Đại dịch toàn cầu đã thay đổi nhiều thói quen, trong đó có thói quen tập luyện thể thao: thống kê cho thấy, nhu cầu luyện tập chăm sóc sức khoẻ đã tăng cao vượt bậc trong vòng 2 năm 2020 - 2021, thể hiện sự thay đổi về ý thức chăm sóc bản thân của mỗi người. Tuy nhiên, cũng do diễn biến phức tạp của đại dịch mà việc đến các phòng gym trở nên hạn chế hơn trước rất nhiều. Đó là thời điểm các không gian tập luyện tại gia lên ngôi: khắp các group tập luyện đều thấy những tấm hình khoe góc tập trong nhà. Có khi đơn giản là một tấm thảm yoga trong phòng khách, nhưng cũng có những người đã đầu tư tạo ra một không gian phòng tập gym thu nhỏ ngay trong căn hộ chung cư của chính mình.
Không gian tập luyện trong nhà có thể chỉ cần rất đơn giản thế này, nhưng cũng có thể chứa đầy đủ các thiết bị như một phòng chuyên nghiệp. Ảnh: Pinterest.
Nhiều người cho rằng với không gian căn hộ chung cư, rất khó để có thể thiết lập được một phòng home-gym đủ chất lượng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh bạn hoàn toàn có thể làm được một phòng tập cực kỳ phong cách cho bản thân, miễn là bạn nắm được các yếu tố sau đây:
Xác định được vị trí phù hợp
Mới nghe thì có vẻ hài hước, nhưng việc lựa chọn địa điểm phù hợp quả thật rất quan trọng, nhất là khi thiết bị của bạn không còn giới hạn ở chiếc thảm tập nhẹ nhàng. Mục đích của việc lựa chọn này là để tạo ra không gian ổn định lâu dài, từ đó cho phép lắp đặt các thiết bị cần thiết, cũng như đảm bảo được nguồn cảm hứng cho việc tập luyện.
Nếu bạn đang có một phòng ngủ chưa dùng tới trong nhà thì sẽ thật tuyệt vời, tuy nhiên, nếu không gian hạn chế hơn bạn vẫn có thể tìm được một khoảng diện tích đáp ứng các yêu cầu sau: có đủ chỗ trống để lắp đặt các thiết bị cơ bản, có không gian thoáng (bạn không muốn để mồ hôi của mình không thoát được, đúng không?) và có wifi tốt (cho âm nhạc và video hướng dẫn). Tách một phần phòng khách ngay sát balcon cũng là lựa chọn thường thấy.
Thật tuyệt nếu có garage, nhưng chung cư vẫn có balcon với công năng đủ đáp ứng.Ảnh: familyhandyman.
Xác định phương thức tập luyện chủ yếu
Một vấn đề thường gặp với các home-gymer không chuyên chính là mua dư dụng cụ, hay hơn nữa - mua “thừa nhưng vẫn thiếu”. Chính vì vậy, hãy tập trung lựa chọn bộ môn thể thao mình sẽ tập luyện chính để tính toán thiết bị cần thiết, từ đó sắp xếp không gian chính xác và “vừa đủ”.
Yoga, cardio, bodybuilding, weightlifting hay tập theo các bài tập LesMills - mỗi hình thức tập luyện sẽ yêu cầu các thiết bị khác biệt. Hay nếu bạn chỉ tập luyện ở nhà vào những ngày nghỉ không chạy bộ ngoài trời - vậy nếu bạn sắm quá nhiều tạ đòn liệu có thực sự cần thiết? Do diện tích homegym có hạn, vậy nên hãy xác định đúng thứ mình định làm, và thực sự mình cần gì.
Một không gian nhỏ sẽ yêu cầu một thiết lập dụng cụ chính xác đến từng quả tạ nhỏ. Ảnh: Good Housekeeping.
Sử dụng các dụng cụ tích hợp và thông minh
Đây là một xu hướng được ưa chuộng cả bởi các phòng gym, chứ không chỉ riêng cho home-gym: nếu bạn có diện tích nhỏ, vậy đừng “ham hố” các hệ thiết bị quá chuyên biệt cho từng nhóm cơ, hay cho từng bài tập cô lập. Hãy hướng tới việc tối đa công năng trên một cỗ máy, và đồng thời tìm kiếm các thiết bị cho phép giảm thiểu diện tích.
Ví dụ có thể dễ thấy nhất gần đây là bộ tạ tay xoay - thay vì phải có 10 quả tạ các cân nặng khác nhau, hoặc 5-6 bánh tạ lắp vào, bộ tạ này cho phép bạn có thể điều chỉnh “tất cả trong một” tuỳ theo mức cân nặng bạn muốn. Các hệ máy sử dụng dây cáp đa vị trí cũng giúp tiết kiệm kha khá không gian - dĩ nhiên sẽ có hạn chế, nhưng dù gì đây cũng không phải là một phòng gym dành cho vận động viên, đúng không?
Tạ tay bowflex là ví dụ điển hình cho các thiết bị tập thông minh. Ảnh: Fitness Ireland.
Đăng nhập để tham gia bình luận bài viết