Định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu cổ tức

      Định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu cổ tức

      Onehousing image
      7 phút đọc
      14/06/2024
      Bài viết cung cấp thông tin về việc đầu tư chứng khoán và định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu cổ tức. 

      Để đầu tư chứng khoán, định giá cổ phiếu là một phần không thể thiếu. Trong đó, phương pháp chiết khấu cổ tức là điều bạn cần biết. Tìm hiểu chi tiết trong bài viết.

      Cổ tức là gì? 

      Hiện có rất nhiều công ty chi trả cổ tức cho nhà đầu tư (Nguồn: cuthongthai)

      Theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là phần lợi nhuận ròng phân chia cho mỗi cổ phần, được công ty thanh toán bằng tiền mặt hoặc tài sản khác từ nguồn lợi nhuận giữ lại từ phía công ty, sau khi các nghĩa vụ tài chính được hoàn thành.

      Hoặc bạn có thể nói là mỗi năm công ty sẽ hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra một số lợi nhuận sau thuế nhất định. Công ty sẽ tái đầu tư một phần lợi nhuận vào kinh doanh và trích lập các quỹ dự phòng, được gọi là lợi nhuận được giữ lại. Phần dư còn lại sẽ được trả cho các cô đông của công ty, gọi là cổ tức. Số tiền được dùng để chi trả cổ tức sẽ được thông qua tại Đại hội cổ đông. 

       

      Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức trong định giá cổ phiếu 

      Đọc tiếp

      Mô hình chiết khấu cổ tức giúp định giá cổ phiếu dễ dàng hơn (Nguồn: cuthongthai) 

      Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức là một mô hình được sử dụng trong định giá cổ phiếu, bao gồm ba bước chính. 

      Bước đầu tiên là xác định tỷ lệ chiết khấu. Theo lý thuyết, có ba phương pháp để ước lượng tỷ lệ chiết khấu: sử dụng mô hình định giá tài sản vốn, sử dụng mô hình tăng trưởng cổ tức, và kết hợp tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro với phần bù rủi ro của dự án.Trong ba cách này, hai cách đầu cho phép xác định tỷ lệ chiết khấu một cách chính xác hơn, nhưng không thể áp dụng được ở các nước có thị trường tài chính chưa phát triển. Do đó, các nhà đầu tư thường sử dụng lãi suất ngân hàng làm tỷ suất chiết khấu, dù cách này bỏ qua mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro. 

      Để khắc phục nhược điểm này, cách thứ ba là tối ưu nhất, sử dụng tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro cộng thêm phần bù rủi ro cụ thể cho từng loại tài sản và dự án. Thông thường, tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro được xác định dựa trên lãi suất trái phiếu chính phủ, vì khả năng mất khả năng thanh toán của chính phủ là rất thấp.

      Bước thứ hai là tính tốc độ tăng trưởng của cổ tức. Và bước cuối cùng là tính toán giá trị hiện tại của dòng cổ tức, xác định theo từng mô hình chiết khấu cổ tức cụ thể, bao gồm mô hình chiết khấu cổ tức một giai đoạn, hai giai đoạn, và ba giai đoạn.

      Các mô hình chiết khấu cổ tức 

      Có nhiều mô hình chiết khấu cổ tức khác nhau (Nguồn: cuthongthai) 

      Mô hình chiết khấu cổ tức 1 giai đoạn 

      Các mô hình chiết khấu cổ tức là công cụ quan trọng trong việc định giá cổ phiếu, trong đó mô hình chiết khấu cổ tức một giai đoạn, hay còn gọi là mô hình tăng trưởng Gordon (GGM), là một trong những mô hình phổ biến nhất. Được đặt theo tên nhà kinh tế học người Mỹ Myron J. Gordon, mô hình này giúp nhà đầu tư đánh giá giá trị nội tại của cổ phiếu dựa trên tỷ lệ tăng trưởng không đổi của cổ tức tiềm năng. GGM giả định rằng dòng cổ tức tương lai sẽ tăng trưởng với tốc độ không đổi vô hạn, do đó, mô hình này rất hữu ích trong việc định giá các doanh nghiệp ổn định có dòng tiền mạnh và tăng trưởng cổ tức đều đặn.

      Myron Gordon đã phát triển một công thức đơn giản để tính giá trị nội tại của cổ phiếu: 

      Giá trị nội tại của cổ phiếu = Cổ tức kỳ vọng năm tới / (Tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng – Tỷ lệ tăng trưởng của cổ tức). 

      Hay công thức: P = D1 / (k – g) = D0 * (1 + g) / (k – g)

      Trong đó: 

      • P là giá trị nội tại của cổ tức 
      • D1 là cổ tức kỳ vọng năm tới. Trong đó: D1 = D0 * (1+g)
      • D0 là cổ tức năm hiện tại
      • k là tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng (tỷ lệ hoàn vốn tối thiểu mà nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận khi lựa chọn mua cổ phiếu của công ty)
      • g là tỷ lệ tăng trưởng của cổ tức không đổi của công ty.

      Công thức này cho phép nhà đầu tư xác định giá trị hợp lý của một cổ phiếu bất kể tình hình thị trường, yếu tố chi trả cổ tức và lợi nhuận dự kiến. Nếu giá trị ước tính từ mô hình cao hơn giá thị trường hiện tại của cổ phiếu, điều này ngụ ý rằng cổ phiếu có thể đang được định giá thấp hơn giá trị thực và có thể là cơ hội mua vào. Ngược lại, nếu giá trị thấp hơn giá giao dịch hiện tại, cổ phiếu có thể đang bị định giá cao và nhà đầu tư nên thận trọng.

      Mô hình chiết khấu cổ tức 2 giai đoạn 

      Mô hình chiết khấu cổ tức 2 giai đoạn là phương pháp được sử dụng để định giá các cổ phiếu có đặc điểm tăng trưởng cổ tức không đồng đều qua các giai đoạn. Mô hình này áp dụng cho các cổ phiếu có cổ tức tăng trưởng cao trong một số năm đầu (giai đoạn 1), sau đó trở về tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững trong dài hạn (giai đoạn 2). Sự chênh lệch về mức tăng trưởng giữa hai giai đoạn này thường rất rõ ràng. Mô hình chiết khấu cổ tức hai giai đoạn phù hợp với các công ty được bảo hộ thương hiệu hoặc công nghệ trong một giai đoạn, và khi sự bảo hộ này kết thúc, công ty sẽ đạt trạng thái bão hòa.

      Công thức tính giá trị nội tại của cổ phiếu trong mô hình này như sau: 

      Giá trị nội tại của cổ phiếu = Giá trị hiện tại của cổ tức trong thời gian tăng trưởng nóng (giai đoạn 1) + Giá trị hiện tại của cổ tức trong thời gian tăng trưởng ổn định (giai đoạn 2). 

      Mô hình này cho phép nhà đầu tư đánh giá chính xác hơn giá trị của các cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng thay đổi theo thời gian, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư hợp lý dựa trên các giai đoạn tăng trưởng khác nhau của doanh nghiệp.

      Mô hình chiết khấu cổ tức ba giai đoạn 

      Mô hình chiết khấu cổ tức ba giai đoạn là một phương pháp phức tạp hơn để định giá cổ phiếu, phù hợp với những doanh nghiệp có chu kỳ tăng trưởng cổ tức khác nhau qua ba giai đoạn: tăng trưởng cao, giảm dần và trở lại tăng trưởng ổn định. Công thức tổng quát để định giá cổ phiếu theo mô hình này là: 

      Giá trị nội tại của cổ phiếu = Giá trị hiện tại của dòng cổ tức trong từng giai đoạn + Giá trị cuối cùng quy về hiện tại.

      Cụ thể hơn, mô hình chiết khấu cổ tức ba giai đoạn được tính như sau: Giá trị nội tại của cổ phiếu = Giá trị hiện tại của cổ tức trong thời gian tăng trưởng nóng (giai đoạn 1) + Giá trị hiện tại của cổ tức trong thời gian giảm dần (giai đoạn 2) + Giá trị hiện tại của cổ tức trong thời gian tăng trưởng ổn định (giai đoạn 3). Mô hình này giúp nhà đầu tư xác định giá trị của các cổ phiếu có sự biến đổi tăng trưởng rõ rệt qua ba giai đoạn khác nhau, từ đó đưa ra quyết định đầu tư chính xác dựa trên phân tích chi tiết về từng giai đoạn tăng trưởng của doanh nghiệp.

      Tính hai mặt của các mô hình chiết khấu cổ tức 

      Các mô hình chiết khấu cổ tức có tính hai mặt rõ ràng với những ưu điểm và nhược điểm riêng.

      • Ưu điểm:

      Mô hình chiết khấu cổ tức đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ sử dụng, và là cơ sở cho các mô hình định giá khác. Giống với các phương pháp khác trong mô hình định giá chiết khấu dòng tiền, mô hình chiết khấu cổ tức được chấp nhận rộng rãi trong việc định giá doanh nghiệp vì thể hiện đúng giá trị của doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận từ cổ tức được chi trả cho nhà đầu tư. 

      Mô hình trên có thể áp dụng để định giá cổ phiếu trong trường hợp tốc độ tăng trưởng cổ tức bằng 0 hoặc bằng không đổi, và ngay cả khi tốc độ tăng trưởng cổ tức thay đổi qua từng thời kỳ. Đặc biệt, mô hình phù hợp để định giá các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng chậm và có chính sách trả cổ tức đều đặn, ổn định qua các năm.

      • Nhược điểm:

      Hạn chế lớn nhất của phương pháp này nằm ở việc các dòng cổ tức phải được dự phóng, điều này không đơn giản do tính không ổn định trong chính sách phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có thể không chi trả cổ tức trong nhiều năm dù vẫn làm ăn có lãi. 

      Bên cạnh đó, việc giả định tỷ lệ tăng trưởng cổ tức không đổi vĩnh viễn là điều không lý tưởng đối với các công ty có tỷ lệ tăng trưởng cổ tức dao động hoặc chi trả cổ tức không thường xuyên. Mô hình cũng không phù hợp với các công ty có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng cổ tức. Hơn nữa, việc dự báo các khoản chi trả cổ tức trong tương lai, mức tăng trưởng của các khoản chi trả cổ tức, và chi phí vốn cổ phần là điều gần như không thể, dẫn đến việc giá cổ phiếu hợp lý trên lý thuyết có thể khác xa so với thực tế.

      Trên đây là những thông tin về định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu cổ tức. Hy vọng rằng dựa vào nhưng thông tin trên, bạn sẽ đưa ra quyết định đầu tư chính xác. 

      Xem thêm 

      Kẻ thù số 1 của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán

      Tác động của tỷ giá đến thị trường chứng khoán

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K