Tại sao chỉ số P/E quan trọng khi định giá cổ phiếu? P/E bao nhiêu là tốt?

      Tại sao chỉ số P/E quan trọng khi định giá cổ phiếu? P/E bao nhiêu là tốt?

      Onehousing image
      9 phút đọc
      11/06/2024
      Chỉ số P/E là gì? Vai trò của P/E trong định giá cổ phiếu và cách sử dụng hiệu quả. P/E bao nhiêu là tốt? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

      Trong lĩnh vực tài chính đầu tư, việc định giá cổ phiếu bằng chỉ số P/E là hết sức cần thiết. Nó giúp nhà đầu tư xác định cổ phiếu đắt hay rẻ so với giá trị thực cũng như lựa chọn được loại cổ phiếu phù hợp, xuống tiền vào đúng loại cổ phiếu giá tốt. Bài viết dưới đây sẽ giải thích cho bạn P/E là gì và chiến lược đầu tư hiệu quả với chỉ số này.

      Vai trò của chỉ số P/E trong định giá cổ phiếu (Ảnh: Edumall)

      Giải đáp: Chỉ số P/E là gì?

      Chỉ số P/E (là viết tắt của Price to Earning ratio - tỷ lệ giá trên thu nhập) dùng để đánh giá mối quan hệ giữa giá cổ phiếu trên thị trường hiện tại (Price) và lãi thu được trên một cổ phiếu (EPS). Chỉ số P/E là tiêu chí quan trọng để định giá cổ phiếu. Nếu chỉ số này thấp giá cổ phiếu rẻ và ngược lại.

      Nói cách khác, chỉ số P/E là điểm hòa vốn ước tính. Từ đó biết được đầu tư trong thời gian bao lâu thì sẽ lấy lại vốn.

      Ví dụ: 1 cổ phiếu giá trị 10.000 đồng và lãi được 1.500 đồng/năm. Vậy nhà đầu tư phải mất đến gần 7 năm mới có thể hoàn lại vốn. 

      P/E là chỉ số chỉ mối quan hệ giữa Price và EPS (Ảnh: Zalo Pay)

       

      Phân loại chỉ số P/E

      Đọc tiếp

      Có 2 loại chỉ số P/E chính là: Trailing P/E và Forward P/E, biến thể thứ 3 ít phổ biến hơn là P/E cho năm tài chính.

      Forward P/E (giá ước tính trên thu nhập trong tương lai)

      Một số thông tin để bạn hiểu hơn về chỉ số này:

      • Chỉ số này giúp so sánh thu nhập hiện tại với thu nhập trong tương lai, để nhà đầu tư mường tượng được viễn cảnh về thu nhập đối với cổ phiếu nếu không có sự điều chỉnh và thay đổi kế toán khác.
      • Hạn chế khi sử dụng Forward P/E là các công ty có thể ước tính thu nhập cao hơn so với thực tế. Sau đó điều chỉnh trong các kỳ báo cáo tiếp theo. Hoặc mỗi chuyên gia phân tích sẽ đưa ra ước tính thu nhập khác nhau. Tỷ lệ này dễ gây nhầm lẫn, khiến kỳ vọng của các nhà đầu tư bị sai lệch.

      Trailing P/E

      Trailing P/E được kết luận là:

      • Dựa trên kết quả hoạt động của công ty trong 4 quý gần nhất bằng cách chia giá cổ phiếu hiện tại cho tổng thu nhập EPS trong 12 tháng qua. Chỉ số Trailing P/E được sử dụng phổ biến bởi nó có tính khách quan nhất (với điều kiện báo cáo thu nhập của công ty là đúng).
      • Nhược điểm của Trailing P/E là những hoạt động trong quá khứ của công ty không thể hiện được bối cảnh trong tương lai. Thực tế EPS không đổi, trong khi giá cổ phiếu biến động. Nếu một sự kiện lớn xảy ra tác động tới công ty khiến giá cổ phiếu cao hơn hoặc thấp hơn đáng kể thì chỉ số Trailing P/E sẽ ít phản ánh những thay đổi đó.
      • Nếu tỷ lệ Forward P/E < Trailing P/E: Nhà đầu tư đang kỳ vọng thu nhập sẽ tăng;
      • Nếu tỷ lệ Forward P/E > Trailing P/E: Nhà đầu tư kỳ vọng thu nhập sẽ giảm.
      • P/E cho năm tài chính: Sử dụng thu nhập trung bình trong khoảng 1 năm tài chính.

      Các loại chỉ số P/E phổ biến trong đầu tư chứng khoán (Ảnh: WallStreetMojo)

      Tầm quan trọng của chỉ số P/E

      Các nhà đầu tư và nhà phân tích sử dụng chỉ số P/E để xác định giá trị tương đối của cổ phiếu của 1 công ty so với các công ty khác trong cùng lĩnh vực. Từ đó đối chiếu xem nó đang được định giá cao hay thấp. Ngoài ra, chỉ số P/E cũng được dùng để so sánh công ty đó hoạt động như thế nào theo các mốc thời gian.

      Chỉ số P/E còn thể hiện số tiền mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu đó. Chẳng hạn: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Dương (Mã: ACC) ngày 05/06/2024 có chỉ số P/E là 20.73 (Nguồn: Cổng thông tin tài chính - chứng khoán Vietstock). Khi chọn cổ phiếu ACC, nhà đầu tư sẽ chấp nhận chi 20.73 đồng để có lợi nhuận 1 đồng.

      Nói tóm lại, tỷ lệ P/E cho thấy thị trường hiện nay sẵn sàng trả bao nhiêu cho 1 cổ phiếu dựa trên thu nhập trong quá khứ hoặc tương lai của cổ phiếu đó. Chỉ số P/E cao có nghĩa là giá cổ phiếu cao so với thu nhập và có thể được định giá quá cao. Ngược lại, P/E thấp có thể hiểu rằng giá cổ phiếu hiện tại thấp so với thu nhập.

      Công thức tính chỉ số P/E

      Cách tính chỉ số P/E tương đối đơn giản: 

      • P/E = Giá thị trường của cổ phiếu (Price) / Lợi nhuận trên 1 cổ phiếu (EPS).

      Trong đó, chỉ số lợi nhuận trên 1 cổ phiếu (EPS) mà doanh nghiệp đã phân bổ sẽ thể hiện khả năng tạo ra doanh thu của họ.

      • EPS = Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi / Số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành

      Ví dụ: Giả sử giá thị trường tại thời điểm 05/06/2024 của cổ phiếu X là 22.000 đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm của công ty này là 2.000 đồng. P/E của cổ phiếu X = 11.

      Chỉ cần vài bước đơn giản nhà đầu tư đã dễ dàng tính được chỉ số P/E của doanh nghiệp (Ảnh: DNSE)

      Chỉ số P/E bao nhiêu là tốt?

      Đa số các nhà đầu tư thích tỷ lệ P/E thấp. Thông thường, tỷ lệ P/E trung bình nằm trong khoảng 5 - 12. Nếu dưới con số này, nhiều người coi là P/E tốt và cao hơn là P/E xấu.

      Tuy nhiên, tùy từng ngành, lĩnh vực hoạt động sẽ có tỷ lệ P/E trung bình khác nhau. Ví dụ: tỷ lệ P/E là 10 là bình thường đối với lĩnh vực bán lẻ tiện ích, nhưng lại là cực thấp đối với 1 công ty trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, nhà đầu tư cần so sánh tỷ lệ P/E với các công ty khác trong cùng ngành.

      Khi bạn so sánh chỉ số P/E với mức trung bình của thị trường hoặc đối thủ cạnh tranh, cổ phiếu có P/E thấp hơn thường nhận định là tốt. Nhà đầu tư đang chi tiêu ít tiền hơn cho mỗi đồng thu nhập của công ty đó.

      Ngược lại, chỉ số P/E quá cao được coi là cổ phiếu không tốt, nó đang được định giá quá cao. Nhà đầu tư đang phải chi quá nhiều tiền cho mỗi đồng thu nhập của công ty.

      Trong một số trường hợp, tỷ lệ P/E cao các nhà đầu tư tin rằng thu nhập của cổ phiếu sẽ tăng trong tương lai. Còn tỷ lệ P/E thấp tương đương với việc lợi nhuận của công ty sẽ giảm trong tương lai gần. Như vậy, rất khó có thể đưa ra cụ thể chỉ số P/E bao nhiêu là tốt. Nó chỉ là một công cụ so sánh để nhà đầu tư tham khảo chứ không phải một con số chuẩn.

      Bí quyết đầu tư hiệu quả với chỉ số P/E

      Trước hết, nhà đầu tư hãy so sánh tỷ lệ P/E hiện tại của công ty với tỷ lệ PE trong quá khứ. Cùng với đó, nhà đầu tư so sánh thêm P/E hiện tại của công ty cùng ngành kinh doanh hoặc nhóm ngành. Nếu P/E hiện tại của công ty thấp hơn quá khứ hoặc thấp hơn so với các công ty cùng ngành chứng tỏ cổ phiếu bị định giá thấp. 

      Còn nếu tỷ lệ P/E của 1 cổ phiếu cao hơn đáng kể so với tỷ lệ P/E của các công ty cùng ngành khác hoặc thậm chí cao hơn tỷ lệ P/E quá khứ của chính công ty đó, thì đó có thể là do triển vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, không ngoại trừ trường hợp cổ phiếu đó được định giá quá cao.

      Nhà đầu tư cần phân tích sâu hơn xem P/E cao là do cổ phiếu đang được định giá quá cao hay là cổ phiếu tăng trưởng. Liệu đây có phải dấu hiệu của sự cường điệu do thị trường thúc đẩy không? Với P/E thấp, đây sẽ là cơ hội mua cổ phiếu với giá thấp hay do kỳ vọng của nhà đầu tư quá bi quan vào cổ phiếu này? Nhà đầu tư cần phải tìm hiểu thêm nhiều số liệu khác của công ty. Chẳng hạn như: báo cáo tài chính, tình hình hoạt động,... trước khi đưa ra quyết định mua bán hay nắm giữ cổ phiếu. 

      Ngoài ra, nhà đầu tư có thể sử dụng cách tính P/E để định giá cho các chỉ số thị trường chứng khoán như VN30. Cộng giá của các cổ phiếu trong đó rồi chia nó cho tổng EPS của tất cả các công ty nằm trong chỉ số với thời hạn 12 tháng. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư biết các cổ phiếu trong đó đang bị định giá quá cao hay quá thấp. Thể hiện tâm lý chung của thị trường và triển vọng tăng trưởng trong tương lai đối với những mã cổ phiếu trong đó.

      Nhà đầu tư cần có chiến lược và kiến thức khi sử dụng chỉ số P/E (Ảnh: GoValue)

      Đánh giá ưu, nhược điểm khi sử dụng chỉ số P/E vào đầu tư

      Nắm được ưu điểm, nhược điểm khi áp dụng chỉ số P/E vào đầu tư sẽ giúp bạn làm chủ hành trình của mình:

      Ưu điểm

      4 ưu điểm khi áp dụng chỉ số P/E vào đầu tư:

      • So sánh giữa các cổ phiếu: P/E cho phép so sánh giá trị của các cổ phiếu với nhau, giúp nhà đầu tư nhận biết cổ phiếu có định giá thấp hơn hay cao hơn.
      • Phổ biến và dễ tra cứu: P/E là một thước đo định giá phổ biến và được đề cập nhiều nhất trong lĩnh vực tài chính đầu tư. Nhà đầu tư dễ dàng tra cứu và so sánh P/E của các công ty trên thị trường.
      • Xác định giá trị: Chỉ số P/E giúp nhà đầu tư xác định cổ phiếu đang được định giá cao hay thấp so với tổng thể thị trường. Điều này có thể giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư thông minh.
      • Dễ tính toán: P/E giúp nhà đầu tư cái nhìn tổng quan về khả năng tăng trưởng của cổ phiếu.

      Nhược điểm

      5 hạn chế khi áp dụng chỉ số P/E vào đầu tư:

      • Khó tính toán EPS: Việc tính toán EPS có thể khá phức tạp, đòi hỏi nhà đầu tư phải xác định rõ thu nhập và các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của công ty.
      • Ảnh hưởng của giá thị trường: P/E có thể bị ảnh hưởng bởi biến động giá thị trường, đặc biệt là trong ngắn hạn. Điều này có thể làm thay đổi tỷ lệ P/E mà không phản ánh đúng giá trị thực của cổ phiếu.
      • Khó xác định cơ cấu thu nhập: Các công ty thường có cơ cấu thu nhập phức tạp, khó tránh trường hợp công ty khai khống hoặc kế toán che giấu chi phí để làm tăng thu nhập.
      • Không áp dụng cho mọi ngành: P/E không thể sử dụng để so sánh các công ty từ các ngành khác nhau. Mỗi ngành sẽ có một mức định giá P/E khác nhau, do đó chỉ nên so sánh P/E trong cùng một ngành hoặc lĩnh vực.
      • Giá thấp không đồng nghĩa với mua ngay: Một P/E thấp không đồng nghĩa với việc cổ phiếu đó là lựa chọn đầu tư tốt. Giá thấp có thể do nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như sự suy giảm của khách hàng. Nhà đầu tư cần xem xét toàn diện và đánh giá các yếu tố khác trước khi quyết định đầu tư.

      Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu chỉ số PE là gì và cách sử dụng chỉ số này trong định giá cổ phiếu. Tuy nhiên đối với người mới chưa có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính đầu tư, việc tham khảo trên chỉ số P/E vẫn là vấn đề nan giải. Do đó, để bạn có thể đầu tư tích lũy an toàn nhưng không đòi hỏi phải am hiểu kiến thức chuyên sâu iCopy của TCBS sẽ là một lựa chọn thích hợp. 

      Đây là công cụ giúp các Khách hàng cá nhân (iCopier) tự động sao chép tức thời các giao dịch của một iTrader - nhà đầu tư tài năng tùy chọn. Chỉ cần bấm nút “Sao chép”, iCopier sẽ được hệ thống tự động sao chép tức thời theo các lệnh của iTrader mỗi khi iTrader đặt lệnh và giao dịch (mua hoặc bán) chứng khoán thành công.

      Xem thêm

      Thị trường chứng khoán và áp lực bán gia tăng

      5 phút tổng hợp chiến lược "theo dấu dòng tiền" trong thị trường chứng khoán tháng 4

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K