Khi ý thức là thứ xa xỉ
Chỉ cần lướt qua các trang báo hoặc chịu khó “lội còm” ở những hội nhóm cư dân chung cư, chắc chắn các bạn sẽ thấy nhiều câu chuyện trớ trêu chẳng kém vụ nhạc đám ma đại chiến nhạc thể dục. Ý thức cộng đồng, thứ tưởng như sẽ là chuẩn mực để người ta dọn đến sinh sống tại các chung cư, hóa ra lại ngày càng trở nên xa xỉ với một bộ phận lớn cư dân.
Nếu trong ví dụ chúng tôi nêu ra tại Linh Đàm, ô nhiễm âm thanh xuất phát từ những cụ già nên không xảy ra xô xát vì chẳng ai muốn gây gổ với những bậc cha chú. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, ô nhiễm âm thanh có thể là dẫn tới ẩu đả. Những dịp lễ tết hay cuối tuần, nạn karakoke trở thành nỗi ám ảnh ở nhiều chung cư. Mở nhạc ở quán xá dưới sân chưa đã, nhiều người còn biến nhà mình thành phòng hát, tiếng nhạc mạnh tới mức lan khắp nhiều tầng nhà, đặc biệt với những khu cách âm sàn không tốt. Khi có góp ý thì với những cái đầu đã ngấm men rượu, xô xát rất dễ xảy ra.
Nạn phóng uế của thú cưng và chuyện mang chó dữ vào thang máy không rọ mõm cũng chẳng phải điều gì hiếm gặp. Báo điện tử VnExpress hồi giữa tháng 10 vừa qua cũng tiến hành một khảo sát với gần 30 khu chung cư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì kết quả là 90% cư dân cho biết nơi họ sống có quy định cấm nuôi chó mèo nhưng cư dẫn vẫn lén lút nuôi, thậm chí ngang nhiên mang chó mèo đi lại khắp nơi, gây bức xúc cho hàng xóm.
Vẫn biết, nuôi thú cưng và yêu động vật không xấu và còn là quyền của mỗi người. Nhưng với không gian có nhiều cư dân sống tập trung với mật độ cao như chung cư thì việc này vừa không hợp vệ sinh, vừa có thể gây ra những hệ lụy như dịch bệnh, cắn người. Ý thức kém của một bộ phận cư dân khiến những gia đình có trẻ nhỏ bất an trong chính không gian đáng ra được an toàn của tòa nhà.
Ô nhiễm âm thanh hay ý thức của những người nuôi chó mèo là những thứ dễ nhận thấy. Có những chuyện thuộc về ý thức cư dân mà chỉ những người đi phục vụ, như ban quản lý tòa nhà, mới hiểu rõ và thường xuyên nếm trải. Ví như chuyện đổ rác, đã đành là có nhân viên dọn vệ sinh song nhiều cư dân ỷ lại cho việc này mà vứt đồ xú uế tung tóe ở nhà rác, thậm chí những món đồ dùng lớn như bàn ghế gãy, xe nôi trẻ em hỏng…. cũng bị ném thẳng ra nhà rác. Cho gọn nhà mình. Hoặc chuyện đỗ xe, có nhiều người không bao giờ đỗ xe ngay ngắn, một mình chiếm 2 chỗ rồi thậm chí, chặn cả lối đi tới hộp cứu hỏa. Nhưng khi bảo vệ nhắc nhở, không ít người còn sửng cồ, chửi bới, gây gổ…
Ở chiều ngược lại, nhiều chủ đầu tư không nghiêm túc trong việc tổ chức vận hành, quản lý tòa nhà khi chưa có ban quản trị được bầu lên. Họ chỉ chạy theo lợi nhuận, thuê những đơn vị thiếu chuyên nghiệp để vận hành tòa nhà. Hệ quả của điều này là những người có trách nhiệm quản lý lại không có đủ trình độ và kỹ năng để điều tiết các mối xung đột giữa cư dân trong tòa nhà.
Vì đâu nên nỗi?
Những ví dụ về ý thức của cư dân chung cư, trong khuôn khổ một bài viết này thực sự không thể nào liệt kê đủ hết được. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao môi trường ứng xử trong một số khu chung cư lại trở nên tệ hại như thế? Nguyên nhân lớn nhất là không có chế tài đủ mạnh, đủ chặt chẽ về ứng xử ở cộng đồng ở các khu cư dân.
Chẳng hạn, thành phố Hà Nội hồi năm 2020 từng ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội, trong đó có nêu rõ những việc nên làm và không nên làm cả ở những khu chung cư. Rồi các khu chung cư cũng có những bộ quy tắc riêng, được sự đồng thuận của toàn bộ cư dân, nhưng cũng như Quy tắc của thành phố, những văn này chỉ mang tính hướng dẫn và kêu gọi ý thức của người dân.
Những vi phạm nếu muốn nhìn nhận dưới góc độ pháp luật lại cần đến nhiều yếu tố cấu thành, và chắc chắn cũng mất rất nhiều công sức xem xét, đánh giá mới có thể xử phạt. Trong khi đó, theo đánh giá của Onehousing thì một trong những nguyên nhân sâu xa của vấn đề này còn nằm ở chính sự cách tiếp cận hời hợt hoặc chưa hợp lý với các vấn đề cộng đồng của một bộ phận lớn cư dân.
Đa số người dân đều cảm thấy bức xúc trước những hành động thiếu ý thức, ảnh hưởng tới sinh hoạt chung. Nhưng người có tâm lý ngại va chạm thì tặc lưỡi bỏ qua. Người có tinh thần phê bình hơn thì lên các hội nhóm Facebook và Zalo của khu chung cư để phàn nàn. Nhưng mỗi khi họp cư dân với ban quản trị và ban quản lý thì thường có rất ít người tham gia, và nếu góp mặt thì cũng không nhiều người bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn, quyết liệt như trên mạng xã hội.
Nguyên nhân thì nhiều. Có thể do bận bịu công việc cá nhân. Có thể do ngại đứng trước đám đông để nhận lại các ý kiến trái chiều. Có thể do nể nang…. Nhưng tựu trung lại, cách hành xử này chúng ta không chỉ gặp tại môi trường khu chung cư. Nó vốn đầy rẫy ở các cơ quan có văn hóa quan liêu, quen với việc nói xấu nhau bên ngoài phòng họp thì nhanh còn phát biểu ý kiến thì lại né tránh. Văn hóa độc hại ấy nếu lây lan về tới nơi ở, sẽ khiến chúng ta trở thành kẻ thờ ơ với chính sự an toàn và chất lượng sống của gia đình mình.
Thế nên, lời khuyên của OnesHousing là quý vị nên tích cực tham gia các với ban quản trị và ban quản lý, đồng thời thẳng thắn đóng góp ý kiến. Anh Tiến Đức, thành viên ban quản trị ở một khu chung cư tại Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng không ngại. Nhưng ngại nhất là bà con chỉ ý kiến bên lề mà vào cuộc họp lại lặng thinh. Muốn gây áp lực với chủ đầu tư để họ làm tốt hơn thì tiếng nói của ban quan trị sẽ chỉ hiệu quả nếu có sự hưởng ứng nhiệt tình của cư dân”.
Ngoài ra, có một khía cạnh nữa mà cư dân các khu chung cư, vốn đa phần là người trẻ tuổi, quên mất. Đó là sự tham gia của tổ dân phố, của các đoàn thể như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi hoặc chi bộ Đảng ở địa phương. Tiếng nói của những đoàn thể này luôn có trọng lượng với chính quyền, có thể trở thành tác nhân mạnh mẽ thúc đẩy những cơ quan công quyền vào cuộc để giải quyết các vấn đề bức xúc của cư dân.
Hơn nữa, đại diện của những đoàn thể kể trên thường là các bác giàu kinh nghiệm về hoạt động xã hội, có kiến thức pháp luật, có khả năng tương tác với chính quyền và xử lý tốt những vấn đề thuộc về hành chính, khiếu nại, vận động. Tận dụng năng lực ấy là một lựa chọn khôn ngoan. Do đó, việc kết nối với các đoàn thể địa phương phải được chính người dân của những khu chung cư nhận thức đầy đủ và chủ động tiến hành.
Công ty Cổ phần One Mount Real Estate – Sàn giao dịch Bất Động Sản là thành viên của One Mount Group. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp: 0109178175. Đăng ký lần đầu: ngày 11/05/2020, Cấp bởi: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội. Loại hình website: Sàn giao dịch TMĐT, Website khuyến mại trực tuyến
Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản, Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, Thẻ khách hàng thường xuyên, sản phẩm, dịch vụ khác.
Tên người chịu trách nhiệm: Quách Thị Hồng Nhung
Thông tin điện tử nội bộ và mạng xã hội
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Lê Thanh
Số giấy phép thiết lập mạng xã hội: Số 371/GP-BTTTT
Ngày cấp: 04/10/2023
Cơ quan cấp phép: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền thuộc về OneHousing.vn