Với thị trường hiện nay, cho vay bất động sản đã trở thành một phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động mua bán và sở hữu nhà ở. Mặc dù còn tồn tại nhiều vướng mắc như vấn đề tín dụng, quy định và rủi ro, nhưng sự tăng cường cho vay này vẫn mang lại nhiều lợi ích và tiềm năng phát triển cho ngành bất động sản trong tương lai.
Gia tăng tỷ trọng cho vay bất động sản dù còn nhiều khó khăn (Nguồn: Báo Đầu tư)
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết năm 2023, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản đã tăng 6,75% so với đầu năm, đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng cho vay bất động sản tăng 22%, chiếm khoảng 26% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, Agribank và BIDV là 2 ngân hàng đẩy mạnh vào cho vay bất động sản.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, các ngân hàng thương mại tư nhân như Techcombank, VPBank và HDBank cũng đã tăng mạnh tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng dư nợ của họ.
Nhiều ngân hàng khác cũng đồng loạt tăng mạnh tỷ lệ cho vay bất động sản, như: SHB tăng từ 8,33% lên 15,45%; MBBank tăng từ 4,91% lên 7,49%, MSB tăng nhẹ từ 8,75% lên 8,96%, TPBank tăng từ 6,31% lên 7,12% (Nguồn: CafeF).
Đẩy mạnh giải ngân vào địa ốc, tỷ trọng cho vay bất động sản tại ngân hàng tăng nhanh (Nguồn: Tạp chí Công Thương)
Mặc dù cho vay bất động sản đang có xu hướng tăng song vẫn phải đối mặt với một số vướng mắc. Ông Phạm Toàn Vượng (TGĐ Ngân hàng Agribank) chia sẻ với chuyên trang thông tin điện tử tổng hợp CafeF: “Việc giải quyết các vướng mắc pháp lý liên quan đến đất đai và nhà ở của chính quyền địa phương đối với các dự án mới và đang đầu tư vẫn diễn ra chậm dẫn đến tình trạng nhiều dự án tồn động 1 - 2 năm. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bộ, ngành để thống kê lại và tìm giải pháp để giải quyết sớm. Agribank cũng sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với các hiệp hội, tổ chức tín dụng, công ty tài chính đầu tư và các doanh nghiệp để tìm ra khó khăn và vướng mắc.”.
Để tháo gỡ những nút thắt trong việc cho vay bất động sản, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính đầu tư và bất động sản mong muốn có được điều kiện cấp tín dụng linh hoạt hơn. Chẳng hạn như ngân hàng đơn giản hóa quy trình xét duyệt hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt và cấp tín dụng xuống dưới 1 tháng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian cơ cấu khoản vay, tiếp tục cho phép sử dụng 34% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thay vì giới hạn xuống 30%. Đồng thời, gia hạn thời gian cho vay đối với các ngành có liên quan trực tiếp đến bất động sản.
Trước những đề xuất đưa ra, tại Hội nghị "Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024", Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát và phân loại các dự án bất động sản nhằm tìm ra giải pháp tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp và dự án bất động sản đáp ứng đủ điều kiện. Đặc biệt, tập trung vào các dự án bất động sản có khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Ví dụ như: Các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần chủ động hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để người mua nhà dễ dàng tiếp cận nguồn vay để phục vụ nhu cầu sinh sống hay đầu tư.
Phía Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh việc triển khai Chương trình tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, dự án cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà Nước cũng sẽ cập nhật danh mục các dự án nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đáp ứng đủ điều kiện tham gia Chương trình do UBND các tỉnh, thành phố công bố, thường xuyên rà soát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình nhằm tìm ra giải pháp phù hợp để loại bỏ khó khăn và vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai” (Nguồn: CafeF).
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có các chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy cho vay bất động sản (Nguồn: Báo Chính phủ)
Mặc dù cho vay bất động sản vẫn còn nhiều thách thức, nhưng có thể thấy rằng ngành này vẫn có sự hấp dẫn đối với các ngân hàng. Sự đảm bảo bằng tài sản và giấy tờ pháp lý rõ ràng là điểm mạnh giúp ngân hàng tự tin trong việc cho vay. Ngay cả khi khủng hoảng xảy ra, tài sản đảm bảo vẫn còn, giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro và tạo sự ổn định trong hoạt động của mình.
Xem thêm
Nữ U40 độc thân mua nhà và bí kíp vay 70% mua nhà 2,3 tỷ
Vay ngân hàng Woori Bank 3,5 tỷ mua nhà trả lãi bao nhiêu mỗi tháng?