Quy trình tăng vốn điều lệ và 3 phương án tăng vốn điều lệ cho công ty cổ phần | OneHousing

      Quy trình tăng vốn điều lệ và 3 phương án tăng vốn điều lệ cho công ty cổ phần

      Onehousing image
      6 phút đọc
      22/07/2024
      Công ty cổ phần có thể điều chỉnh tăng vốn điều lệ trong quá trình hoạt động. Dưới đây là quy trình và phương án tăng vốn điều lệ để doanh nghiệp tham khảo.

      Vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp. Nó không chỉ chứng minh năng lực tài chính ban đầu mà còn thể hiện khả năng cam kết của các nhà sáng lập đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Vốn điều lệ càng cao, khả năng vay vốn và mở rộng quy mô của doanh nghiệp càng tốt. Vậy với công ty cổ phần cần phải làm gì khi muốn tăng vốn điều lệ? Cùng tìm hiểu quy trình và các phương án tăng vốn điều lệ trong bài viết dưới đây.

      quy-trinh-tang-von-dieu-le-va-3-phuong-an-tang-von-dieu-le-cho-cong-ty-co-phan-onehousing-1

      Tìm hiểu quy trình và các phương án tăng vốn điều lệ cho công ty cổ phần (Ảnh: Tạp chí Tài chính)

      Vì sao công ty cổ phần thực hiện tăng vốn điều lệ?

      Theo quy định tại Điều 111 - Luật doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14, công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông có thể là cá nhân hay tổ chức. Số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tham gia. 

      Căn cứ theo quy định tại Khoản 34, Điều 4 - Luật doanh nghiệp 2020 cho biết vốn điều lệ là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. (Nguồn: Thư viện pháp luật)

      Trong quá trình hoạt động, công ty cổ phần điều chỉnh tăng vốn điều lệ với mục đích chính là gia tăng năng lực tài chính, mở rộng cơ hội phát triển trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, việc tăng vốn điều lệ còn giúp tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao hạn mức vay ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính. Mức vốn cao thuận lợi khi thực hiện đầu tư, kinh doanh. Hạn chế về sự thâu tóm đối với một số cổ đông/ thành viên ở trong công ty.

      Đồng thời, điều này còn khẳng định sự phát triển của công ty, củng cố niềm tin cho các cổ đông, có được sự tin tưởng từ đối tác, chủ nợ. 

      quy-trinh-tang-von-dieu-le-va-3-phuong-an-tang-von-dieu-le-cho-cong-ty-co-phan-onehousing-2

      Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để nâng cao quy mô sản xuất kinh doanh (Ảnh: Khánh An Law)

      Quy trình tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần

      Đọc tiếp

      Quy trình tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần thường bao gồm các bước sau:

      • Bước 1: Công ty tiến hành đánh giá nhu cầu tăng vốn dựa trên kế hoạch phát triển và mục tiêu kinh doanh của mình.
      • Bước 2: Hội đồng quản trị hoặc Đại hội cổ đông của công ty thống nhất phương án trước khi quyết định tăng vốn.
      • Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ gồm các loại giấy tờ theo Khoản 1, khoản 3 Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
      • Bước 4: Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính.
      • Bước 5: Xem xét hồ sơ
        • Trong vòng 3 - 5 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm xem xét pháp lý của hồ sơ.
        • Nếu thấy hồ sơ hợp lệ sẽ trao Giấy biên nhận cho công ty. Còn nếu hồ sơ bị từ chối sẽ được giải trình nguyên nhân và bổ sung thêm giấy tờ để hoàn thiện.
      • Bước 6: Công bố thông tin tăng vốn điều lệ
        • Trong vòng 30 ngày (tính từ ngày tăng vốn điều lệ), công ty phải công bố thông tin lên Cổng thông tin quốc gia.
        • Hoàn tất thủ tục công bố, Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố sẽ cấp cho phía công ty cổ phần giấy chứng nhận nội dung đăng ký doanh nghiệp.
      • Bước 7: Bổ sung thuế môn bài

      Nếu việc tăng vốn điều lệ làm tăng mức thuế môn bài doanh nghiệp cần:

      • Kê khai và nộp tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế theo mẫu số 08 - mã số thuế ban hành kèm Thông tư số 105/2020/TT-BTC của năm liền kề tiếp theo.
      • Nộp tờ khai thuế môn bài bổ sung cho năm kế tiếp.

      quy-trinh-tang-von-dieu-le-va-3-phuong-an-tang-von-dieu-le-cho-cong-ty-co-phan-onehousing-3

      Việc tăng vốn điều lệ cần tuân thủ các bước theo quy định của pháp luật (Ảnh: Luật Minh Khuê)

      3 phương án tăng vốn điều lệ cho công ty cổ phần

      Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ theo các hình thức sau đây:

      Bán cho cổ đông hiện hữu

      Công ty cổ phần phát hành thêm cổ phiếu và chào bán số lượng cổ phiếu đó cho các cổ đông hiện hữu theo một tỷ lệ và mệnh giá nhất định. Quyết định về loại cổ phần, số lượng cổ phần chào bán của mỗi loại, thời điểm, hình thức và giá bán cho các cổ đông hiện hữu được đưa ra bởi Hội đồng quản trị. 

      Phát hành cổ phiếu ra công chúng

      Công ty cổ phần có thể bán cổ phần hoặc trái phiếu ra công chúng để huy động vốn. Điều này giúp trang trải các khoản thiếu hụt trong hoạt động kinh doanh và hỗ trợ cho việc mở rộng đầu tư chiến lược. 

      Việc phát hành cổ phiếu cho công chúng giúp công ty tăng vốn tự có và không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ trả lợi tức cố định. Nếu công ty đạt doanh thu chưa cao, phương án này cũng giúp giảm nguy cơ phá sản nếu mất khả năng chi trả nợ. Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra lạm phát, các loại cổ phiếu sẽ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.

      Để thực hiện việc phát hành chứng khoán cho công chúng, phía công ty cần tuân thủ các quy định hiện hành và đáp ứng các điều kiện sau:

      • Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký phát hành cổ phiếu ra công chúng phải tăng trưởng và có lãi. Doanh nghiệp không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký phát hành.
      • Có kế hoạch phát hành và sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán do Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.
      • Công ty cần cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch có tổ chức trong thời hạn một năm.
      • Mức vốn điều lệ đã góp của công ty tại thời điểm đăng ký chào bán phải từ 10 tỷ đồng trở lên. Mức vốn điều lệ được xác định dựa trên giá trị đã ghi trong sổ kế toán.

      Phát hành cổ phiếu riêng lẻ

      Phía công ty cổ phần phát hành và bán cổ phiếu cho một số đối tượng nhất định, thay vì bán chung cho công chúng. Điều kiện và số lượng phát hành trong trường hợp này cần đạt một mức nhất định.

      Nhiều công ty chọn hình thức phát hành riêng lẻ do không đủ tiêu chuẩn để phát hành cho công chúng, hoặc chỉ cần huy động một số vốn nhỏ. Mục đích là giảm chi phí phát hành, cung cấp cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, duy trì các mối quan hệ kinh doanh.

      Ưu điểm của phát hành riêng lẻ là chi phí thấp hơn so với phát hành công khai, số vốn huy động không lớn. Nếu phát hành ở mức giá cao hơn thị giá, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp chọn mức giá chiết khấu so với thị trường. Cổ phiếu cũng chỉ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm đầu.

      Nhược điểm là số lượng nhà đầu tư tham gia ít hơn so với phát hành công khai. Tỷ lệ pha loãng cổ phiếu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư trên sàn.

      Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp bạn biết được phương án cũng như các bước tăng vốn điều lệ cho công ty cổ phần và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

      Xem thêm

      Kỳ vọng giảm lãi suất tác động thế nào đến cơn sốt đầu cơ tại thị trường chứng khoán Mỹ?

      Nên sử dụng đường SMA hay EMA trong giao dịch tài chính đầu tư chứng khoán?

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K