vành đai 3 TP. HCM sẽ được thông xe 21km đầu tiên (Nguồn: VietNamNet)
Phần còn lại của dự án vành đai 3 TP. HCM (khoảng 55 km) sẽ tiếp tục được triển khai và dự kiến hoàn thành vào tháng 4 năm 2026. Khi toàn tuyến đi vào hoạt động, vành đai 3 TP. HCM sẽ trở thành trục giao thông liên kết vùng hoàn chỉnh, khép kín, kết nối giữa TP. HCM và các tỉnh lân cận, đặc biệt tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho “tam giác kinh tế” TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai.
Ngay khi đoạn đầu tuyến vành đai 3 TP. HCM đi vào hoạt động, tuyến đường này sẽ đóng vai trò như trục kết nối chiến lược, tạo ra liên kết chặt chẽ giữa các đầu mối giao thông quan trọng. Từ đó, một hệ sinh thái hạ tầng hoàn thiện tại khu Đông thành phố sẽ được hình thành.
Ví dụ, đầu mối Tân Vạn kết nối với bến xe Miền Đông mới giúp tối ưu hóa luồng di chuyển hành khách liên tỉnh. Trong khi đó, điểm kết nối với khu công nghệ cao Thủ Đức, TP. HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và thu hút đầu tư công nghệ.
Sự hình thành của vành đai 3 TP. HCM góp phần tạo ra hệ sinh thái hạ tầng hoàn thiện cho khu Đông thành phố (Nguồn: Dân Trí)
Mặt khác, nút giao thông này cũng kết nối với dự án Aeon Mall Biên Hòa, giúp thúc đẩy thương mại - dịch vụ trong khu vực. Cuối cùng, tuyến kết nối với Làng Đại học Thủ Đức sẽ tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và sinh hoạt cho hàng nghìn sinh viên, giảng viên. Tất cả đều hướng đến việc hình thành một hệ sinh thái kinh tế - xã hội sôi động, tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản và thu hút các nguồn lực đầu tư bền vững.
Ngay từ thời điểm dự án vành đai 3 TP. HCM được khởi công xây dựng, thị trường bất động sản tại các khu vực lân cận đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Chẳng hạn, khu vực liền kề nút giao trọng điểm Tân Vạn đang chứng kiến sức cầu gia tăng rõ rệt. Càng những dự án nằm tại với vị trí chiến lược, kết nối linh hoạt đến trung tâm TP. HCM và các tỉnh lân cận, càng được giới đầu tư để mắt đến.
Các dự án bất động sản xung quanh dự án đường vành đai 3 TP. HCM ngày càng được giới đầu tư quan tâm (Nguồn: VnExpress)
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đồng bộ còn mở ra cơ hội kinh doanh, khai thác thương mại vượt trội, đặc biệt trong các lĩnh vực logistics, dịch vụ và bán lẻ. Có thể nói, thị trường bất động sản khu Đông TP. HCM đang bước vào giai đoạn bứt phá mạnh mẽ, hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Việc hoàn thành các hạng mục quan trọng như nút giao Tân Vạn sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của Chính phủ trong việc hoàn thiện 3000km cao tốc trên cản nước vào cuối năm 2025. Tính đến thời điểm giữa tháng 3 năm 2025, tiến độ dự án vành đai 3 TP. HCM vẫn đang được đảm bảo, thậm chí có thể sẽ được thông xe kỹ thuật sớm hơn khoảng 4 tháng so với dự kiến.
Cũng trong thời điểm này, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã có buổi kiểm tra thực tế công trường. Tại đây, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tham gia huy động tối đa nguồn lực và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, giúp dự án sớm đi vào hoạt động.
Vành đai 3 TP. HCM không chỉ là dự án hạ tầng trọng điểm mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Đông thành phố. Với sự cam kết quyết liệt từ Chính phủ, việc hoàn thiện dự án này hứa hẹn tạo ra cú hích mạnh mẽ, đưa khu vực cửa ngõ phía Đông TP. HCM cùng các tỉnh lân cận bước vào giai đoạn tăng trưởng đột phá.
Xem thêm
Hạ tầng giao thông TP. HCM 2025: Đòn bẩy cho bất động sản khu Đông và vùng ven
Tương lai nào cho nhà đầu tư miền Bắc tại TP. HCM? Dự báo xu hướng thị trường BĐS 2025 – 2027