Đất thổ cư Hà Nội tháng 3/2025: Giao dịch tiếp tục giảm, tâm lý nhà đầu tư ra sao?

      Đất thổ cư Hà Nội tháng 3/2025: Giao dịch tiếp tục giảm, tâm lý nhà đầu tư ra sao?

      Onehousing image
      8 phút đọc
      31/03/2025
       Bước sang tháng 03/2025, liệu thị trường bất động sản Hà Nội phân khúc thổ cư có dấu hiệu khởi sắc trong thời gian tới? Tìm hiểu ngay trong bài viết!

      Giao dịch đất thổ cư Hà Nội trong tháng 3/2025 tiếp tục đi xuống, đặt ra nhiều câu hỏi về xu hướng đầu tư trong thời gian tới. Giữa bối cảnh thị trường bất động sản Hà Nội trầm lắng, liệu nhà đầu tư đang thận trọng quan sát hay đã sẵn sàng cho một đợt dịch chuyển dòng vốn? Cùng tìm hiểu nguyên nhân của sự sụt giảm này và tâm lý thị trường hiện tại trong bài viết dưới đây!

      Tổng quan thị trường đất thổ cư tại 13 quận/huyện

      Thị trường bất động sản Hà Nội phân khúc thổ cư tiếp tục đối mặt với giai đoạn trầm lắng khi lượng giao dịch giảm mạnh trong tháng 02/2025. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Group, số lượng giao dịch tháng 02/2025 của thị trường bất động sản Hà Nội phân khúc thổ cư chỉ đạt 0,8K, giảm 56% so với tháng trước và 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

      Thời điểm sau Tết thường ghi nhận sự chững lại của thị trường do tâm lý chờ đợi của cả người mua và nhà đầu tư. Tuy nhiên, mức giảm năm nay sâu hơn đáng kể so với năm trước. Trong 4 tuần sau Tết năm 2025, lượng giao dịch giảm tới 21% so với trước Tết, trong khi cùng kỳ năm 2024 chỉ giảm 3%

       Giao dịch bất động sản phân khúc thổ cư suy giảm trong tháng 02/2025 (Ảnh: Reatimes)

      Tình trạng suy giảm giao dịch diễn ra trên phạm vi rộng, ảnh hưởng mạnh nhất đến các khu vực vốn có sức hút lớn trước đây như Gia Lâm, Hoàng Mai và Hà Đông. Theo thống kê, lượng giao dịch tại các quận/huyện này lần lượt giảm 57%, 61% và 52% so với tháng trước.

      Ngay cả Long Biên - khu vực thường được coi là “điểm sáng” của thị trường thổ cư cũng không tránh khỏi xu hướng chung, dù mức độ giảm nhẹ hơn so với mặt bằng chung. Sự sụt giảm này cho thấy sức mua yếu đi rõ rệt, ngay cả ở những khu vực có tiềm năng phát triển hạ tầng và đô thị hóa tốt.

      Tại quận Đống Đa, lượng giao dịch trong tháng 02/2025 chỉ đạt 90 giao dịch, giảm 70% so với tháng trước và 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm sau Tết 2025 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024.

      Lượng giao dịch không tập trung vào một vài khu vực nhất định mà trải đều tại các phường trong quận. Tuy nhiên, một số phường vẫn giữ được thanh khoản tốt hơn phần còn lại, điển hình như Trung Phụng, Ô Chợ Dừa và Thổ Quan. Đây là những khu vực có hạ tầng phát triển và nhu cầu mua ở thực vẫn ổn định.

      Trái ngược với nhóm trên, phường Trung Liệt vốn từng là điểm sáng của thị trường lại chứng kiến mức giảm giao dịch đáng kể trong hai tháng đầu năm 2025. Nguyên nhân chính đến từ việc giá bất động sản tại khu vực này đã tăng cao, khiến cả người mua ở thực lẫn nhà đầu tư ngần ngại xuống tiền. 

      Giao dịch bất động sản thổ cư của quận Đống Đa sụt giảm so với các tháng trước (Ảnh: CafeF)

      Tại quận Long Biên, lượng giao dịch trong tháng 02/2025 ghi nhận 149 giao dịch, giảm 58% so với tháng trước. Dù mức suy giảm không quá đột ngột như một số quận khác nhưng đây đã là tháng thứ tư liên tiếp thị trường khu vực này đi xuống, kể từ tháng 10/2024.

      Hầu hết các phường trong quận đều chịu ảnh hưởng, đặc biệt là những khu vực có lượng giao dịch cao như Ngọc Thụy, Thạch Bàn và Long Biên. Ngược lại, phường Thượng Thanh vẫn giữ được thanh khoản tốt hơn, nhờ mức giá hợp lý và nhu cầu mua ở thực ổn định.

      Sự sụt giảm giao dịch tại Long Biên phần lớn xuất phát từ việc giá đất tăng cao, khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương, nơi có mặt bằng giá mềm hơn và quỹ đất dồi dào. Xu hướng dịch chuyển này dự kiến sẽ tiếp tục nếu giá bất động sản tại Hà Nội không có sự điều chỉnh phù hợp.

      Quận Hoàng Mai tiếp tục chứng kiến đà suy giảm giao dịch trong tháng 3/2025, với mức giảm 30 giao dịch, tương đương 26% so với tháng trước và 40% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng giảm bao trùm hầu hết các phường trên địa bàn.

      Từ đầu năm 2025, nhu cầu giao dịch vẫn tập trung tại các khu vực có thanh khoản tốt như Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng và Đại Kim. Tuy nhiên, những phường từng có giao dịch sôi động trong năm 2024 như Hoàng Văn Thụ và Thanh Trì lại ghi nhận mức giảm mạnh trong tháng 02/2025.

      Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường Hoàng Mai trầm lắng là tâm lý chờ đợi của khách hàng trước các thông tin về sáp nhập hành chính và điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, các dự án mở rộng đường và phát triển nhà ở xã hội cũng góp phần khiến nhiều người mua chần chừ, trì hoãn quyết định giao dịch trong ngắn hạn.

      Dù giao dịch sụt giảm, nhưng đất thổ cư Hà Nội vẫn có sức hút nhờ tính ổn định và tiềm năng sinh lời trong dài hạn (Ảnh: Báo Lao Động)

      Xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang các tỉnh vùng ven

      Sau giai đoạn chốt lời trong năm 2024, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng rời khỏi thị trường bất động sản Hà Nội để tìm kiếm cơ hội mới tại các tỉnh vùng ven. Những khu vực như Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ mặt bằng giá còn dư địa tăng trưởng và mức đầu tư hợp lý hơn.

      Dù giao dịch giảm mạnh, mặt bằng giá bất động sản thổ cư tại Hà Nội vẫn ở mức cao, dao động từ 4 tỷ - 5 tỷ đồng, vượt khả năng chi trả của nhiều người mua để ở. Trong bối cảnh lãi suất vay mua nhà vẫn neo cao và thu nhập chưa theo kịp, người mua buộc phải hoãn kế hoạch mua nhà hoặc tìm kiếm cơ hội ở các khu vực xa hơn. 

      Xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang các tỉnh vùng ven phản ánh sự thay đổi trong khẩu vị đầu tư (Ảnh: Báo Lao Động)

      Một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy làn sóng dịch chuyển dòng vốn ra vùng ven chính là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông. Hàng loạt dự án trọng điểm như đường vành đai 4, cao tốc Hà Nội – Bắc Giang mở rộng, cao tốc Nội Bài – Lào Cai kết nối tốt hơn với các tỉnh lân cận. Điều này giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc an cư và kinh doanh.

      Ngoài giao thông, các khu vực này còn nhận được sự quan tâm lớn từ chính quyền địa phương trong việc phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới. Chẳng hạn như tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh có lợi thế là trung tâm công nghiệp phía Bắc đang thu hút hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài. Điều này không chỉ tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở mà còn góp phần đẩy giá trị bất động sản tăng trưởng ổn định theo thời gian.

      Dự báo tháng 3: Tín hiệu hồi phục từ đâu?

      Dự báo, lượng giao dịch bất động sản Hà Nội trong tháng 3/2025 có thể đạt 1.500 - 2.000 giao dịch, cải thiện rõ rệt so với hai tháng đầu năm. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự phục hồi đang diễn ra từ tốn và cần thêm động lực để bứt phá.

      Theo chuyên gia Trần Quang Trung - Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing, tâm lý nhà đầu tư đã có sự chuyển dịch đáng kể. Những lo ngại về lạm phát, bất ổn kinh tế phần nào được giải tỏa khi các chỉ số vĩ mô dần ổn định. Nhà đầu tư không còn quá dè dặt mà bắt đầu chấp nhận rủi ro có tính toán, tìm kiếm cơ hội sinh lời trong trung và dài hạn.

      Điều này càng được củng cố khi giá vàng lập đỉnh lịch sử và thị trường chứng khoán hút mạnh dòng tiền. Trong bối cảnh đó, bất động sản tiếp tục được xem là kênh trú ẩn an toàn, mang lại tiềm năng sinh lời bền vững, nhất là ở những phân khúc có tính thanh khoản tốt và đáp ứng nhu cầu thực. 

      Sau thời gian trầm lắng kéo dài, thị trường bất động sản tháng 3/2025 bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực (Ảnh: TheLEADER)

      Bên cạnh đó, một trong những chất xúc tác mạnh mẽ cho bất động sản Hà Nội thời gian qua chính là thông tin về chủ trương sáp nhập một số tỉnh và tái phân bổ trung tâm hành chính.

      Dù chưa có thông báo chính thức, nhưng chỉ riêng những đồn đoán này cũng đủ làm bùng nổ làn sóng đầu tư vào các khu vực như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương,… Nhà đầu tư tranh thủ gom đất, đón đầu khả năng tăng giá, khiến thị trường ở một số khu vực trở nên sôi động hơn hẳn.

      Ngoài ra, Chính phủ đang nỗ lực giảm gánh nặng chi phí sống thông qua các chính sách miễn học phí, hỗ trợ viện phí,… Điều này giúp người dân có cơ hội tích lũy tài chính tốt hơn, tạo nền tảng vững chắc để sở hữu nhà ở trong tương lai.

      Song song đó, mặt bằng lãi suất có xu hướng hạ nhiệt, cùng với chính sách tín dụng linh hoạt hơn của các ngân hàng đang giúp nhiều người có nhu cầu thực dễ dàng tiếp cận các khoản vay mua nhà.

       Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp gia tăng sức mua (Ảnh: VietnamBiz)

      Song song đó, mặt bằng lãi suất có xu hướng hạ nhiệt, cùng với chính sách tín dụng linh hoạt hơn của các ngân hàng đang giúp nhiều người có nhu cầu thực dễ dàng tiếp cận các khoản vay mua nhà.

      Thị trường bất động sản Hà Nội đang trải qua giai đoạn trầm lắng, nhưng đây cũng là thời điểm để sàng lọc những cơ hội đầu tư thực sự tiềm năng. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc giữ tài sản, tìm kiếm cơ hội mới hay chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường. Sự thận trọng và chiến lược đúng đắn sẽ là chìa khóa để đón đầu xu hướng trong thời gian tới..

      Xem thêm 

      Mua bán nhà đất thổ cư Hà Nội và những điều cần biết

      Cập nhật bảng giá đền bù đất thổ cư Hà Nội mới nhất

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K