VinSpeed của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham gia đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam 61 tỷ USD

      VinSpeed của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham gia đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam 61 tỷ USD

      Onehousing image
      9 phút đọc
      22/05/2025
      VinSpeed đề xuất đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, kỳ vọng thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

      VinSpeed đã đề xuất đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá khoảng 61 tỷ USD. Thông tin này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới chuyên gia và cộng đồng đầu tư. Đây là bước tiến chiến lược của một tập đoàn tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng quy mô lớn. Cùng với đó, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho sự chuyển mình của ngành giao thông vận tải Việt Nam.

      VinSpeed là ai? Vì sao công ty này được kỳ vọng “làm nên chuyện” với đường sắt cao tốc Bắc - Nam?

      VinSpeed là một công ty mới nhưng có hậu thuẫn mạnh mẽ từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup. Sự xuất hiện của công ty này đang thu hút nhiều sự chú ý từ dư luận.

      Giới thiệu về VinSpeed và mối liên hệ với tỷ phú Phạm Nhật Vượng

      Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed được thành lập vào ngày 6/5/2025, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, là cổ đông lớn nhất của VinSpeed.

      Việc thành lập công ty này đã thể hiện cam kết của ông Vượng trong việc đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. Điều này cũng giúp tách biệt rủi ro tài chính khỏi Vingroup để bảo vệ quyền lợi của cổ đông tập đoàn.

      Ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông lớn nhất của VinSpeed (Nguồn: Soha)

      Thành phần góp vốn: Tập đoàn Vingroup và các thành viên gia đình ông Phạm Nhật Vượng

      Cơ cấu cổ đông của VinSpeed bao gồm:

      • Ông Phạm Nhật Vượng: 51% (3.060 tỷ đồng)
      • Tập đoàn Vingroup: 10% (600 tỷ đồng)
      • Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam: 35% (2.100 tỷ đồng)
      • Bà Phạm Thúy Hằng (Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup): 3% (180 tỷ đồng)
      • Hai con trai ông Vượng là Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Quân Anh: mỗi người 0,5% (30 tỷ đồng)

      Tầm nhìn và năng lực thực thi của VinSpeed trong lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp

      VinSpeed đề xuất đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện xuống còn 5 năm, thay vì 10 năm như kế hoạch của Nhà nước. Doanh nghiệp dự kiến sẽ tự thu xếp 20% vốn (khoảng 12,27 tỷ USD) và đề xuất Nhà nước cho vay 80% còn lại (khoảng 49,1 tỷ USD) với lãi suất 0% trong 35 năm.

      Không chỉ xây dựng tuyến đường sắt, VinSpeed còn cam kết phát triển ngành công nghiệp đường sắt cao tốc trong nước. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc hợp tác với các đối tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, sản xuất đầu máy, toa xe và hệ thống điều khiển trong nước. Đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và năng lực thực thi của VinSpeed trong lĩnh vực hạ tầng và công nghiệp.

      Đề xuất dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã thể hiện năng lực thực thi của VinSpeed (Nguồn: VTC)

      Chi tiết dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

      VinSpeed đã chính thức đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hứa hẹn sẽ là bước đột phá quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông quốc gia.

      Quy mô dự án

      Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM). Tuyến đường này đi qua 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, được thiết kế theo khổ đường sắt chuẩn châu Âu (1.435 mm).

      Vận tốc khai thác dự kiến đạt tới 350 km/h, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Bắc vào Nam xuống chỉ còn khoảng 5-6 giờ. Hệ thống bao gồm 23 nhà ga hành khách và 5 ga hàng hóa, cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa vận chuyển người và hàng hóa tùy theo nhu cầu khai thác.

      Tổng vốn đầu tư và phương án tài chính

      Tổng vốn đầu tư của dự án được ước tính là khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 61 tỷ USD, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Về phương án tài chính, dự án được đề xuất theo cơ cấu:

      • 20% vốn tự lực, tương đương khoảng 12,27 tỷ USD sẽ do doanh nghiệp thu xếp.
      • 80% còn lại, tức khoảng 49 tỷ USD, được đề xuất Chính phủ hỗ trợ dưới hình thức cho vay ưu đãi, lãi suất 0% trong thời hạn 35 năm.

      Bên cạnh đó, VinSpeed còn kiến nghị Chính phủ và các địa phương cho phép khai thác quỹ đất dọc theo tuyến đường sắt và xung quanh các nhà ga nhằm tạo thêm nguồn lực tài chính bổ sung, thúc đẩy hiệu quả đầu tư.

      Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (Nguồn: VTC)

      Tiến độ dự kiến và so sánh với kế hoạch của Nhà nước

      VinSpeed đặt mục tiêu khởi công dự án trước tháng 12/2026 và hoàn thành toàn bộ tuyến trong vòng 5 năm, tức là đưa vào vận hành toàn tuyến trong năm 2030. Thời gian này được cho là rút ngắn đáng kể so với kế hoạch của Nhà nước. Sự khác biệt trong tiến độ này cho thấy quyết tâm lớn của VinSpeed trong việc rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ và tối ưu hóa chi phí thực hiện.

      Kế hoạch hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ

      Một trong những điểm nổi bật của đề xuất từ VinSpeed là cam kết thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt trong nước. Doanh nghiệp khẳng định sẽ không chỉ nhập khẩu thiết bị hoàn chỉnh mà còn xây dựng các chuỗi sản xuất đầu máy, toa xe, hệ thống điều khiển trong nước thông qua liên kết với các đối tác quốc tế uy tín.

      Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành ngành công nghiệp đường sắt tốc độ cao của Việt Nam, giảm phụ thuộc vào nước ngoài trong dài hạn, đồng thời tạo việc làm và nâng cao năng lực nội địa.

      Dự án sẽ tạo đà phát triển cho ngành công nghiệp đường sắt trong nước (Nguồn: VietNamNet)

      Ý nghĩa chiến lược và tiềm năng kinh tế từ “siêu dự án” đầu tư của VinSpeed

      Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam của VinSpeed sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, tạo động lực phát triển bền vững cho Việt Nam.

      Tác động tích cực đến nền kinh tế và ngành vận tải - logistics

      Trước hết, tuyến đường sắt này có thể giúp giảm thiểu chi phí logistics. Với khả năng chuyên chở khối lượng lớn và tốc độ vận hành từ 250-350 km/h, tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ thay thế một phần vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Dự án cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm nhiên liệu và giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng hiện hữu.

      Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ giúp kết nối nhanh các vùng sản xuất nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ với thị trường tiêu thụ và cảng biển lớn. Giao thương thuận lợi hơn đồng nghĩa với tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

      Ngoài ra, dự án còn tạo ra hàng chục nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp trong giai đoạn thi công và vận hành. Các ngành phụ trợ như xây dựng, công nghiệp vật liệu, cơ khí, điện - điện tử, công nghệ tự động hóa cũng sẽ được hưởng lợi nhờ vào nhu cầu cung ứng trang thiết bị, linh kiện, dịch vụ bảo trì - bảo dưỡng.

      Đường sắt cao tốc sẽ tác động tích cực đến ngành vận tải - logistics (Nguồn: VnEconomy)

      So sánh với các mô hình đường sắt cao tốc thành công trên thế giới

      Để đánh giá tiềm năng thực tế của đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam, bạn có thể nhìn vào những bài học thành công từ các quốc gia tiên phong.

      • Tại Nhật Bản, tuyến Shinkansen đầu tiên (Tokyo - Osaka) được khai thác từ năm 1964 đã nhanh chóng thay đổi cục diện kinh tế - xã hội của đất nước. Cho đến nay, Shinkansen vẫn giữ được mức độ an toàn gần như tuyệt đối, thời gian đúng giờ gần như tuyệt đối và hiệu suất khai thác rất cao. Đây là một biểu tượng về hiệu quả quản lý và khai thác vận tải công cộng.
      • Tại Trung Quốc, chỉ trong 15 năm, quốc gia này đã xây dựng được hơn 42.000 km đường sắt cao tốc, kết nối hơn 500 thành phố lớn nhỏ. Hiệu quả kinh tế xã hội thể hiện rõ rệt: Các tỉnh miền Trung - Tây đã tăng trưởng nhanh chóng nhờ được kết nối với các khu trung tâm như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu...
      • Châu Âu, với các hệ thống như TGV (Pháp), ICE (Đức), AVE (Tây Ban Nha) hay Eurostar (hợp tác Anh - Pháp - Bỉ), đã chứng minh rằng đường sắt cao tốc không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn là động lực quan trọng để phát triển bền vững, giảm phát thải CO2 và tạo sự liên kết kinh tế vùng.

      Tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản (Nguồn: VietNamNet)

      Kỳ vọng thay đổi bộ mặt giao thông Bắc - Nam và tạo động lực phát triển quốc gia

      Hiện nay, hệ thống giao thông trục Bắc - Nam của Việt Nam chủ yếu dựa vào Quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam (đang hoàn thiện) và tuyến hàng không. Tuy nhiên, các phương tiện này đều có những giới hạn riêng như: đường bộ thường xuyên quá tải, hàng không thì chi phí cao và chịu ảnh hưởng bởi thời tiết. Trong khi đó, đường sắt tốc độ cao có thể kết nối các trung tâm đô thị lớn với hiệu quả vận chuyển cao và thân thiện với môi trường.

      Nếu hoàn thành đúng tiến độ, tuyến đường sắt cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển Hà Nội - TPHCM xuống còn khoảng 5-6 giờ. Điều này có thể thay đổi hoàn toàn cách người dân lựa chọn di chuyển, giúp kéo giãn mật độ dân cư ở các đô thị lớn và giảm áp lực hạ tầng nội đô.

      Hơn nữa, dự án còn mang lại một “bản lề phát triển” mới cho các khu vực nằm dọc hành lang Bắc - Nam như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên… Những khu vực này vốn còn nhiều dư địa phát triển nhưng lại cách xa các trung tâm kinh tế. Khi kết nối được cải thiện, đầu tư sẽ dịch chuyển, mở ra cơ hội bứt phá cho các địa phương này.

      Định hướng dài hạn và lợi ích quốc gia

      Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một phần không thể thiếu trong Chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

      Dự án sẽ đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp đường sắt hiện đại tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy tự chủ công nghệ, đào tạo nhân lực kỹ thuật cao. Việc triển khai dự án với sự hợp tác quốc tế còn là cơ hội để Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, từ đó nâng cao năng lực nội tại.

      Ngoài ý nghĩa về kinh tế, dự án còn góp phần bảo vệ môi trường khi giúp giảm phát thải CO2 - một trong những ưu điểm nổi bật của đường sắt so với các loại hình vận tải khác. 

      Đường sắt cao tốc sẽ tạo động lực phát triển cho quốc gia (Nguồn: VietnamPlus)

      Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam do VinSpeed để xuất đã đánh dấu một bước ngoặt lớn cho giao thông Việt Nam. Nếu được triển khai hiệu quả, dự án sẽ góp phần thay đổi diện mạo giao thông trục Bắc - Nam, mở ra một tương lai phát triển đột phá, hiện đại và đồng bộ hơn cho nền kinh tế Việt Nam.

      Xem thêm

      Fujisan Đông Triều: Thông tin dự án chi tiết

      Timeluxe Living – Triết lý sống vượt thời gian do MIK Group tiên phong kiến tạo

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K