Tìm hiểu giao dịch nội gián trong chứng khoán và các quy định xử phạt giao dịch nội gián tại Việt Nam

      Tìm hiểu giao dịch nội gián trong chứng khoán và các quy định xử phạt giao dịch nội gián tại Việt Nam

      Onehousing image
      4 phút đọc
      24/07/2024
      Giao dịch nội gián là hành vi mua bán chứng khoán dựa trên thông tin nội bộ bí mật, chưa được công bố của một tổ chức, thường sẽ bị xử phạt nặng.   

      Khái niệm giao dịch nội gián chỉ hành vi mua bán chứng khoán dựa trên thông tin nội bộ chưa được công bố ra công chúng. Hầu hết các giao dịch nội gián được xem là vi phạm pháp luật, làm giảm tính minh bạch của thị trường chứng khoán. Dưới đây là định nghĩa cụ thể về hành vi này, tác động của nó và quy định xử phạt theo pháp luật Việt Nam.

      Khái niệm giao dịch nội gián

      Giao dịch nội gián (Insider Trading) trong chứng khoán là hành vi mua bán chứng khoán dựa trên thông tin quan trọng chưa được công bố với công chúng. Đây là những thông tin chỉ người trong nội bộ doanh nghiệp hoặc những người liên quan trực tiếp khác được biết.

      Thông tin nội bộ có thể quyết định “sự sống còn” của một cổ phiếu khi chúng được phát hành ra thị trường. Việc sử dụng những thông tin này để giao dịch chứng khoán sẽ mang lại lợi thế không công bằng cho người nắm giữ thông tin.

      tim-hieu-giao-dich-noi-gian-trong-chung-khoan-va-cac-quy-dinh-xu-phat-giao-dich-noi-gian-tai-viet-nam-1

      Hành vi mua bán chứng khoán dựa trên thông tin nội bộ được gọi là giao dịch nội gián (Nguồn: VietnamBiz)

      Tùy vào từng thời điểm mà hình thức giao dịch nội gián có thể hợp pháp hoặc không. Tuy nhiên, phần lớn các giao dịch này được xem là vi phạm pháp luật, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào tính minh bạch và công bằng của thị trường tài chính. Việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giao dịch nội gián là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cũng như duy trì sự ổn định của thị trường.

      Đặc điểm của giao dịch nội gián

      Giao dịch nội gián trong chứng khoán có một số đặc điểm nổi bật cần được nhận diện rõ ràng.

      • Giao dịch nội gián thường liên quan đến những cá nhân có quyền truy cập vào thông tin nội bộ của doanh nghiệp: Các cá nhân có thể là giám đốc, quản lý cấp cao hoặc các nhân viên có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty. Mặt khác, thông tin nội bộ có thể là kết quả kinh doanh, kế hoạch sáp nhập, mua lại hoặc các thay đổi quan trọng trong chính sách quản lý của công ty.
      • Giao dịch nội gián luôn gắn liền với tính chất bí mật và sự không công bằng: Những người thực hiện giao dịch nội gián sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán nhằm tối đa hóa lợi nhuận hoặc tránh thua lỗ, trong khi các nhà đầu tư khác không có cơ hội tiếp cận thông tin này. Đây là nguyên nhân tạo ra sự bất công và làm giảm niềm tin của công chúng vào tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
      • Giao dịch nội gián thường bị pháp luật nghiêm cấm: Nếu cố tình thực hiện, cả người đưa thông tin và người sử dụng thông tin đều có thể bị xử phạt nặng. Các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) sẽ có các biện pháp giám sát, điều tra để phát hiện và xử lý hành vi giao dịch nội gián.

      tim-hieu-giao-dich-noi-gian-trong-chung-khoan-va-cac-quy-dinh-xu-phat-giao-dich-noi-gian-tai-viet-nam-2

      Giao dịch nội gián thường được thực hiện bởi các cá nhân có quyền truy cập vào thông tin nội bộ của doanh nghiệp (Ảnh: Be in Crypto)

      Quy định xử phạt với hành vi giao dịch nội gián tại Việt Nam

      Tại Việt Nam, phần lớn các giao dịch nội gián trong chứng khoán bị coi là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và được quy định rõ ràng trong Luật Chứng khoán. Những cá nhân hoặc tổ chức bị phát hiện thực hiện giao dịch nội gián có thể phải đối mặt với các mức phạt khác nhau, tùy vào giá trị của tài sản và lợi nhuận giao dịch.

      tim-hieu-giao-dich-noi-gian-trong-chung-khoan-va-cac-quy-dinh-xu-phat-giao-dich-noi-gian-tai-viet-nam-3

      Cá nhân hoặc tổ chức bị phát hiện thực hiện giao dịch nội gián sẽ phải chịu xử phạt nặng (Ảnh: Luật Việt Nam)

      Cụ thể, trong Luật Chứng khoán 2010, khoản 1 điều 26 có nêu rõ các tổ chức hoặc cá nhân sử dụng thông tin nội bộ để thực hiện giao dịch chứng khoán sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn bộ các khoản thu nhập bất hợp pháp từ hành vi này sẽ bị tịch thu.

      Trong Luật hình sự 2015, điều 210 cũng quy định người nào tự ý công bố những thông tin nội bộ (chưa được phép công bố) của một công ty đại chúng (hoặc quỹ đại chúng), đồng thời sử dụng thông tin này để giao dịch (hoặc tư vấn cho người khác giao dịch) nhằm thu lợi bất chính từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng (hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 500 triệu đến dưới 1.5 tỷ đồng), sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng (hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm).

      Việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định về giao dịch nội gián là điều cần thiết giúp các nhà đầu tư bảo vệ quyền lợi của mình. Các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi này không chỉ nhằm răn đe mà còn góp phần xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh. Nhà đầu tư cần luôn cảnh giác và tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo rằng mọi giao dịch đều được thực hiện một cách công bằng, minh bạch.

      Xem thêm 

      Khi giao dịch chứng khoán thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán ở nước ngoài thì thời hạn chuyển lợi nhuận về Việt Nam là bao lâu?

      Có thể mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán tại các công ty khác nhau không?

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K