Tình hiểu mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter qua những kiến thức đầu tư tổng hợp cần biết, giúp tối ưu hóa chiến lược đầu tư và kinh doanh.
Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter là một công cụ quan trọng trong phân tích chiến lược kinh doanh, giúp doanh nghiệp hiểu rõ các yếu tố cạnh tranh chính trong ngành. Đồng thời, việc nắm vững mô hình này cũng là một phần quan trọng trong kiến thức đầu tư tổng hợp, giúp nhà đầu tư đánh giá tiềm năng lợi nhuận và rủi ro của các danh mục đầu tư. Bài viết này sẽ đi vào tìm hiểu ưu điểm và nhược điểm của mô hình này, từ đó áp dụng hiệu quả vào các chiến lược đầu tư và kinh doanh.
Kiến thức đầu tư tổng hợp: Khái niệm mô hình 5 lực lượng cạnh tranh
Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh là công cụ giúp xác định và đánh giá 5 lực lượng cạnh tranh chính ảnh hưởng đến mọi ngành, từ đó xác định điểm mạnh và điểm yếu của ngành. Michael Porter, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, là người phát triển mô hình này.
Michael Porter xác định 5 lực lượng cạnh tranh này bao gồm:
- Đối thủ cạnh tranh cũ (Competitive Rivalry): Phản ánh số lượng các đối thủ và khả năng cạnh tranh trong ngành. Khi có nhiều đối thủ cạnh tranh với sản phẩm, dịch vụ tương đồng, sức mạnh của mỗi doanh nghiệp có thể bị giảm sút. Ngược lại, khi số lượng đối thủ ít hơn thì sức mạnh của doanh nghiệp tăng lên. Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp chủ động áp đặt giá cả và điều khoản hợp đồng thuận lợi hơn, từ đó gia tăng lợi nhuận và doanh thu.
- Đối thủ cạnh tranh mới (Threat of New Entrants): Phản ánh khả năng các công ty mới gia nhập thị trường và tạo ra sự cạnh tranh. Nếu các công ty mới có điều kiện gia nhập thị trường một cách nhanh chóng, các công ty này sẽ trở thành đối thủ đáng gờm, làm suy yếu vị thế của các công ty lâu năm. Ngược lại, nếu một lĩnh vực có quá nhiều rào cản, khó có thể tham gia, thì các công ty lâu năm vẫn có thể giữ vững vị thế như ban đầu.

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter (Ảnh: Value up INSIDE)
- Quyền lực của nhà cung cấp (Power of Suppliers): Là mức độ ảnh hưởng mà nhà cung cấp có thể tác động đến giá cả, nguyên vật liệu và dịch vụ cần thiết cho doanh nghiệp. Khi số lượng nhà cung cấp trong ngành hạn chế hoặc không có sự thay thế dễ dàng, quyền lực của họ có thể gia tăng đáng kể.
Nếu có ít nhà cung cấp, các công ty sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào họ, từ đó nhà cung cấp có thể dễ dàng tăng giá đầu vào và tận dụng lợi thế trong thương mại. Ngược lại, khi có nhiều nhà cung cấp hoặc khi chi phí chuyển đổi nhà cung cấp thấp, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn hơn. Điều này giúp công ty giữ chi phí đầu vào ở mức thấp, từ đó có thể tối ưu hóa lợi nhuận và tăng cường khả năng đàm phán.
- Sức mạnh của khách hàng (Power of Buyers/Customers): Đề cập đến khả năng của khách hàng trong việc yêu cầu giảm giá hoặc đòi hỏi các điều kiện mua sắm thuận lợi hơn. Khi số lượng khách hàng ít và có nhiều nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự, khách hàng có thể đạt được quyền lực đàm phán cao. Trong trường hợp này, các khách hàng có thể yêu cầu giá thấp hơn hoặc các điều kiện tốt hơn, vì sự khác biệt giữa các sản phẩm hoặc dịch vụ không lớn.
- Sự đe dọa của sản phẩm thay thế (Threat of Substitute Products): Đề cập đến khả năng của các sản phẩm hoặc dịch vụ khác có thể thay thế các sản phẩm hoặc dịch vụ hiện tại. Khi có nhiều lựa chọn thay thế, sức ép lên giá cả sẽ gia tăng, và doanh số bán hàng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hoặc dịch vụ độc quyền, không có sản phẩm thay thế tương tự, sẽ có lợi thế trong việc duy trì giá cả và đạt được các điều khoản hợp đồng có lợi. Tuy nhiên, nếu tồn tại nhiều sản phẩm thay thế, chỉ cần có sự khác biệt nhỏ về giá, khách hàng có thể chuyển sang mua hàng từ đối thủ cạnh tranh. Điều này làm giảm quyền lực của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến doanh thu.
Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Porter có thể áp dụng cho mọi ngành nghề và phân khúc. Việc phân tích năm lực lượng này giúp xác định cấu trúc ngành và chiến lược của công ty, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ mức độ cạnh tranh trong ngành và cải thiện khả năng sinh lời bền vững.
Ưu và nhược điểm của mô hình 5 lực lượng cạnh tranh
Cũng như nhiều công cụ phân tích khác, mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter cũng có những ưu điểm và nhược điểm cần cân nhắc khi áp dụng vào thực tế.
Ưu điểm của mô hình 5 lực lượng cạnh tranh
- Mô hình hỗ trợ xác định những yếu tố quan trọng nhất trong ngành, chẳng hạn như nhà cung cấp, khách hàng hay đối thủ cạnh tranh. Các công ty có thể dựa vào thông tin này để xây dựng chiến lược phù hợp nhằm xử lý và tối ưu hóa các yếu tố đó.
- Mô hình giúp các nhà quản trị có cái nhìn sâu sắc về điểm mạnh và điểm yếu của công ty, tạo cơ sở vững chắc để đưa ra các quyết định chiến lược.
- Mô hình cung cấp cái nhìn tổng quan về toàn bộ ngành nghề, từ đó giúp các nhà hoạch định chiến lược xác định các yếu tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng đến vị thế của doanh nghiệp trong ngành.
- Mô hình hỗ trợ các nhà quản trị xem xét cấu trúc của ngành một cách toàn diện, từ đó tìm ra những cơ hội tiềm năng để thu hút nhà cung cấp, khách hàng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của công ty trong tương lai.

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh là công vụ quan trọng cho các nhà hoạch định chiến lược (Ảnh: Việt Sky)
Nhược điểm của mô hình 5 lực lượng cạnh tranh
- Mô hình chỉ tập trung vào năm yếu tố cơ bản như nhà cung cấp, khách hàng, sản phẩm thay thế, cạnh tranh mới và cạnh tranh cũ. Các yếu tố quan trọng khác như sự phát triển công nghệ và các chiến lược kinh doanh thì không được đề cập.
- Mô hình không cung cấp phương pháp định lượng để đánh giá mức độ tác động của năm lực lượng. Không có cơ sở để xác định mức độ quan trọng của từng yếu tố, từ đó không thể kết luận yếu tố nào là quan trọng nhất hay kém quan trọng hơn.
- Đối với các công ty có danh mục sản phẩm rộng lớn hoặc hoạt động trên nhiều phân khúc thị trường khác nhau, việc áp dụng mô hình 5 lực lượng có thể gặp khó khăn và không đạt hiệu quả.
- Mô hình không thể áp dụng cho mọi ngành nghề, đặc biệt là các công ty phi lợi nhuận hay các công ty tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Các doanh nghiệp này có thể không thu được lợi ích từ mô hình.
- Mô hình không xem xét các yếu tố rủi ro trong kinh doanh như biến động tỷ giá hối đoái, thiên tai, phương thức tài trợ, quy định pháp lý, sự phát triển công nghệ, và biến động lãi suất. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp nhưng không được đề cập trong mô hình này.
Kiến thức đầu tư tổng hợp: Ví dụ thực tế về mô hình 5 lực lượng cạnh tranh
Sau đây là ví dụ về mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của sàn thương mại điện tử Shopee tại Việt Nam:
- Đối thủ cạnh tranh cũ: Shopee đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ lớn, trong đó Lazada là đối thủ chính. Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng thương mại điện tử từ Trung Quốc như 1688, Shein và Taobao cũng đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Đặc biệt, giới trẻ, vốn am hiểu công nghệ, đã quen thuộc với việc sử dụng các ứng dụng mua sắm quốc tế.
- Đối thủ cạnh tranh mới: Ngành thương mại điện tử đang thu hút nhiều nhà đầu tư mới, làm gia tăng mức độ cạnh tranh. Một ví dụ đáng chú ý là TikTok Shop, với lượng người dùng đông đảo và khả năng tiếp cận khách hàng dễ dàng, đang nhanh chóng gia tăng số lượng người mua và trở thành một đối thủ tiềm năng của Shopee.
- Quyền lực của nhà cung cấp: Đối với các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Shopee, khả năng thương lượng với nhà cung cấp có thể bị hạn chế. Do có nhiều nhà cung cấp từ khắp nơi trên thế giới, việc mất một nhà cung cấp sẽ không gây ảnh hưởng lớn, vì sẽ luôn có các nhà cung cấp khác để thay thế.
- Sức mạnh của khách hàng: Để giữ chân khách hàng và cạnh tranh với các đối thủ, Shopee thường xuyên đưa ra nhiều mã giảm giá và ưu đãi. Chính sách này nhằm thu hút và duy trì khách hàng trong khi các đối thủ cũng đang cố gắng chiếm lĩnh thị trường.
- Sự đe dọa của sản phẩm thay thế: Các thương hiệu nổi tiếng, cả trong nước và quốc tế, đã tạo lập trang web và ứng dụng riêng cho mình, cùng với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Điều này khiến khách hàng có thể mua hàng trực tiếp từ các thương hiệu này thay vì qua Shopee, nơi phải trả phí hoa hồng. Các chuỗi cửa hàng như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và FPT Shop cũng có trang web và chính sách khuyến mãi riêng, làm giảm sự phụ thuộc vào Shopee.

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh là một trong những kiến thức đầu tư tổng hợp quan trọng (Ảnh: Value up INSIDE)
Như vậy, mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter là một phương pháp giúp phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trong ngành. VIệc hiểu và áp dụng mô hình này là một phần quan trọng trong kiến thức đầu tư tổng hợp, giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp định hình chiến lược hiệu quả và phản ứng kịp thời trước các thách thức.
Xem thêm
Có bao nhiêu loại hợp đồng kinh doanh bất động sản theo quy định tại luật kinh doanh bất động sản sửa đổi?
Sử dụng tỷ lệ vàng - dầu như một chỉ báo mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư?