Đối với bất kỳ ai muốn khám phá thế giới hi-fi dự định lắp ráp cho mình một hệ thống analog, digital hoặc hybrid, điều quan trọng trước tiên là phải biết các thành phần âm thanh chính — chúng là gì, tại sao chúng lại quan trọng và chúng hoạt động cùng nhau như thế nào. Chuyển đổi từ analog sang kỹ thuật số và ngược lại yêu cầu những điều kiện kỹ thuật nhất định, và để đảm bảo chúng hoạt động tốt trong không gian gia đình, bạn sẽ cần có hiểu biết cơ bản về các thành phần tạo ra chúng.
Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng bạn cần phải bỏ ra một số tiền lớn để đạt được niềm vui của người đam mê âm thanh: với một hệ thống đầy đủ thành phần, dù chưa cần phải là những thiết bị rất đắt tiền, bạn đã nhận được chất lượng âm thanh tốt hơn là chỉ đơn giản là cắm một cặp tai nghe vào máy tính.
Hãy bắt đầu với những cặp loa
Loa thực sự là thành phần quan trọng nhất trong bất kỳ hệ thống âm thanh nào vì chúng có ảnh hưởng lớn nhất đến những gì bạn nhận được. Nói một cách đơn giản nhất, chúng lấy tín hiệu điện được cung cấp nguồn phát (có thể là mâm đĩa than, đầu đĩa CD hay bộ truyền tín hiệu digital) rồi sử dụng các rung động để tạo ra âm thanh. Có nhiều bộ phận bên trong loa sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng âm thanh, chẳng hạn như bộ phân tần — phân chia tín hiệu đến các driver khác nhau — kích thước và vật liệu của thùng loa, chất lượng và số lượng driver của loa.
Về cơ bản, có hai loại loa chính mà bạn nên biết: thụ động (passive) và chủ động (active). Loa thụ động yêu cầu amply ngoài — chúng cần tín hiệu từ nguồn phát được điều chỉnh bởi một thiết bị bên ngoài. Loa chủ động có bộ amply tích hợp bên trong, được tối ưu hóa cho chiếc loa đó. Thường thì loa thụ động có giá phải chăng hơn và linh hoạt hơn (bạn có thể thử nhiều giải pháp để đạt được âm sắc mong muốn), trong khi loa chủ động đắt hơn nhưng giản tiện hơn.
Những chiếc tai nghe
Với những người mong muốn nhận được chất lượng âm thanh hi-fi, nhưng lại không có điều kiện để nghe nhạc âm lượng lớn trong không gian mở, những chiếc tai nghe thực sự là cứu tinh. Về mặt bản chất, những chiếc tai nghe cũng tương đương với một bộ loa trên tai của bạn – đem lại một môi trường được kiểm soát tốt hơn, thay vì chất lượng âm thanh của loa dễ bị ảnh hưởng bởi cấu tạo căn phòng đặt chúng.
Có rất nhiều loại tai nghe khác nhau, từ dạng mở (open-back) đến dạng đóng (close-back) cũng như tai nghe được sản xuất với nhiều loại driver khác nhau (động, tĩnh điện hoặc từ tính phẳng), cho tới những chiếc tai nghe không dây hiện đại được ưa chuộng gần đây.
Hãy nói về Amply (Amplifier)
Bản chất của những chiếc amply là một bộ khuếch đại công suất, cho phép lấy tín hiệu điện yếu từ các nguồn phát và khuếch đại tín hiệu đó gửi đến loa hoặc tai nghe. Nếu không có thiết bị này, bạn sẽ không thể điều chỉnh âm lượng của nhạc, điều này đặc biệt đúng với các tai nghe dạng open-back, đòi hỏi độ trung thực cao và tín hiệu cần được khuếch đại tốt.
Hiện nay, các bộ amply "tích hợp" đã thay thế cho các cấu trúc truyền thống. Amply tích hợp kết hợp các thành phần riêng biệt kiểu truyền thống vào chung một hệ thống: một phono preamp và một số tùy chọn kết nối không dây và có dây, để chúng có thể hoạt động như một trung tâm của toàn bộ hệ thống âm thanh. Đối với toàn bộ các tai nghe không dây hoặc loa không dây đều sẽ sở hữu amply tích hợp.
Bộ truyền tín hiệu (Receiver)
Hệ thống có chức năng tiếp nhận sau đó chuyển đổi âm thanh khi được cung cấp tín hiệu số tại âm thanh đầu vào rồi đưa tín hiệu nhận được ra loa được gọi là Receiver. Receiver cũng có hiểu là một amply nhưng nó khác amply bình thường ở chỗ nó có khả năng nhận tín hiệu được phát ra từ đài AM, FM hay các tín hiệu video-audio được phát ra từ những nguồn âm thanh khác rồi giải mã sau đó chuyển đổi tín hiệu Digital thành Analog, giải mã xử lý tín hiệu thành dạng Dolby, DTS,... Chính vì vậy, Receiver còn được nhiều người gọi là amply đa kênh (Multi Channel Receiver).
Với người dùng cơ bản, một bộ AV Receiver sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn, khi đem lại khả năng phát âm thanh vòm, xử lý tín hiệu số, video digital, chuyển mạch, setup loa tự động cũng như setup network được sử dụng nhiều tại các phòng xem phim gia đình, phòng hát tại gia.
Bộ giải mã DAC (Digital to Analog converter)
DAC là viết tắt của cụm từ Digital Analog Converter hay còn gọi là bộ chuyển đổi tín hiệu kỹ thuật số thành âm thanh Analog, là thiết bị chuyển những thông tin được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số từ máy tính xách tay, iPod hoặc thiết bị khác thành âm thanh analog mà chúng ta có thể nghe thấy. Âm thanh Analog gốc nguyên bản do các ban nhạc và nghệ sĩ yêu thích của chúng ta tạo ra được tái tạo ở định dạng kỹ thuật số để thuận tiện cho việc lưu trữ - tức là MP3, FLAC hoặc Apple Lossless.
Mặc dù máy tính có thể hiểu được những tín hiệu kỹ thuật số này, nhưng con người thì không thể, loa hoặc tai nghe của bạn cũng vậy. Vì vậy, trước khi chúng ta có thể nghe nó, tín hiệu kỹ thuật số cần được đưa trở lại một lần nữa về tín hiệu gốc Analog. Việc sở hữu một bộ DAC chỉ cần thiết khi bạn sử dụng một nguồn phát kỹ thuật số - điện thoại hoặc máy tính của bạn.
Các nguồn phát
Nguồn phát thực sự là một lựa chọn phụ thuộc vào mỗi người – có thể là turntable (mâm đĩa than) để chơi các đĩa Vynil, đầu CD/ cassettes để chơi băng/ đĩa hoặc Bluetooth Receiver để nhận tín hiệu nhạc từ các phần mềm streaming như Tidal, Apple Music… Tuỳ vào việc bạn sử dụng nguồn phát nào sẽ có những thiết bị yêu cầu đi cùng – ví dụ như với Vynil bạn sẽ cần thêm phono preamp để khuếch đại tín hiệu trước khi đưa vào amply, hoặc DAC nếu bạn sử dụng nguồn phát qua Bluetooth.
Bạn sẽ nghe nhiều người nói đến sự quan trọng của dây dẫn – tuy nhiên, với một người mới bắt đầu, hãy đừng quan tâm đến mảng này quá sớm. Đó thực sự là một cuộc đốt tiền với hiệu quả không quá rõ rệt.
Đăng nhập để tham gia bình luận bài viết