1 - Định hình phong cách thiết kế
Việc định hình phong cách trước khi lên ý tưởng thiết kế cho căn hộ là vô cùng quan trọng. Có người thích phong cách tối giản, hiện đại, có người lại thích phong cách sang trọng cổ điển hay phong cách công nghiệp cá tính, có người lại muốn đưa thật nhiều mảng xanh vào không gian sống… Dựa vào sở thích của cá nhân và gia đình để chọn được phong cách phù hợp, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc chọn vật liệu, ánh sáng, màu sắc cũng như nội thất.
Một căn hộ được thiết kế theo phong cách tối giản, tinh tế
Trong khi đó căn hộ này lại trẻ trung mạnh mẽ với phong cách mang hơi hướng industrial, nhiều chi tiết nhưng vẫn lịch sự
2 - Xác định thứ tự ưu tiên trong các yêu cầu xây sửa
Để mang lại một không gian sống đầy đủ công năng và phù hợp với các thành viên trong gia đình, gia chủ cần liệt kê các mục đích ưu tiên khi xây sửa căn hộ. Các yếu tố đó có thể là: tăng nhu cầu sử dụng, nới rộng không gian, thay đổi phong cách thiết kế, thay đổi chất lượng sống hướng đến cuộc sống cao cấp, tiện nghi hơn… Xác định được thứ tự ưu tiên này sẽ giúp thiết kế tối ưu hơn và tránh phải sửa chữa phát sinh sau này.
Chẳng hạn một gia đình sắp sinh thêm con cần cải tạo lại để thêm một phòng ngủ hoặc có nhiều góc vui chơi. Như vậy ưu tiên sẽ là nới rộng không gian, tăng nhu cầu sử dụng, tiếp đó mới tính đến yêu cầu về thẩm mỹ để có phương án sửa chữa hợp lý nhất.
Sự ưu tiên trong thiết kế của gia chủ căn hộ này là đáp ứng sở thích đọc sách và sưu tầm sách
Hoặc không gian sống cũ bí bách, thiếu sáng và gia chủ mong muốn loại bỏ tường ngăn để tạo cảm giác thoáng đãng, sáng sủa. Vậy ưu tiên hàng đầu sẽ là cải thiện chất lượng sống, thiết kế mở các phòng thay vì bổ sung các phòng công năng.
Không gian làm việc tại gia ngập tràn ánh sáng nhờ hệ cửa kính lớn mở rộng
3 - Tính toán chi phí
Gia chủ cần trao đổi kỹ với các bên thiết kế và thi công về mục đích và nhu cầu của mình, về ngân sách thực tế để đảm bảo chắc chắn mọi thứ không bị tính toán chênh lệch quá lớn so với dự tính. Tốt nhất, chủ nhà nên liệt kê các hạng mục cần tính khi xây sửa như: chi phí phá dỡ, chi phí trát, hệ thống điện, ốp lát, thiết bị vệ sinh, trần thạch cao, sàn, đồ nội thất…Trong quá trình xây sửa, có thể sẽ phát sinh các chi phí so với dự kiến, bởi vậy tốt nhất gia chủ nên đưa mục chi phí phát sinh vào bảng kế hoạch tài chính ngay lúc đầu để chủ động kiểm soát chi phí, không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cũng như không bị tâm lý bất ngờ vì đội chi phí cao.
Chi phí cần được tính toán cẩn thận để tránh việc phát sinh quá nhiều khi xây sửa
4 - Lựa chọn vật liệu phù hợp
Khi chọn nguyên vật liệu, gia chủ cần chú ý đến nguyên tắc: tiết kiệm, bền vững và đồng bộ.
Gia chủ nên chọn mua đồ nội thất trong giai đoạn hoàn thiện
Khi lựa chọn, mua sắm nội thất gia chủ cần tôn trọng định hướng của thiết kế thông qua tư vấn hoặc bản vẽ, tránh sa đà vào quá nhiều sản phẩm hoặc chọn mua theo sở thích mà quên đi phong cách thiết kế hiện tại của nhà mình, để cuối cùng nội thật mua về “khập khiễng” với không gian. Ngoài ra, việc đo đạc cẩn thận trước khi mua cũng rất quan trọng để tránh mua sai kích thước, không đúng với khu vực cần lắp đặt, gây lãng phí tiền của.