Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8. Tuy nhiên, đa phần chỉ dấu văn hoá đều hướng về một nguồn gốc chung: câu chuyện Đường Huyền Tông thăm cung trăng.
Theo tích xưa, năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, đưa nhà vua đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng nên đặt ra tết Trung thu. Sau nhiều thế kỷ, giờ đây Tết Trung thu đã trở nên phổ biến trong không chỉ các nước đồng văn như Trung, Nhật, Hàn, Việt mà còn phổ biến ở Singapore, Malaysia và một số quốc gia khác.
Cho dù cùng chia sẻ những giá trị chung, ngày Tết Trung thu ở Việt Nam có những nét rất riêng, toát ra ngay từ những thức quà truyền thống.
Ảnh: VnExpress
Những chiếc đèn lồng: kể chuyện nơi chốn
Dù đèn lồng là một trong những biểu tượng của ngày lễ này, mỗi nước đều có chiếc đèn riêng. Tại Việt Nam, vào Tết Trung thu xưa, trẻ em không thể thiếu 3 món là bánh Trung thu, con giống bằng bột và đèn. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nói: “Cho đến cuối thế kỷ XIX thì thú chơi lồng đèn Trung thu ở miền Bắc Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, đã thành nếp rõ lắm rồi”.
Đèn lồng thủ công được làm từ tre và giấy gió hay bọc vải lụa, thường sẽ thể hiện các con giống hay vẽ các hoạ tiết đặc trưng của Việt Nam. Chiếc đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no, hạnh phúc và tình cảm gia đình ấm áp. Trong khi đó, đèn lồng của người Hoa thường là đèn hình cầu màu đỏ, tượng trưng cho may mắn, vui tươi, xua đi những điều không may mắn.
Từ chiếc đèn Cá chép hoá long bằng giấy bồi trên khung gỗ…
Ảnh: Triển lãm đèn lồng Thừa Thiên Huế
…đến những chiếc đèn lồng giấy xếp mang đặc sắc của miền Trung.
Ảnh: Triển lãm đèn lồng Thừa Thiên Huế
Khác với những chiếc đèn lồng đỏ Trung Hoa..
Ảnh: CafeBiz
…hay đèn trời ở “lễ cầu trăng” của Thái Lan.
Ảnh: Lao Động
Muôn dạng chiếc bánh Trung thu
Chiếc bánh Trung thu cũng là một điểm thú vị để phân biệt giữa các nước: tại Việt Nam, nếu phải chọn điểm riêng, chắc chắn sẽ là chiếc bánh dẻo đầy cầu kỳ: riêng nước hoa bưởi để tạo mùi thơm cho vỏ bánh dẻo đã phải chưng cất từ đầu năm khi mùa hoa nở rộ. Hoặc rượu thuốc cũng vậy, không phải dễ để có được nếu không có công thức bí truyền.
Với các quốc gia khác, đa phần sẽ xoay quanh chiếc bánh nướng: từ Trung Quốc, Thái Lan, Philippines hay Singapore đều sẽ có những chiếc bánh rất giống nhau. Tại Nhật Bản, người ta sẽ ăn bánh gạo dango hình con thỏ; còn tại Hàn Quốc sẽ là món bánh songpyeon, một loại bánh gạo nhân vừng, đậu hoặc hạt dẻ sên ngọt.
Chiếc bánh dẻo là sáng tạo Trung Thu đặc trưng của Việt Nam
Ảnh: Thu Hương
Các quốc gia khác sẽ có những loại bánh đa dạng như bánh nướng ngàn lớp Đài Loan…
Ảnh: Vietgle
…bánh dango tsukimi của Nhật Bản…
Ảnh: Viettravel
…hay những chiếc songpyeon bán nguyệt của Hàn Quốc.
Ảnh: Korean Bapsang
Đến những hoạt động “phá cỗ”, “trông trăng” cũng mỗi nơi mỗi khác
Nói tới Trung Thu, ắt hẳn người Việt nào cũng sẽ nghĩ đến những mâm cỗ trông trăng với bánh kẹo hoa quả được sắp xếp cầu kỳ, đến những giây phút đoàn tụ vui vẻ, những buổi “phá cỗ” sau cuộc rước đèn quanh xóm của bầy em nhỏ. Với người Việt, Trung Thu trước hết là ngày lễ của trẻ em, của đoàn viên, của vui vẻ.
Ở các nước trong khu vực lại có những hoạt động khác: Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Trong khi đó, người dân xứ sở kim chi sẽ trở về quê hương, viếng mộ tổ tiên và dành thời gian cho gia đình.
Với đa phần người Việt, Trung Thu gắn liền với hình ảnh mâm cỗ, với những cuộc rước đèn vui nhộn và hình ảnh trẻ em cười đùa.
Ảnh: Nồi Phở Sài Gòn
Trong khi đó, người Hàn Quốc lại có cách đón Trung Thu khá gần với lễ Thanh minh của người Việt Nam.
Ảnh: Lao Động