Những nghiên cứu về không gian sống của người cao tuổi đều cho thấy phòng vệ sinh, phòng tắm là nơi có mức độ an toàn thấp nhất trong nhà
Người cao tuổi là đối tượng rất dễ bị té ngã bởi chức năng vận động suy giảm, cơ xương khớp gặp vấn đề gây ra những hạn chế khi di chuyển, hoạt động. Theo đó, bề mặt trơn trượt là nguy cơ hàng đầu gây ra những tai nạn không đáng có đối với người cao tuổi khi sinh hoạt tại nhà.
Thông thường khi thiết kế nhà ở, gia chủ có xu hướng mua thiết bị vệ sinh cho tất cả các phòng như nhau mà chưa tính đến việc ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thiết bị vệ sinh dành riêng cho người cao tuổi, hoặc sử dụng thiết bị thông thường, nhưng lắp đặt ở độ cao, khoảng cách không phù hợp với người già.
Ngoài ra, ánh sáng không đủ, thiết bị công tắc để quá xa, diện tích phòng vệ sinh quá chật hoặc không có hệ thống tay vịn hỗ trợ khi đã quá yếu… cũng là những nguyên nhân gây ra sự mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người cao tuổi.
Người già rất dễ bị té ngã, nhất là ở những khu vực dễ bị trơn trượt như phòng tắm
Giải pháp thiết kế phòng vệ sinh an toàn cho người cao tuổi
Trước tiên, vị trí đặt phòng vệ sinh nên ở ngay bên trong hoặc bên cạnh phòng ngủ. Không gian phòng cũng cần đủ rộng để thuận tiện cho việc đi lại, di chuyển của người già. Đặc biệt phòng cần có sự thông thoáng, không bị ám mùi hôi. Tùy theo thực tế công trình mà bạn có thể lắp cửa sổ, hoặc hệ thống quạt thông gió.
Phòng vệ sinh cần có đầy đủ ánh sáng, các công tắc điện cần bố trí ở vị trí phù hợp để dễ dàng sử dụng. Cửa ra vào phòng vệ sinh của người cao tuổi cần rộng tối thiểu 80cm, dễ mở, nên chọn loại tay nắm gạt thay vì loại khóa cửa nắm đấm tròn.
Phòng vệ sinh cần có đầy đủ ánh sáng và bố trí các vị trí công tắc hợp lý
Phân chia khu vực khô - ướt riêng biệt. Phần khô gồm lavabo, bồn cầu (thường được bố trí gần cửa). Phần ướt (bồn tắm, vòi sen) thường xuyên tiếp xúc với nước được sử dụng để tắm, giặt,... Việc chia tách không gian giúp hạn chế khả năng trơn trượt cũng như giữ ấm và tránh đột quỵ trong ngày đông giá lạnh cho người cao tuổi.
Buồng tắm dành cho người cao tuổi cần rộng ít nhất 80cm và không nên lắp đặt bồn tắm đứng hoặc bồn tắm nằm, hạn chế việc phải bước ra bước vào
Sự phân chia khu khô - ướt riêng biệt sẽ hạn chế khả năng té ngã của người già
Gạch lát nền, ốp tường nên lựa chọn loại có khả năng chống trơn tốt, độ ma sát cao để hạn chế việc té ngã của người già. Tường và sàn trong phòng vệ sinh không nên chọn màu sắc quá lòe loẹt, họa tiết cầu kỳ dễ khiến người già bị rối mắt.
Lựa chọn thiết bị vệ sinh dễ sử dụng với những tính năng tự động hỗ trợ tối đa người già trong quá trình vệ sinh cá nhân.
Chiều cao lý tưởng khi lắp bồn cầu cho người cao tuổi là 46 cm và phải gắn chắc chắn vào sàn hoặc tường
Khoảng cách từ sàn đến chậu rửa nằm trong khoảng từ 80 - 90cm
Ngoài ra, nên lắp tay vịn để làm điểm tựa, hỗ trợ cho người già giữ thăng bằng tốt hơn. Bên cạnh đó, hệ thống báo động cũng cần cân nhắc lắp đặt ở vị trí dễ xảy ra tai nạn và gần vị trí mặt sàn để người già có thể nhấn gọi khi gặp sự cố.
Các thanh vịn cần chọn chất liệu tốt, chịu lực cao, lắp đặt ở độ cao 1.1 – 1.3m tính từ mặt sàn
Thiết kế chuông báo động hoặc nút khẩn cấp để báo hiệu sự cố
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân té ngã, gây chấn thương cũng như những giải pháp khắc phục khi thiết kế phòng vệ sinh cho người cao tuổi.
Happynest