Điểm tin: Đầu tư thế nào trước áp lực lạm phát?

      Điểm tin: Đầu tư thế nào trước áp lực lạm phát?

      Onehousing image
      29/11/2021
      Những tin tức mới nhất về bất động sản, tài chính và đầu tư nổi bật trong tuần qua được tổng hợp trong chuyên mục Điểm tin của One Housing, giúp các nhà đầu tư nhanh chóng chắt lọc thông tin và bao quát tình hình thị trường.

      Đầu tư thế nào trước áp lực lạm phát?

      (Theo Vietnamnet)

      Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho biết, trong đầu tư, mọi người rất quan trọng vấn đề lạm phát, vì nó liên quan đến giá trị thực, sức mua thực và khi tư duy về đầu tư, thì lại cho rằng lợi tức trừ đi lạm phát sẽ ra lợi ích thực. 

      Ông Tuấn nêu ví dụ với tiền gửi tiết kiệm, hiện nay lãi suất trung bình khoảng 5-5,5%, nếu lạm phát lớn hơn 4% như mọi người đang đồn đoán, hoặc cao hơn nữa, thì lãi suất tiền gửi sẽ bị âm. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tiền tệ. Còn nếu như lạm phát không phải 4% như kế hoạch năm nay, mà ở một mức cao hơn mà hiện tại nhiều người đang đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, thì để những trái phiếu doanh nghiệp tốt, có tài sản đảm bảo chất lượng, đâu đó lãi suất cũng chỉ khoảng 8- 9% và khi trừ đi như vậy cũng chỉ tương ứng với mức 5% là rất thấp. Do đó, câu hỏi đặt ra là dòng tiền của chúng ta đã chạy đi đâu trong khoảng một tháng trở lại đây, phải chăng xu hướng dòng tiền đang bị chuyển dịch rất nhiều sang thị trường vàng? Tuy nhiên, vị CEO này cho biết: “Nếu chúng ta không có tư duy chu kỳ và chuẩn bị những lớp tài sản đầu tư từ trước và khi có kỳ vọng lạm phát đẩy ra, mà lại đi mua lại tài sản với mức giá chênh lệch với thế giới rất cao thì đó là điều không được khuyến khích.

      Với hai lớp tài sản là bất động sản và cổ phiếu, ông Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital khuyến nghị: “Đến nay mọi người đang có thiên hướng đẩy rất nhiều tiền vào bất động sản, cũng như một số cổ phiếu bất động sản đầu cơ. Theo tôi, tất cả các tài sản đầu tư, chúng ta phải hiểu chu kỳ của nó và chuẩn bị từ trước, đến khi sự việc thực sự xảy ra, thì đó chính là thời điểm có thể hái quả ngọt, chứ không phải dựa vào những thông tin trên thị trường mới đi mua vàng, mua bất động sản, hay đầu tư rất nhiều vào cổ phiếu, thì đó không phải là cách đầu tư thông minh”.

      Nhà đầu tư cần hiểu rõ chu kỳ của tài sản đầu tư để có quyết định đúng đắn. Ảnh: Vietnamnet.

      Thứ trưởng Bộ Xây dựng điểm danh 9 tồn tại của thị trường bất động sản

      Ngày 25/11, tại hội thảo về “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã “điểm danh” 9 tồn tại của thị trường bất động sản.

      1. Hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...còn chồng chéo và nhiều bất cập
      2. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, dư thừa bất động sản cao cấp, thiếu hụt lớn ở phân khúc nhà ở xã hội.
      3. Tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các địa phương còn rất chậm. Hiện vẫn còn khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tương đương hơn 3 triệu m2 sàn với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống. 
      4. Giá bất động sản liên tục tăng. 
      5. Các dự án bất động sản vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa hoàn thiện về hồ sơ, trình tự thủ tục pháp lý. 
      6. Hoạt động về giao dịch bất động sản còn lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt, vẫn còn hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng... gây “sốt ảo” để tạo chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. 
      7. Đội ngũ làm môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật; thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng; không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ hành nghề theo quy định. 
      8. Thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận đã thông qua các dự án bất động sản, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma) để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua. Hay việc lợi dụng các thông tin về quy hoạch, về nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thổi giá, gây sốt ảo bất động sản.
      9. Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng, gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

      Tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết pháp luật và đạo đức kinh doanh là những yếu tố tạo nên một chuyên viên môi giới bất động sản chuẩn mực hiện nay. Ảnh: OneHousing.

      Bất động sản hàng hiệu đắt khách

      (Theo VnExpress)

      Bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19, bất động sản hàng hiệu ghi nhận mức tăng trưởng 230% trên toàn cầu, theo Savills World Research. Hiện nay, nguồn cung của bất động sản hàng hiệu trên toàn cầu là 580 dự án. Con số này được dự báo tăng gấp đôi vào năm 2026 với 900 dự án. Việt Nam và Mexico đang dẫn đầu phân khúc trên cao cấp (upper-upscale), đây cũng là phân khúc ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên thế giới.

      The Grand Hanoi - Dự án bất động sản hàng hiệu được đầu tư bởi Masterise Homes và vận hành bởi The Ritz-Carlton, thương hiệu quản lý khách sạn đẳng cấp 6 sao danh giá trên thế giới. Ảnh: Masterise Homes. 

      Theo Savills, có 3 yếu tố sẽ tác động đến giá trị, mức chênh lệch giá của bất động sản hàng hiệu. Thứ nhất là vị trí của dự án - yếu tố tiên quyết tác động đến giá của phân khúc thị trường này.  Thứ hai là tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ gắn liền với danh tiếng thương hiệu. Theo đó, người sở hữu sẽ được đảm bảo về phương thức quản lý chuyên nghiệp, cao cấp và được vận hành theo một quy trình đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.

      Yếu tố cuối cùng tác động đến giá trị của bất động sản hàng hiệu là tiện ích mà chủ đầu tư cung cấp. Bộ phận tiền sảnh, an ninh, trung tâm` thể dục thể hình, spa và bể bơi được xem là các dịch vụ cơ bản mà các bất động sản hàng hiệu phải đáp ứng; kế đó là các tiện ích như làm đẹp, ẩm thực tại gia, sân golf, hay nhà hàng đẳng cấp Michelin. Ngoài ra, dịch vụ mang tính cá nhân hoá cao là một đặc điểm nổi bật của bất động sản hàng hiệu. 

      Theo Savills, Covid-19 đã thay đổi tâm lý và nhu cầu của người mua, tập trung vào những bất động sản có diện tích lớn, khu vực ngoài trời riêng tư và các tiện ích chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, người mua hiện cũng quan tâm hơn tới tiện ích phục vụ cho xu hướng làm việc tại nhà mà trong đó internet tốc độ cao là tiện ích quan trọng nhất với người mua bất động sản hàng hiệu.

      Chuyên gia khuyến nghị, càng lạm phát càng nên đầu tư bất động sản

      Kinh tế Việt Nam được nhận định đang đứng trước rủi ro lạm phát khi triển khai mạnh các biện pháp phục hồi tăng trưởng bằng nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ. Trước đó, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 sẽ chịu áp lực rất lớn, thậm chí "căng như dây đàn" do nhiều mặt hàng trong nước như giá điện, giá dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế sẽ được điều chỉnh tăng, do đã giảm hoặc không tăng trong năm nay, đồng thời giá nguyên liệu, xăng dầu thế giới tiếp tục tăng.

      Với các nhà đầu tư, sự mất giá của đồng tiền và lạm phát tại Việt Nam trở thành tín hiệu dự báo dòng tiền sẽ đổ mạnh vào thị trường bất động sản, đây là thời điểm thích hợp để mạnh tay xuống tiền, tìm kiếm khả năng sinh lời.

      Khi lạm phát xảy ra, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ neo vào các kênh như vàng, dầu và bất động sản. Ảnh: Real Estate Express. 

      Ông Nguyễn Q. (Tổng giám đốc công ty bất động sản tại Hà Nội) phân tích: " Khi đồng tiền mất giá thì chỉ có bất động sản là kênh giữ tiền tốt nhất và an toàn nhất. Đó là lý do thay vì chọn ngân hàng gửi tiết kiệm, họ đổ tiền vào bất động sản. Mặt khác, họ chọn bất động sản vì đây còn là kênh đầu tư mua – bán dễ dàng nhất dù vốn lớn, nếu như so với chứng khoán, tiền ảo".

      Trong khi đó, lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán trong 10 tháng đầu năm cán mốc 1 triệu người và giá vàng ghi nhận giai đoạn tăng phi mã. Theo ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing, đó là loạt dấu hiệu dự báo lạm phát sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Và khi lạm phát xảy ra thì bất động sản là kênh đầu tư trú ẩn an toàn, tất yếu dòng tiền sẽ đổ mạnh vào nơi đây.

      Tại một tọa đàm trực tuyến mới đây, trước câu hỏi có nên xuống tiền vào bất động sản trong bối cảnh lạm phát đang chuẩn bị gia tăng, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, về kinh tế học khi lạm phát xảy ra, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ neo vào các kênh như vàng, dầu và bất động sản. Nếu mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ tăng lên 1,2-1,5 tỷ đồng.

      Ông Khương khuyến nghị, lạm phát xảy ra, càng đầu tư bất động sản càng lớn, càng tốt. Nếu nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính thì việc xuống tiền ngay từ bây giờ là hợp lý. Vị chuyên gia này cho rằng, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính trong bối cảnh lạm phát xảy ra thì rủi ro rất lớn. Ví như, một căn nhà trị giá 1 tỷ, người mua chỉ bỏ ra 300 triệu đồng và đi vay 700 triệu đồng. Khi lạm phát xảy ra, lãi suất càng cao, khả năng chi trả của người mua sẽ bị hạn chế.

      Ông Khương cũng cho rằng, tỷ suất sinh lời cao và nhanh ở thời điểm hiện tại sẽ khác so với những năm trước. Không phải cứ đầu tư năm nay là năm sau kiếm được 40-50%. Vị chuyên gia này còn tiết lộ thêm, hiện ông cũng đổ toàn bộ tiền vào bất động sản.

      Xem thêm thông tin thị trường BĐS: 

      Chia sẻ ngay!
      Gợi ý bất động sản
      Xem tất cả

      Công ty Cổ phần One Mount Real Estate – Sàn giao dịch Bất Động Sản là thành viên của One Mount Group. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp: 0109178175. Đăng ký lần đầu: ngày 11/05/2020, Cấp bởi: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội. Loại hình website: Sàn giao dịch TMĐT, Website khuyến mại trực tuyến
      Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản, Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, Thẻ khách hàng thường xuyên, sản phẩm, dịch vụ khác.
      Tên người chịu trách nhiệm: Quách Thị Hồng Nhung
      Thông tin điện tử nội bộ và mạng xã hội
      Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Lê Thanh
      Số giấy phép thiết lập mạng xã hội: Số 371/GP-BTTTT
      Ngày cấp: 04/10/2023
      Cơ quan cấp phép: Bộ Thông tin và Truyền thông

      © 2021 Bản quyền thuộc về OneHousing.vn

                                                                                                                    onehousing chứng nhận bộ công thương