Ánh sáng nhân tạo: Mỗi căn phòng cần lắp bao nhiêu đèn?

      Ánh sáng nhân tạo: Mỗi căn phòng cần lắp bao nhiêu đèn?

      Onehousing image
      7 phút đọc
      26/10/2022
      Một căn hộ được chiếu sáng đầy đủ và hợp lý sẽ mang lại tâm trạng thoải mái. Và ngược lại, một căn hộ quá sáng hay quá tối cũng đều khiến gia chủ chịu những tác động tiêu cực. Nhưng thế nào là hợp lý?

      Thừa hay thiếu cũng đều không tốt

      Những độc giả của thế hệ 7x trở về trước hẳn đều còn nhớ cảnh mất điện kinh niên của cái thời bao cấp khó khăn. Ngày đó, điện thì thiếu và thường xuyên bị cắt còn nhà nào cũng tù mù với ánh đèn dây tóc đỏ quạch, thậm chí một bóng đèn đôi khi phải đặt trên tấm vách giữa hai buồng để chiếu sáng cho cả hai. Nói chung, nếu muốn biết cảnh thiếu ánh sáng về thì cứ hỏi những người từng sống qua thời bao cấp là sẽ rõ.

      Nhưng đến giai đoạn cuộc sống no đủ hiện nay thì lại có một khái niệm mới: ô nhiễm ánh sáng. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ô nhiễm ánh sáng là sự sử dụng không đúng hoặc quá mức ánh sáng nhân tạo. Ánh sáng nhân tạo sử dụng một cách bừa bãi có thể tàn phá làm rối loạn nhịp sinh học và ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý. Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) trong một tài liệu năm 2009 đã xác định rằng, ánh sáng chói là một nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng. Còn Cơ quan Nghiên cứu Ung thư (IARC) của WHO thậm chí đã liệt những rối loạn nhịp sinh học do ô nhiễm ánh sáng vào nhóm những tác nhân gây ung thư.

      Lý thuyết cơ bản

       Đơn vị đo cường độ ánh sáng là LUX. Cường độ tùy thuộc vào mức độ chi tiết của công việc. Với các hoạt động không cần quan sát quá kỹ, như bếp, hành lang, hay trong phòng tắm, đòi hỏi trung bình là 100 LUX. Với hoạt động cần kỹ hơn, như trong văn phòng, hay khi bạn cần chọn quần áo, mức độ là 200-300 LUX. Đọc sách và làm việc sẽ cần 400-500 LUX.

      Bạn có thể tải các app đo cường độ ánh sáng miễn phí trong điện thoại của mình, bằng từ khóa “LUX” trên App Store hoặc Google Play. Sau đây là một bảng tham khảo:

      Từ LUX, các bạn cũng có thể dễ dàng đổi ra watts (công suất tiêu thụ điện của bóng đèn) bằng từ khóa "LUX to watts calculator" trên mạng. Bạn chỉ cần nhập cường độ mong muốn, diện tích phòng, và nguồn đèn - thường là LED - vào các công cụ này, nó sẽ đưa cho bạn số watt cần thiết. Ví dụ để có cường độ 300 LUX trong một phòng 30 mét vuông, sẽ cần 100 watts đèn LED, tức là 5 chiếc bóng 20 watts.

      Với phòng khách

      Phòng khách nên sử dụng ánh sáng mạnh, ấm áp và bố trí những cụm chiếu sáng cục bộ để làm nổi bật các điểm nhấn trong thiết kế nội thất của căn phòng. Màu sắc của đèn cần phù hợp với màu sơn tường. Chẳng hạn nếu sơn tường màu tối thì chúng ta cần bố trí nhiều đèn hơn để tăng cường chiếu sáng và ngược lại.

      Trong khi đó, đèn ánh sáng trắng thì sẽ giúp giữ nguyên màu sơn tường, đèn có ánh sáng vàng hoặc trung tính sẽ làm tường có màu vàng trở nên nhạt hơn, tường có màu xanh lá trở nên xỉn hơn nhưng tường màu hồng sẽ được thêm sắc đỏ và tường màu kem lại có thêm sắc vàng…

      Ngoài ra, cần tránh một số sai lầm như lạm dụng quá nhiều loại đèn, khiến không gian trở nên lộn xộn, rối mắt hoặc không nên bố trí đèn trang trí ở kệ ti vi bởi nơi đây vốn đã là một nguồn chiếu sáng, thêm đèn vào sẽ khiến dư thừa ánh sáng, khiến mắt bạn dễ bị mỏi mệt. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc việc sử dụng đèn chùm, với phòng khách nhỏ, chiếc đèn chùm cồng kềnh sẽ khiến không gian trở nên nặng nề, phản tác dụng thẩm mĩ và lại dư thừa ánh sáng.

      Với phòng ngủ

      Phòng ngủ là nơi cần có ánh sáng nhẹ nhàng, dịu và thậm chí hơi tối một chút cũng được. Tốt nhất là nên chọn đèn có dải màu ấm áp nhưng không quá nóng, như hồng nhạt hoặc vàng chẳng hạn. Nên lựa chọn thiết bị chiếu sáng có độ chói thấp, bố trí chiếu sáng hỗn hợp hoặc chiếu sáng nửa gián tiếp với đèn hốc tường, đèn âm trần.

      Đèn trong phòng ngủ nên có chức năng điều chỉnh ánh sáng, với những cụm công tác cả ở gần cửa ra vào lẫn đầu giường. Sử dụng đèn đổi màu cũng là một ý tưởng tốt. Ánh sáng phòng ngủ cũng cần làm nổi bật chủ thể thiết kế và ngôn ngữ thiết kê của căn phòng. Ví dụ với một căn phòng có không gian lãng mạn, thì một chiếc đèn chùm đẹp ở trung tâm sẽ tăng tính thẩm mỹ lên rất nhiều. Nhưng nếu bạn muốn ngôn ngữ tối giản, thì đèn âm trần và những chiếc đèn trang trí cách điệu, những chiếc đèn thả treo trần sẽ phù hợp.

      Với phòng ăn và bếp

      Hầu hết các chuyên gia thiết kế sẽ đều chung nhận định, sử dụng màu sắc ấm áp cho phòng ăn là phù hợp nhất. Đây là không gian quây quần của cả gia đình sau một ngày dài, là nơi tận hưởng những món ăn ngon. Do đó, sử dụng ánh sáng vàng hoặc da cam sẽ là phù hợp nhất, bởi ngoài cảm giác ấm cúng chúng còn giúp kích thích vị giác, giúp ăn ngon miệng hơn.

      Theo các chuyên gia phong thủy, bóng đèn tròn sẽ tốt cho ý nghĩa sum vầy của phòng ăn, mang lại may mắn cho gia chủ ở không gian này. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến một lỗi thường gặp nhất trong bố trí ánh sáng phòng bếp, đấy là thiếu sáng cho khu vực nấu nướng. Người thiết kế, lựa chọn việc chiếu sáng trong gia đình thường là đàn ông. Họ rất dễ bỏ qua những vấn đề của chị em, những người thường xuyên đứng bếp, mà một trong số đó là không có đủ ánh sáng tác vụ cho những khu vực chế biến thức ăn, bồn rửa….

      Với nhà vệ sinh, phòng tắm

      Phòng tắm và phòng vệ sinh là một khu vực rất hay bị bỏ quên, nói đúng hơn là ít được chăm chút về chiếu sáng dù lại là nơi bạn thường xuyên sử dụng và giúp bạn thư giãn sau một ngày dài mệt mỏi. Do vậy, lời khuyên của Onehousing là bạn hãy đầu tư thêm công sức cho việc thiết kế phương án chiếu sáng khu vực phòng tắm, phòng vệ sinh bởi thứ mà bạn nhận lại sẽ là sức khỏe và sự thoải mái cao hơn rất nhiều.

      Ánh sáng phù hợp nhất cho nhà vệ sinh là ánh sáng trắng và nên lắp các loại đèn ốp trần cung cấp ánh sáng tổng thể cho cả căn phòng, giúp bạn di chuyển dễ dàng. Loại nhiệt độ màu thích hợp cho phòng tắm là trắng ấm (2700K - 3000K), trắng tự nhiên (3500K - 4500K) hoặc ánh sáng trắng ngày (5000K - 6000K). Ngoài ra, đèn phòng tắm phải là loại chịu được ẩm ướt và tỏa nhiệt thấp.

      Tuy nhiên, cũng cần bố trí những ánh sáng tác vụ khác nhau cho từng khu vực trong phòng tắm. Ví dụ như chiếu sáng ở khu vực gương soi (để cạo râu, vệ sinh răng miệng, trang điểm…) và khu vực thay quần áo sẽ khác nhau. Với đèn cho khu vực gương soi, tránh lắp đèn phía trên gương, bởi khi ấy ánh sáng chiếu mạnh vào trán khiến mắt, mũi, cằm của bạn bị khuất bóng, khiến ảnh hưởng đến hiệu quả của việc trang điểm, cạo râu, chăm sóc răng miệng. Thay vào đó, nên bố trí đèn ở hai bên gương, đặt ở vị trí ngang tầm mắt và chọn loại có độ tỏa nhiệt thấp nhất.

      Với phòng học, phòng làm việc

      Không phải căn hộ nào cũng có phòng học và phòng làm việc riêng, nhưng nếu có thì đây cũng là không gian bạn cần chăm chút ánh sáng một cách hết sức khoa học. Ví dụ như thiết kế ánh sáng trong phòng học, phòng làm việc nên có luồng ánh sáng thuận tay viết và cầm sách, tránh tạo nên các bóng hắt gây khó khăn cho việc học, ảnh hưởng đến thị lực.

      Việc chọn lựa đèn chiếu sáng cũng cần hết sức lưu ý đến cường độ sáng phù hợp. Chẳng hạn như theo Thông tư QCVN 22/2016/BYT thì ánh sáng cho phòng đọc, thư viện cần đạt độ rọi hay độ chiếu sáng (đơn vị là Lux) lên tới 500. Trên thực tế thì các nhà thiết kế thường tư vấn bạn chọn cường độ chiếu sáng cho phòng làm việc vào khoảng 400 Lux.

      Để tránh cảm giác bị lóa mắt, nên chọn các loại đèn có anh sáng trắng như đèn led panel, đèn tuýp led, đèn downlight. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến một lỗi hay gặp đó là bố trí quạt ở vị trí chia cắt ánh sáng, dẫn tới ảnh hưởng nặng nề cho việc quan sát mỗi khi quạt vận hành. Cũng không nên thiết kế các bề mặt trong phòng như trần nhà, tường, sàn nhà hay mặt bàn học có sự tương phản về màu sắc, bởi điều này có thể khiến bạn bị rối mắt hoặc hoa mắt khi di chuyển hướng nhìn.

      Chia sẻ ngay!
      Gợi ý bất động sản
      Xem tất cả

      Công ty Cổ phần One Mount Real Estate là thành viên của One Mount Group. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp: 0109178175. Đăng ký lần đầu: ngày 11/05/2020, Cấp bởi: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội. Loại hình website: Sàn giao dịch TMĐT, Website khuyến mại trực tuyến
      Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản, Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, Thẻ khách hàng thường xuyên, sản phẩm, dịch vụ khác.
      Tên người chịu trách nhiệm: Quách Thị Hồng Nhung
      Thông tin điện tử nội bộ và mạng xã hội
      Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Lê Thanh
      Số giấy phép thiết lập mạng xã hội: Số 371/GP-BTTTT
      Ngày cấp: 04/10/2023
      Cơ quan cấp phép: Bộ Thông tin và Truyền thông

      © 2021 Bản quyền thuộc về OneHousing.vn

                                                                                                                    onehousing chứng nhận bộ công thương