Làm việc với kiến trúc sư: những điều bạn cần biết

      Làm việc với kiến trúc sư: những điều bạn cần biết

      Onehousing image
      13/06/2022
      Tìm kiếm kiến trúc sư không khó, tuy nhiên gia chủ cần biết cách đặt vấn đề và trình bày nhu cầu của mình, để đảm bảo kiến trúc sư có thể tư vấn chính xác và đưa ra được phương án hiệu quả nhất cho ngôi nhà trong mơ.

      Mức độ hiệu quả và tiết kiệm chi phí thi công đến đâu, tuỳ khá nhiều vào cách gia chủ lựa chọn và tham vấn với KTS: với một đề bài sai, chắc chắn những gì nhận được là một ngôi nhà không ưng ý. Hãy lưu ý những điều sau khi làm việc với đơn vị thiết kế:

      Làm việc với KTS là một quá trình đòi hỏi nhiều chú ý từ cả hai phía, đặc biệt là từ chủ nhà

      Ảnh: AD Magazine

      Hiểu rõ nhu cầu của bản thân về ngôi nhà tương lai

      Yếu tố quan trọng nhất khi làm việc với kiến trúc sư chính là việc bạn phải hiểu và chia sẻ được những yêu cầu tối thiểu bạn cần trong căn nhà của mình: với vai trò là người sẽ sử dụng căn nhà trong thời gian dài, chỉ có gia chủ mới thực sự hiểu được điều đó. Bạn muốn có một ngôi nhà với hình thức kiến trúc, không gian nội thất theo trường phái hay ngôn ngữ nào (hiện đại, tân cổ điển hay cổ điển...).Đâu là những ưu tiên hàng đầu, đâu là công năng phụ thêm? Đâu là không gian sinh hoạt tối cần thiết, đâu là không gian đặc biệt phụ trội có thể cân nhắc?

      Mỗi gia chủ sẽ có những nhu cầu khác nhau, người thích tiện nghi hưởng thụ cuộc sống “chill” sẽ khác với người thực dụng, chỉ cần đáp ứng tốt công năng. Chính vì vậy, hãy đảm bảo mình thực sự “hiểu rõ bản thân” trước khi gặp KTS để khởi tạo đề bài. Và hãy nhớ rằng, quy hoạch căn nhà theo nhu cầu của mình quan trọng hơn phong cách trường phái nội thất!

      Khi chọn được kiến trúc sư phù hợp, cần trao đổi rõ về chi tiết dự án cũng như khả năng tài chính và sở thích cá nhân như muốn ban công rộng ra sao, căn bếp theo phong cách nào... Tất cả cần được trao đổi rõ ràng.

      Ảnh: AD Magazine

      Xác định chi phí và tham khảo thị trường

      Cần liệt kê bảng chi tiết mô tả nhu cầu của bạn và các thành viên trong gia đình, cũng như ghi chép các đề mục để trình bày những ý tưởng trang trí của mình đầy đủ và cụ thể nhất. Bên cạnh đó, cũng đừng quên xác định năng lực tài chính của bản thân, cũng như tham khảo các hình mẫu tương tự với những nhu cầu của bản thân trên thị trường hiện có. Việc này sẽ giúp bạn có được một hình dung cơ bản về những gì mình có thể làm, trước khi tiến tới bàn bạc với KTS để tránh được những “mộng ước” có phần quá xa vời. Có những chi phí “cứng” như chi phí thiết kế, xây dựng thô tính theo m2, cũng có những chi phí “linh động” như nội thất, trang trí… tuỳ theo từng yêu cầu khác nhau.

      Nhìn chung, những thông tin này cần thời gian nghiên cứu, chắt lọc và bàn bạc với thành viên khác trong gia đình. Vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ trước khi tiến hành xây nhà. Nên có khoảng thời gian từ sáu tháng đến một năm chuẩn bị, lên kế hoạch chi tiết trước khi gặp gỡ kiến trúc sư.

      Đôi khi, những tưởng tượng ban đầu của gia chủ lại bao gồm những điều bất hợp lý. Đó là lúc cần KTS tham gia để đưa các điều chỉnh chuyên môn.

      Ảnh: AD Magazine

       Nguyên tắc chung khi làm việc với KTS: cách đưa yêu cầu, quy trình làm việc

      Sau khi xác định được nhu cầu, công năng và chi phí dự kiến, hãy trao đổi tỉ mỉ và rành mạch với KTS – bao gồm cả tính cách, văn hoá gia đình và thói quen sinh hoạt. Những điều này sẽ giúp KTS có thể tối ưu được thiết kế đáp ứng nhu cầu của bạn, trên cơ sở của đặc điểm mảnh đất/ căn hộ sẵn có cũng như chi phí của bạn. Tuy nhiên, hãy trao đổi trên cơ sở chia sẻ nguyện vọng và nhu cầu, cũng như đề xuất các hình mẫu bạn đã tham khảo thay vì áp đặt đề bài, bởi KTS sẽ là người nghiên cứu và điều chỉnh giải pháp sao cho tốt nhất, thay vì chỉ đơn giản là ghép các yêu cầu lại với nhau.

      Quy trình làm việc thông thường từ lúc gặp KTS sẽ như sau:

      • Trao đổi về đề bài: nhu cầu, ngân sách của chủ nhà và đặc điểm hiện trạng căn hộ
      • Tổng hợp những ý kiến, yêu cầu của bạn và với những gì thực tế đang có, kiến trúc sư sẽ lên ý tưởng sơ bộ về mặt bằng (layout) một cách tối ưu. 
      • Sau khi xác nhận layout sơ bộ, KTS sẽ triển khai layout chi tiết bao gồm nội thất, cùng với bản vẽ 3D.
      • Hoàn thiện layout chi tiết tương đương với việc hoàn thiện 70% thiết kế. Phần còn lại là triển khai thiết kế bản vẽ kỹ thuật bao gồm kiến trúc, kết cấu và điện nước để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ thiết kế.

      Thông thường một công trình từ lúc lên ý tưởng cho đến hoàn thành hồ sơ thiết kế từ 30-40 ngày. Thời gian này giúp bạn chuẩn bị kinh tế, chỗ ở tạm thời... cho khoảng thời gian xây nhà sắp tới. Các hạng mục liên quan đến lựa chọn chi tiết vật tư, hay tìm kiếm nhà thầu xây dựng sẽ tuỳ thuộc việc bạn thuê ngoài (KTS giám sát) hay KTS thi công trọn gói.

      Nên tìm hiểu trước các phong cách kiến trúc, công năng của mỗi không gian, phong thủy hoặc ý tưởng riêng của bạn. Như thế cuộc nói chuyện với kiến trúc sư sẽ trở nên rõ ràng, cụ thể hơn.

      Ảnh: Depositphoto

      Không nên quá tham lam khi gom quá nhiều tiện ích hoặc nhiều cái đẹp vào trong yêu cầu của mình. Bởi yếu tố thẩm mỹ được dựa trên sự hài hòa và hợp lý của tổng thể. Không phải những gì bạn muốn đều có thể phù hợp và thực hiện một cách trọn vẹn. Hãy tôn trọng chuyên môn của KTS, để có thể đạt được kết quả tốt nhất.

      Với các gia chủ không có nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu về thị trường cũng như hồ sơ năng lực KTS, đừng quên tìm đến sự hỗ trợ của các nền tảng chuyên nghiệp như OneHousing. Thông qua các tư vấn từ ProAgent và thông tin cập nhật hàng ngày, các gia chủ có thể lựa chọn được KTS phù hợp cho mình, cũng như tham khảo thư viện ý tưởng đa dạng đến từ các chuyên gia trong và ngoài nước.

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K