Thành phố Hưng Yên đang vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Cùng cập nhật những thông tin mới nhất về bản đồ quy hoạch thành phố Hưng Yên để có thêm đánh giá trước khi đầu tư vào khu vực này.
Tổng quan về thành phố Hưng Yên
Thành phố Hưng Yên là một thành phố trẻ, năng động và đang phát triển mạnh mẽ. Dưới đây là những thông tin khái quát về thành phố Hưng Yên:
Vị trí địa lý
Thành phố Hưng Yên - trái tim của tỉnh Hưng Yên, tọa lạc tại vị trí đắc địa bên bờ trái (bờ Bắc) sông Hồng. Nơi đây chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 54km.
Thành phố Hưng Yên đang thay da đổi thịt từng ngày (Nguồn: Hiệp Hội Doanh Nghiệp Tỉnh Hưng Yên)
Với vị trí địa lý chiến lược, thành phố Hưng Yên đang ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của khu vực, là điểm đến hấp dẫn cho du khách và nhà đầu tư.
- Phía Đông: Giáp ranh 2 huyện Tiên Lữ và Hưng Hà (tỉnh Thái Bình)
- Phía Tây: Giáp ranh thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam)
- Phía Nam: Giáp ranh huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam)
- Phía Bắc: Giáp ranh huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên)
Mật độ dân cư
Trên diện tích 73,89 km2, thành phố Hưng Yên hiện là nơi sinh sống của 118.646 người (năm 2020). Mật độ dân số đạt 1.606 người/km2 (Nguồn: Wikipedia).
Giao thông
Thành phố Hưng Yên kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận thông qua mạng lưới giao thông đa dạng, bao gồm:
- Quốc lộ 38A: Nối liền Bắc Ninh - Hải Dương qua huyện Cẩm Giàng, Hưng Yên và Hà Nam (huyện Kim Bảng), tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương.
- Quốc lộ 38B: Mở ra tuyến đường trực tiếp từ Hải Dương đến Hưng Yên và Ninh Bình.
- Quốc lộ 39A: Giúp kết nối Hưng Yên với Phố Nối (Quốc lộ 5A).
- Quốc lộ 39B: Nối liền Hưng Yên với Thái Bình (huyện Thái Thụy).
- Đường nối đường 5B và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Bắt đầu từ nút giao thông Lực Điền, con đường chạy song song với QL39 qua TP. Hưng Yên, vượt sông Hồng sang Lý Nhân (Hà Nam) và giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại nút giao Liêm Tuyền.
- Đường thủy: Sông Hồng và sông Luộc là tuyến đường thủy huyết mạch. Trong đó, sông Hồng là ranh giới với các tỉnh, thành phía Tây. Sông Luộc là ranh giới của thành phố với tỉnh Thái Bình. Nơi đây còn sở hữu nhiều sông nhỏ khác như sông Sặt, sông Chanh, sông Cửu An, sông Tam Đô, sông Điện Biên…
- 195: Rút ngắn thời gian di chuyển giữa thành phố Hưng Yên và Bát Tràng (huyện Gia Lâm).
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có cầu Yên Lệnh. Cây cầu bắc ngang sông Hồng, nối liền hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. Cầu đóng vai trò là một phần quan trọng trong vành đai 5 của thủ đô Hà Nội, đồng thời là tuyến đường phân luồng giao thông cho xe quá cảnh từ Quốc lộ 1 đi Hải Phòng, các tỉnh Đông Bắc, và ngược lại.
Cầu Yên Lệnh kết nối Hưng Yên và Hà Nam (Nguồn: Wikimedia Commons)
Cơ sở hạ tầng
Tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Hưng Yên trong thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả khá tích cực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,5%, vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện trên 2.760 tỷ đồng, đạt 152,1% kế hoạch tỉnh giao và 151,87% kế hoạch thành phố giao.
Về giáo dục, thành phố Hưng Yên tự hào sở hữu đầy đủ trường học các cấp, đáp ứng nhu cầu học tập và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và cả nước. Tiêu biểu là Trường Đại học Chu Văn An, CĐ Sư phạm Hưng Yên…
Ngoài ra, thành phố còn có các bệnh viện hàng đầu như Đa khoa Hưng Yên, Sản nhi Hưng Yên, Lao Hưng Yên… để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thị trường bất động sản thành phố Hưng Yên
Lợi thế về vị trí đã giúp thành phố Hưng Yên dễ dàng kết nối với Hà Nội và các khu vực lân cận. Từ đó, thu hút nguồn lực đầu tư và thúc đẩy thị trường bất động sản địa phương phát triển.
Mặt khác, khi mật độ dân cư tại Hà Nội ngày càng gia tăng, nhu cầu di dời về các khu vực lân cận có môi trường sống tốt và giá cả hợp lý trở nên cấp thiết.
Trong khi đó, thành phố Hưng Yên lại có môi trường xanh mát, không khí trong lành và hệ thống tiện ích đa dạng. Đó là lý do giúp nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai mong muốn thoát khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của đô thị.
Các căn nhà mặt đường nằm tại phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên (Nguồn: Báo Môi trường và Đô thị)
Thành phố Hưng Yên cũng được hưởng lợi khi tỉnh triển khai các công trình giao thông trọng điểm. Tiêu biểu như đường Vành đai 4, đường kết nối đường tỉnh 38 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường gom dọc hai bên Quốc lộ 5, nâng cấp và mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài…
Với những lợi thế sẵn có, thị trường bất động sản thành phố Hưng Yên được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, thu hút nhà đầu tư và khách hàng mua nhà.
Cập nhật bản đồ quy hoạch thành phố Hưng Yên tính đến năm 2035
Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, chính quyền địa phương đã triển khai điều chỉnh bản đồ quy hoạch thành phố Hưng Yên đến năm 2035.
Phạm vi và ranh giới lập điều chỉnh bản đồ quy hoạch thành phố Hưng Yên
Phạm vi là toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Hưng Yên hiện hữu, trên diện tích 7.386,10ha.
- Phía Bắc: Giáp ranh huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
- Phía Nam: Giáp ranh huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
- Phía Đông: Giáp ranh huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
- Phía Tây: Giáp ranh huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Bản đồ quy hoạch thành phố Hưng Yên tính đến năm 2035 (Nguồn: VIUP)
Tính chất quy hoạch thành phố Hưng Yên
- Trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật - công nghệ của tỉnh.
- Đầu mối giao thông quan trọng, kết nối tỉnh với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
- Là đô thị lịch sử - văn hóa, nhiều điều kiện để phát triển trung tâm về lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch.
- Là trung tâm giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ của Đồng bằng Bắc bộ.
- Là 1 trong 3 đô thị của tam giác kinh tế - đô thị phía Nam Thành phố Hà Nội, khu vực kết nối Vùng Thủ đô Hà Nội với Đồng bằng duyên hải.
Quy hoạch tổng thể không gian thành phố Hưng Yên
Định hướng quy hoạch không gian đô thị
Lấy trung tâm của thành phố Hưng Yên hiện hữu và khu đô thị đại học Phố Hiến làm hai cực tăng trưởng chính, đồng thời phát triển hệ thống các trung tâm vệ tinh xung quanh.
Các trục giao thông chính Bắc – Nam (nối liền hai đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ – Ninh Bình) và trục Đông – Tây (Quốc lộ 38 quy hoạch mới) sẽ đóng vai trò là những động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Cụ thể, thành phố được chia thành 5 khu vực. Mỗi khu vực có những đặc trưng riêng về diện tích, dân số, và chức năng kinh tế - xã hội.
STT
|
Chức năng
|
Thông tin quy hoạch
|
1
|
Trung tâm lịch sử hiện hữu
|
- Quy mô dân số dự kiến đạt 69.000 người vào năm 2035 và diện tích khoảng 1.464,89 ha.
- Khu vực này bao gồm các phường Lam Sơn, An Tảo, Hiến Nam, Lê Lợi, Quang Trung, Minh Khai, Hồng Châu và các xã Bảo Khê, Quảng Châu.
- Đầu tư để trở thành trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh.
- Tập trung hệ thống các trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội, tạo nên một không gian đô thị đa chức năng, hiện đại.
- Các công trình kiến trúc trong trung tâm đang được không ngừng hiện đại hóa, song song với việc cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư để nâng cao chất lượng sống.
- Chú trọng tạo thêm những không gian công cộng như quảng trường, công viên, vườn hoa, đặc biệt là những không gian mở hướng ra sông Điện Biên, sông Hồng để tăng cường tính kết nối và tạo điểm nhấn cảnh quan.
- Bảo tồn và tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa cũng được đặc biệt quan tâm nhằm gìn giữ bản sắc riêng của thành phố.
|
2
|
Khu Đại học Phố Hiến
|
- Theo quy hoạch đến năm 2035, khu vực này sẽ có quy mô dân số khoảng 150.000 người, diện tích 1.040 ha, bao gồm các phường An Tảo, Hiến Nam và các xã Liên Phương, Trung Nghĩa, Phương Chiểu.
- Điểm nhấn của khu vực là tổ hợp giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cùng với các cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cao cấp.
- Tạo động lực phát triển du lịch, dịch vụ cho thành phố Hưng Yên.
- Điều chỉnh khu vực phía Tây đường HY3 để dành cho phát triển khu đô thị.
- Điều chỉnh một số khu chức năng khác để tạo điều kiện thu hút đầu tư và xây dựng hạ tầng.
- Bổ sung các chức năng đào tạo nghề, dịch vụ dân sinh để thu hút dân cư, sinh viên và nhà đầu tư.
|
3
|
Khu phát triển mới phía Bắc
|
- Đến năm 2035, khu vực quy hoạch sẽ có dân số khoảng 71.000 người, diện tích 1.001,89 ha, bao gồm phường An Tảo và các xã Trung Nghĩa, Bảo Khê, Phú Cường, Hùng Cường.
- Phát triển các chức năng đô thị mới như thương mại dịch vụ, cụm công nghiệp, khu nhà ở, công viên theo mô hình xanh, sinh thái.
- Khu vực Phú Cường và Hùng Cường sẽ phát triển theo mô hình đô thị vườn, kết hợp nông nghiệp chất lượng cao và du lịch.
- Công nghiệp: CCN Bảo Khê và Cao Thôn sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp sạch, thân thiện môi trường.
- Tiếp nhận các nhà máy cần di dời khỏi khu trung tâm lịch sử hiện hữu.
|
4
|
Khu cải tạo nâng cấp phía Nam
|
- Đến năm 2035, khu vực quy hoạch sẽ có dân số khoảng 50.000 người, diện tích 1.306,17 ha, bao gồm các xã Phương Chiểu, Hồng Nam, Quảng Châu, Tân Hưng, Hoàng Hanh.
- Nâng cấp, cải tạo khu ở hiện hữu, đồng thời bảo tồn không gian vườn quả, cây trái đặc trưng của vùng nhãn Hưng Yên.
|
5
|
Khu vực xanh ven sông và du lịch
|
- Đến năm 2035, khu vực quy hoạch sẽ có dân số khoảng 10.000 người, diện tích 2.573,15 ha, bao gồm các phường Lam Sơn, Hiến Nam, Minh Khai, Hồng Châu và các xã Phú Cường, Hùng Cường, Quảng Châu, Hoàng Hanh, Tân Hưng.
- Phát triển khu vực thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái, kết hợp với nông nghiệp và nhà ở kiểu mẫu (nhà vườn, nhà ở trang trại, làng nghỉ dưỡng).
- Kết nối với Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, phát triển du lịch đường thủy trên sông Hồng.
- Bảo vệ các khu vực cảnh quan đặc thù, kiểm soát chặt chẽ quy mô và hình thức xây dựng.
|
Định hướng quy hoạch không gian nông thôn
Quy hoạch hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, bảo tồn hệ sinh thái nông lâm nghiệp hiện hữu và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các trung tâm xã sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn nông thôn mới, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với khu vực dân cư ngoài đê, việc xây dựng và phát triển sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quản lý và sử dụng bãi sông theo Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 về quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Quy hoạch giao thông thành phố Hưng Yên
- Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường bộ hiện hữu như Quốc lộ 38, 38B và 39.
- Xây dựng tuyến đường mới song song với Quốc lộ 38B để tăng cường kết nối giữa các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình.
- Dự án chuyển đổi các bến xe hiện tại thành bến xe buýt sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành bến xe đối ngoại mới tại xã Trung Nghĩa. Bến xe mới này, có quy mô loại 1 và diện tích khoảng 5ha, được gắn với ga đường sắt nội vùng, tạo thành một trung tâm giao thông đa phương thức hiện đại.
- Đầu tư xây dựng 4 bãi đỗ xe tại các vị trí thuận tiện, với tổng diện tích khoảng 5ha, nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe ngày càng tăng.
- Xây dựng tuyến đường sắt nội vùng Hà Nội - Hưng Yên (tuyến số 06) chạy dọc theo hành lang đường nối hai cao tốc, góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng.
- Tập trung nạo vét, khai thông dòng chảy sông Hồng để phục vụ vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng và phát triển du lịch.
- Cảng Hưng Yên sẽ được nâng cấp để đạt công suất 350 ngàn tấn/năm vào năm 2030. Đồng thời, hai bến tàu khách mới sẽ được xây dựng tại phường Minh Khai và xã Quảng Châu.
Các dự án được ưu tiên đầu tư tại thành phố Hưng Yên
Trung tâm thành phố Hưng Yên hiện hữu (phía Tây của sông Điện Biên)
- Thành phố tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cầu mới qua sông, nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa các khu vực.
- Các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Văn Linh, Triệu Quang Phục, Phạm Bạch Hổ, Lê Văn Lương, Hải Thượng Lãn Ông, Chu Mạnh Trinh sẽ được nâng cấp, chỉnh trang, chú trọng thiết kế đô thị hiện đại, đảm bảo giao thông thông suốt và mỹ quan đô thị
- Các khu dân cư hiện hữu, đặc biệt là các khu dân cư cũ và tự phát, sẽ được đô thị hóa, cải thiện chất lượng sống cho người dân.
- Phát triển các khu đô thị mới tại các phường Lam Sơn và Hồng Châu.
Khu phát triển mới (phía Đông sông Điện Biên)
- Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, kết nối liền mạch với trung tâm thành phố qua hệ thống cầu mới bắc qua sông Điện Biên. Đồng thời, hình thành một phần của Khu đô thị Đại học Phố Hiến
- Cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh, sông (Điện Biên, Hòa Bình, Lê Như Hổ…) và đường giao thông ven sông, tạo mạng lưới liên hoàn, tăng cường khả năng thoát nước, cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị.
Khu vực phía Bắc thành phố Hưng Yên
- Hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Bảo Khê và Cao Thôn.
- Đẩy mạnh phát triển các khu đô thị mới và nâng cấp các khu dân cư hiện hữu.
Khu vực phía Nam thành phố Hưng Yên
- Quy hoạch các khu dân cư mới theo nhu cầu thực tế của từng xã ngoại thành, hài hòa với khu dân cư hiện hữu.
- Ưu tiên đầu tư hạ tầng đồng bộ và phát triển nông nghiệp địa phương.
Bản đồ quy hoạch thành phố Hưng Yên mới nhất là một tài liệu vô cùng quan trọng đối với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Bản đồ quy hoạch này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Xem thêm
Tổng quan bản đồ quy hoạch huyện Văn Giang, Hưng Yên mới nhất
Tổng quan bản đồ quy hoạch Hưng Yên mới nhất