Mỗi quyết định sở hữu một căn nhà đều được bắt đầu từ những kế hoạch tài chính. Việc “biết kiếm tiền” đóng một vai trò quan trọng trong đó, tuy nhiên không phải là thành tố mang tính quyết định: cách bạn tiết kiệm, sử dụng và cân bằng nguồn tài chính thường quan trọng hơn rất nhiều. Những tính toán cụ thể cân nhắc đến mọi yếu tố trên giúp bạn biết được mình có thể chi bao nhiêu cho việc ngôi nhà. Trên cơ sở xác định được khả năng tài chính của bản thân đến đâu, bạn sẽ tránh được việc lãng phí thời gian vào việc xem xét các tài sản không phù hợp. Bên cạnh đó, đơn vị môi giới đăng tin nhà đất cũng sẽ dễ dàng đưa ra những lựa chọn phù hợp trong phạm vi ngân sách của bạn.
Sam Dogen - Financial Samurai. Nguồn: phunuvietnam
Để giúp người mua bớt áp lực trong cả việc tích lũy mua nhà cũng như vay tiền ngân hàng mua nhà, triệu phú tự thân Sam Dogen đã chia sẻ trên CNBC về quy tắc 30/30/3. Với vai trò là một chuyên gia trong giới đầu tư tại Mỹ, nhà tư vấn tài chính cá nhân nổi tiếng, quy tắc của Sam Dogen xoay quanh việc cân đối tài chính sao cho hợp lý với khả năng cá nhân trong hiện tại, và giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai. Dưới đây là bộ quy tắc 30/30/3 - đừng quên rằng đây là lời khuyên của một chuyên gia đến từ nước Mỹ, bởi vậy, có thể sẽ có những điểm không thực sự phù hợp với thị trường Việt Nam. Vậy nên hãy tham khảo, và cố gắng áp dụng những gì hợp với bạn nhất!
Quy tắc 1: Dành không quá 30% tổng thu nhập của bạn cho khoản trả nợ lãi + gốc hàng tháng
Khoản thế chấp hàng tháng của bạn không được vượt quá 30% tổng thu nhập. Nhưng khi lãi suất vay thế chấp tiếp tục giảm, nhiều người có thể bị cám dỗ và mua một ngôi nhà vượt quá tỷ lệ này mà không xem xét đến hậu quả. Tuy nhiên, việc này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của bạn trong hiện tại: hãy thử tưởng tượng bạn không những không còn tích luỹ, mà thậm chí tiền dự phòng rủi ro cũng không có đủ.
Năng suất lao động của bạn có thể tăng theo thời gian, nhưng cũng có thể giảm sút. Chính vì vậy, hãy cố gắng giới hạn mức chi trả cho các khoản thế chấp ở tỉ lệ 30%. Đây là mức an toàn, đủ để bạn dự phòng cho mọi tình huống trong thời gian dài.
Quy tắc 2: Tiết kiệm đủ để trả 30% giá trị căn nhà bằng tiền mặt hoặc vốn tự có
Trước khi mua nhà, hãy tiết kiệm ít nhất là 30% giá trị căn nhà bằng tiền mặt hoặc các tài sản có mức độ rủi ro thấp. Trong đó, 20% sẽ dành cho khoản đặt cọc (để bạn được hưởng lãi suất thế chấp thấp nhất và tránh phải trả thêm bảo hiểm thế chấp cá nhân), và 10% sẽ là khoản dự trù tài chính.
Tỷ lệ này nghe có vẻ nhiều, đặc biệt là khi rất nhiều gói hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng cho phép bạn đặt cọc ít hơn. Nhưng trong thời điểm tự mua nhà, bạn càng cần có khoản dự trù tài chính lớn - tiền mặt là tốt nhất, nếu bạn có thể. Việc này sẽ giúp cho bạn có bước khởi đầu an toàn hơn, và một tương lai “nhẹ gánh”.
Quy tắc 3: Giá căn nhà bạn định mua không được cao hơn gấp 3 lần tổng thu nhập hàng năm
Bạn bị lạc lối và chìm nghỉm giữa một biển các căn nhà đầy hấp dẫn? Đây là một cách nhanh chóng để sàng lọc những ngôi nhà phù hợp với khả năng tài chính của bạn. Nó cũng giúp bạn xem xét giảm số tiền thanh toán hàng tháng và ngăn bạn chi tiêu quá tay, ngay cả khi bạn đã có khoản đặt cọc ban đầu lớn.
Tuy nhiên, đối với thị trường Việt Nam, bạn có thể đặt hạn mức này linh hoạt hơn. Hãy tham khảo một “tip” nhỏ: Lựa chọn một mức giá để bạn có thể trả hết trong 50% thời gian tối đa cho phép - nếu căn nhà được trả góp tối đa 10 năm, hãy đảm bảo bạn có thể trả hết trong vòng 5 năm. Việc này sẽ đảm bảo bạn có tự do tài chính chủ động hơn, an toàn hơn.
Đăng nhập để tham gia bình luận bài viết