Ngày 12/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát lệnh khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đánh dấu một cột mốc phát triển quan trọng đối với vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là dự án giao thông trọng điểm, được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng – trở thành dự án PPP lớn nhất ngành giao thông vận tải tính đến thời điểm hiện tại. Cùng tìm hiểu chi tiết dự án cao tốc này để thấy rõ cơ hội phát triển về kinh tế - xã hội, công nghiệp và đô thị mà dự án mang lại.
Dưới đây là các thông tin chi tiết về quy mô, thiết kế và tiến độ của dự án.
Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có chiều dài 60,9 km, đi qua hai tỉnh là Nam Định (27,6 km) và Thái Bình (33,3 km). Điểm đầu của tuyến tại Km19+300, thuộc địa phận xã Nghĩa Thái (Nam Định) và điểm cuối tại Km80+200, giao cắt với Quốc lộ 37 và đường ven biển thuộc xã Thụy Trình (Thái Bình).
Tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao, vận tốc tối đa lên tới 120 km/h, với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Bề rộng nền đường đạt 24,75 m. Trong toàn tuyến sẽ xây dựng 23 cầu và 4 cầu vượt ngang, cùng với 7 nút giao liên thông nhằm đảm bảo kết nối mượt mà với hệ thống đường bộ hiện hữu.
Bản đồ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (Nguồn: VOV)
ới tổng mức đầu tư lên đến 19.785 tỷ đồng, đây là dự án PPP lớn nhất từ trước đến nay trong ngành giao thông Việt Nam. Trong đó, vốn nhà nước chi cho giải phóng mặt bằng và hỗ trợ xây dựng khoảng 9.373 tỷ đồng, phần còn lại (10.448 tỷ đồng) do liên danh nhà đầu tư Geleximco - Vinaconex - Phương Thành Trancosin - Naso CO - Hoàng Cầu IIC chịu trách nhiệm thu xếp. Thời gian thi công dự kiến kéo dài 36 tháng, hoàn thành vào năm 2027 và chính thức đưa vào khai thác năm 2028.
Không chỉ là một công trình hạ tầng đơn thuần, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng còn mang theo sứ mệnh chiến lược trong việc liên kết vùng và phát triển kinh tế bền vững.
Tuyến đường có vai trò liên kết trực tiếp 4 địa phương: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng – là những tỉnh, thành phố có tiềm năng lớn về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, nó còn kết nối ba cực tăng trưởng lớn của miền Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tạo thành một tam giác kinh tế chiến lược.
Sự kết nối này giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, giảm chi phí logistics, thúc đẩy giao thương hàng hóa và dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với hoàn thiện tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, các khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ logistics tại vùng duyên hải Bắc Bộ sẽ có điều kiện bứt phá mạnh mẽ. Tuyến đường vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa mở ra không gian phát triển mới, tối ưu hóa quỹ đất hai bên tuyến để hình thành các khu đô thị vệ tinh, khu công nghệ cao và trung tâm logistics hiện đại.
Dự án cao tốc tạo động lực phát triển cho khu vực (Nguồn: An Ninh Thủ Đô)
Trong cùng ngày khởi công tuyến cao tốc, Thủ tướng Chính phủ cũng chứng kiến lễ khởi công dự án khu công nghiệp Hưng Phú tại Thái Bình – một điểm sáng đầu tư chiến lược trong vùng.
KCN Hưng Phú tọa lạc tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải (Thái Bình), có tổng diện tích 209,08 ha, vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Đây là một trong những khu công nghiệp có tốc độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất Việt Nam (55 ngày) minh chứng cho quyết tâm hành động của địa phương.
KCN Hưng Phú được quy hoạch để trở thành khu công nghiệp đa ngành, áp dụng công nghệ hiện đại, với trọng tâm là các ngành: công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, dịch vụ logistics và vật liệu xây dựng cao cấp. Với định hướng chiến lược này, khu công nghiệp hứa hẹn trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu mới của khu vực miền Bắc.
Dự án “lõi” mang tính động lực của KCN Hưng Phú chính là Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J, với tổng vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD, đặt tại lô CN2 với diện tích 800.000 m². Nhà máy sẽ lắp ráp các dòng xe năng lượng mới (NEV) thuộc hai thương hiệu chiến lược Omoda và Jaecoo. Giai đoạn I dự kiến hoàn thành vào năm 2026 và bắt đầu sản xuất.
Sự kết hợp giữa hạ tầng giao thông hiện đại và công nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra lực đẩy lớn trong chuỗi giá trị sản xuất – logistics – phân phối tại khu vực Thái Bình nói riêng và vùng duyên hải Bắc Bộ nói chung.
Dự án nhà máy Omoda & Jaecoo mang lại nhiều cơ hội đầu tư, phát triển cho kinh tế địa phương (Nguồn: Omoda & Jaecoo)
Thành công của dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng không những đến từ nguồn lực tài chính hay công nghệ thi công mà còn là sự đồng thuận, quyết liệt trong chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư tuyến cao tốc là kết quả của quá trình tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về thể chế, cơ chế tài chính, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư và thu xếp vốn. Ông khẳng định: “Muốn phát triển công nghiệp, làm giàu thì trước hết phải có đường giao thông tốt”. Với sự cam kết từ các cấp chính quyền, các bộ ngành và doanh nghiệp, dự án đang được kỳ vọng sẽ là hình mẫu thành công cho mô hình PPP tại Việt Nam trong tương lai gần.
Khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đánh dấu bước tiến lớn trong hạ tầng giao thông, là khởi đầu cho sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, mở rộng không gian công nghiệp đô thị hiện đại. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, những dự án chiến lược như cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng chính là chìa khóa giúp kết nối tương lai, phát triển bền vững, thịnh vượng chung cho toàn khu vực miền Bắc.
Xem thêm
Cập nhật bản đồ quy hoạch cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng mới nhất
Trục thịnh vượng Thủy Nguyên lộ diện: Trung tâm hành chính - chính trị TP. Hải Phòng đang thành hình