Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8. Tuy nhiên, đa phần chỉ dấu văn hoá đều hướng về một nguồn gốc chung: câu chuyện Đường Huyền Tông thăm cung trăng.
Theo tích xưa, năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, đưa nhà vua đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng nên đặt ra tết Trung thu. Sau nhiều thế kỷ, giờ đây Tết Trung thu đã trở nên phổ biến trong không chỉ các nước đồng văn như Trung, Nhật, Hàn, Việt mà còn phổ biến ở Singapore, Malaysia và một số quốc gia khác.
Những chiếc đèn lồng: kể chuyện nơi chốn
Dù đèn lồng là một trong những biểu tượng của ngày lễ này, mỗi nước đều có chiếc đèn riêng. Tại Việt Nam, vào Tết Trung thu xưa, trẻ em không thể thiếu 3 món là bánh Trung thu, con giống bằng bột và đèn. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nói: “Cho đến cuối thế kỷ XIX thì thú chơi lồng đèn Trung thu ở miền Bắc Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, đã thành nếp rõ lắm rồi”.
Đèn lồng thủ công được làm từ tre và giấy gió hay bọc vải lụa, thường sẽ thể hiện các con giống hay vẽ các hoạ tiết đặc trưng của Việt Nam. Chiếc đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no, hạnh phúc và tình cảm gia đình ấm áp.
Đèn lồng cá chép trong dự án tái hiện tết Trung thu xưa của học sinh trường Trần Đại Nghĩa, TP.HCM.
Trong khi đó, đèn lồng của người Hoa thường là đèn hình cầu, tượng trưng cho may mắn, vui tươi, xua đi những điều không may mắn. Trong dịp lễ trung thu, người Hoa thường treo các "vườn đèn lồng" lớn, với nhiều màu sắc - điều chúng ta vẫn bắt gặp ở những cộng đồng được xây dựng bởi đồng bào người Hoa tại Việt Nam, như Hội An ngày nay.
Một vườn đèn lồng tại Hong Kong trong dịp lễ trung thu.
Tại Huế, một vùng gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống tại Việt Nam - bạn có thể sẽ kinh ngạc nếu lạc vào một triển lãm đèn lồng, với sự phong phú của chúng. Một trong những loại đèn đặc trưng của Huế, là đèn lồng xếp, với các họa tiết được vẽ tay, là các đồ họa cổ của Việt Nam.
Đèn lồng xếp tại Huế. Nguồn: Báo Giao thông.
Muôn dạng chiếc bánh Trung thu
Chiếc bánh Trung thu cũng là một điểm thú vị để phân biệt giữa các nước: tại Việt Nam, nếu phải chọn điểm riêng, chắc chắn sẽ là chiếc bánh dẻo đầy cầu kỳ: riêng nước hoa bưởi để tạo mùi thơm cho vỏ bánh dẻo đã phải chưng cất từ đầu năm khi mùa hoa nở rộ. Hoặc rượu thuốc cũng vậy, không phải dễ để có được nếu không có công thức bí truyền.
Với các quốc gia khác, đa phần sẽ xoay quanh chiếc bánh nướng: từ Trung Quốc, Thái Lan, Philippines hay Singapore đều sẽ có những chiếc bánh rất giống nhau. Tại Nhật Bản, người ta sẽ ăn bánh gạo dango hình con thỏ; còn tại Hàn Quốc sẽ là món bánh songpyeon, một loại bánh gạo nhân vừng, đậu hoặc hạt dẻ sên ngọt.
Cuộc chiến "nhân thập cẩm" và "nhân đậu xanh" trên mạng xã hội mỗi mùa Trung thu về cũng là một phương thức thú vị để gợi nhớ những nét đặc trưng của những chiếc bánh Việt Nam. Nhân đậu xanh xay nhuyễn cũng được sử dụng từ lâu trong văn hóa Việt Nam, nhưng có nhiều điểm trùng khớp với các loại bánh của Trung Quốc, Nhật Bản. Nhân thập cẩm, với hạt bí, hạt mè, lạp xưởng, miếng mỡ đường, hạt sen sên đường... khó tìm thấy trong các nền văn hóa khác - và được coi là một niềm tự hào quốc gia, khi nhất loạt người dân đều gọi đây là "nhân thập cẩm truyền thống".
“Phá cỗ”, “trông trăng” mỗi nơi mỗi khác
Nói tới Trung Thu, ắt hẳn người Việt nào cũng sẽ nghĩ đến những mâm cỗ trông trăng với bánh kẹo hoa quả được sắp xếp cầu kỳ, đến những giây phút đoàn tụ vui vẻ, những buổi “phá cỗ” sau cuộc rước đèn quanh xóm của bầy em nhỏ. Với người Việt, Trung Thu trước hết là ngày lễ của trẻ em, của đoàn viên, của vui vẻ.
Ở các nước trong khu vực lại có những hoạt động khác: Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Trong khi đó, người dân xứ sở kim chi sẽ trở về quê hương, viếng mộ tổ tiên và dành thời gian cho gia đình.
Một hình ảnh trong lễ Trung thu của người Hàn Quốc.
Công ty Cổ phần One Mount Real Estate – Sàn giao dịch Bất Động Sản là thành viên của One Mount Group. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp: 0109178175. Đăng ký lần đầu: ngày 11/05/2020, Cấp bởi: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội. Loại hình website: Sàn giao dịch TMĐT, Website khuyến mại trực tuyến
Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản, Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, Thẻ khách hàng thường xuyên, sản phẩm, dịch vụ khác.
Tên người chịu trách nhiệm: Quách Thị Hồng Nhung
Thông tin điện tử nội bộ và mạng xã hội
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Lê Thanh
Số giấy phép thiết lập mạng xã hội: Số 371/GP-BTTTT
Ngày cấp: 04/10/2023
Cơ quan cấp phép: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền thuộc về OneHousing.vn