Nhịp đập thị trường
Nội dung chi tiết
(Theo Báo Chính Phủ)
Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công hôm 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.
Các chuyên gia nhận định, BĐS là một trong những ngành đầu tiên hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Nguồn vốn này được ví là “tham số" có tác động lớn đến diễn biến thị trường BĐS, bởi trong nguồn vốn đầu tư công, nhóm dự án hạ tầng luôn chiếm tỷ trọng lớn sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ. Từ đó sẽ kéo theo nhu cầu về nhà ở, dịch vụ, văn phòng, tạo tiền đề cho các loại hình BĐS phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023. Ảnh VGP/Nhật Bắc
(Theo Tạp chí Người Đô Thị)
Hà Nội vừa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1 đường Vành đai 4. Theo đó, Hà Nội chi 13.362 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án. Kế hoạch sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023, thực hiện xong toàn bộ Dự án thành phần 1.1 trong năm 2024.
Đường Vành đai 4 được quyết liệt triển khai, khi hoàn thành sẽ góp phần tăng khả năng kết nối vùng giữa Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc. Nhiều dự án BĐS xung quanh đường Vành đai 4 được dự báo sẽ rục rịch tăng giá như nhóm đại đô thị Vinhomes Ocean Park 1,2,3; HUD Mê Linh ở phía Bắc; Vinhomes Wonder Park, Đô Nghĩa, Xuân Mai ở phía Tây; Thanh Hà, Mỹ Hưng ở phía Nam.
Đặc biệt, với đường Vành đai 4 chạy qua, khu phía Đông Hà Nội sẽ sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ và phát triển bậc nhất cả nước với hệ thống tuyến đường huyết mạch và cao tốc quan trọng. Nhiều dự báo đều nhìn nhận, giá BĐS khu Đông sẽ tăng mạnh theo tiến độ của đường Vành đai 4.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần. Ảnh: Tạp chí Người Đô Thị
(Theo Báo CafeF)
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS tổ chức vừa qua, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất Chính phủ triển khai gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) theo phương thức tái cấp vốn cấp cho các ngân hàng thương mại để phát triển cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.
Cùng đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng công bố đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và thống nhất dành một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà - thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.
Theo các chuyên gia, những động thái từ vĩ mô đang cho thấy sự hỗ trợ kịp thời về dòng tiền cho thị trường bất động sản. Nếu hai gói tín dụng mới đồng thời triển khai sẽ giúp phá băng thanh khoản cho thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Cộng hưởng với động thái các ngân hàng liên tiếp giảm lãi suất cho vay BĐS lên tới 3% là những tín hiệu tích cực phục hồi thị trường BĐS.
Hai gói tín dụng của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đưa ra, cùng với động thái giảm lãi suất của các ngân hàng được kỳ vọng giải được bài toán về nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Ảnh: Báo CafeF
(Theo báo Lao Động)
Pháp lý đang là điểm nghẽn của thị trường BĐS hiện tại. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nguồn cung BĐS nhà ở liên tục “lao dốc”. Số lượng các dự án thương mại đã giảm khoảng 10 lần so với năm 2018, thị trường BĐS nhà ở có nguy cơ khủng hoảng thiếu. Nguyên nhân theo giới chuyên gia trước hết xuất phát từ vấn đề ách tắc thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án.
Pháp lý được đánh giá chiếm 70% nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nguồn cung. Từ định giá đất, quy hoạch, pháp luật về đầu tư, đấu thầu đều khiến dự án bị ách tắc. Ngoài ra, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm rủi ro của cơ quan quản lý cũng dẫn đến các thủ tục, hồ sơ bị chậm trễ.
Các chuyên gia nhìn nhận, việc thiếu hụt nguồn cung là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá BĐS nhà ở tăng liên tục trong những năm qua. Và tốc độ tăng giá sẽ chưa dừng lại khi nguồn cung được dự báo tiếp tục còn thiếu hụt.
Nếu không có giải pháp tháo gỡ nút thắt về pháp lý, thị trường sẽ khó có thể vực dậy. Ảnh: Cao Nguyên.
(Theo báo CafeF)
Trong tháng 1, nhu cầu tìm mua căn hộ tăng 64% và biệt thự tăng 96% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại hai thành phố lớn. Như tại Hà Nội, mức độ quan tâm đến chung cư tăng mạnh nhất ở phân khúc căn hộ có giá rao bán trên 50 triệu đồng/m2, với mức tăng đến 97% so với tháng 1/2022, giá rao bán tăng tới 9%. Riêng khu vực TP.HCM, lượng tìm mua căn hộ tăng mạnh nhất ở các dự án có giá bán dao động trên dưới 55 triệu đồng/m2.
Trái ngược với chiều hướng tăng về nhu cầu tìm kiếm, lượng tin đăng bán căn hộ và biệt thự liền kề lại giảm đáng kể vào đầu năm 2023. Ở TP.HCM, lượng tin đăng 2 loại hình này đồng loạt giảm 54%. Tại Hà Nội, lượng tin rao bán chung cư và biệt thự giảm lần lượt là 37% và 50%.
Diễn biến này phản ánh rõ thực trạng khan hiếm nguồn cung sơ cấp triển khai chào bán trên thị trường.
Đăng nhập để tham gia bình luận bài viết