Việc triển khai hàng loạt sân bay mới trên cả nước như sân bay Gia Bình và sân bay Long Thành, đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông. Đây không chỉ là bước tiến về kết nối vùng mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế địa phương. Hệ thống sân bay hiện đại hứa hẹn thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông quốc gia giai đoạn 2024 - 2030, hai dự án sân bay lớn – sân bay Long Thành ở phía Nam và sân bay Gia Bình ở phía Bắc – đang nổi lên như những điểm sáng tiêu biểu.
Cả hai đều không chỉ mang giá trị về giao thông mà còn được định vị như đòn bẩy phát triển kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mới cho khu vực và cả nước.
Khởi công từ đầu năm 2021, sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đang trong giai đoạn hoàn thiện những hạng mục quan trọng đầu tiên. Với tổng vốn đầu tư 336.630 tỷ đồng, đây là dự án sân bay có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Giai đoạn 1 dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2026, với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Sân bay Long Thành đang đẩy nhanh tiến độ để đưa giai đoạn 1 vào khai thác từ năm 2026 (Ảnh: Báo Chính Phủ)
Tính đến giữa năm 2025, tiến độ dự án đang được thúc đẩy đáng kể. Đường băng số 1 đã hoàn tất hệ thống điện và chiếu sáng, sẵn sàng cho bay hiệu chuẩn. Đặc biệt, Bộ Xây dựng xác nhận đường băng thứ hai sẽ chính thức khởi công trong tháng 5/2025 và hoàn thiện trong vòng 12 tháng, đảm bảo đồng bộ khi đi vào khai thác nửa đầu năm 2026.
Khi hoàn chỉnh cả 3 giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, với 4 đường cất hạ cánh cùng hệ thống nhà ga và hạ tầng phụ trợ đạt chuẩn quốc tế.
Trong khi Long Thành gánh vác vai trò đầu mối khu vực phía Nam, thì sân bay Gia Bình đang được quy hoạch như một mắt xích quan trọng ở miền Bắc. Được khởi công vào tháng 12/2024 tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, sân bay này được xây dựng trên nền một cơ sở quân sự cũ và hiện đang trong quá trình chuyển đổi thành cảng hàng không dân dụng hiện đại.
Dự án có diện tích khoảng 125ha, cách sân bay Nội Bài chỉ 40km, cho phép chia sẻ áp lực vận hành ngày càng lớn từ cảng hàng không Thủ đô. Với mức đầu tư ước khoảng 31.300 tỷ đồng, sân bay Gia Bình dự kiến đạt cấp 4E – tương đương với khả năng tiếp nhận các loại tàu bay thân rộng như B777, B787 và A350.
Sân bay Gia Bình được quy hoạch thành cảng hàng không dân dụng chiến lược phía Bắc (Ảnh: Báo Chính Phủ)
Giai đoạn đến 2030, sân bay này có thể phục vụ 5 triệu hành khách và 250.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến 2050, công suất có thể tăng gấp ba lần, đạt 15 triệu hành khách và 1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Việc phát triển sân bay Gia Bình không chỉ góp phần thúc đẩy năng lực hàng không khu vực, mà còn mang lại cơ hội lớn về logistics và đầu tư công nghiệp cho Bắc Ninh – một trong những trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu cả nước.
Trong bối cảnh nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa ngày càng tăng cao, đặc biệt từ thị trường quốc tế, việc mở rộng sân bay Phú Quốc không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Dự án nâng cấp này được xác định là yếu tố then chốt trong chiến lược đưa đảo ngọc trở thành trung tâm hàng không - du lịch - thương mại quốc tế, cạnh tranh trực tiếp với các điểm đến hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo quy hoạch đã được Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất công bố, dự án nâng cấp sân bay Phú Quốc sẽ diễn ra theo hai giai đoạn, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 50.000 tỷ đồng.
Giai đoạn đầu (đến năm 2030) sẽ tập trung nâng công suất từ 4 triệu lên 18 triệu hành khách mỗi năm. Giai đoạn tiếp theo hướng tới mục tiêu đầy tham vọng: phục vụ tới 50 triệu lượt hành khách vào năm 2050.
Dự án nâng cấp sân bay Phú Quốc đặt mục tiêu trở thành trung tâm hàng không quốc tế (Ảnh: Dân Trí)
Đây là mức công suất tương đương với các sân bay quốc tế lớn như Changi (Singapore) giai đoạn đầu, phản ánh đúng tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Phú Quốc trong vai trò một cực tăng trưởng mới về hàng không và du lịch của Việt Nam.
Không chỉ tăng quy mô, sân bay Phú Quốc còn được định hướng trở thành công trình biểu tượng. Nhà ga hành khách chính được thiết kế dựa trên hình ảnh chim phượng hoàng – biểu trưng cho sự tái sinh và thịnh vượng – do CPG Consultants (Singapore) thực hiện. Trong khi đó, nhà ga VVIP lấy cảm hứng từ cá đại bàng biển, do kiến trúc sư người Ý Marco Casamonti đảm nhận.
Các công nghệ mới như nhận diện sinh trắc học, check-in từ xa, hệ thống xử lý hành lý tự động... sẽ được áp dụng đồng bộ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm hành khách. Thời gian làm thủ tục dự kiến chỉ còn 15-30 giây mỗi lượt – mức tiệm cận các sân bay hàng đầu thế giới.
Việc nâng cấp sân bay Phú Quốc không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao, mà còn phục vụ sự kiện quan trọng – Hội nghị APEC 2027, nơi Việt Nam là nước chủ nhà. Điều này đòi hỏi hạ tầng sân bay phải đạt tiêu chuẩn cao nhất, từ phòng chờ nguyên thủ quốc gia đến hệ thống an ninh, điều hành bay và logistics.
Trong bối cảnh đó, Phú Quốc được đặt vào vị trí chiến lược tương tự như sân bay Long Thành ở miền Nam hay sân bay Gia Bình tại miền Bắc – những dự án đang dẫn đầu xu thế “nâng cấp có chọn lọc”, vừa hiện đại hóa, vừa tạo bản sắc riêng biệt.
Nếu sân bay Long Thành hướng đến trung chuyển quốc tế quy mô lớn, còn sân bay Gia Bình đảm nhận vai trò hỗ trợ Nội Bài và phát triển vùng thủ đô, thì sân bay Phú Quốc sẽ trở thành cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với châu Âu, Đông Bắc Á và các thị trường xa như Mỹ.
Trong khi các sân bay quy mô lớn như sân bay Long Thành ở phía Nam hay sân bay Gia Bình tại miền Bắc giữ vai trò là đầu tàu trung chuyển và chia tải cho các đô thị trung tâm, thì mạng lưới sân bay địa phương sắp được khởi công lại mang ý nghĩa khác.
Sân bay Sapa là một điểm sáng đáng chú ý tại khu vực Tây Bắc. Dự án này được xây dựng tại xã Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai), với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng theo mô hình đối tác công tư (PPP). Với công suất hướng tới 3 triệu lượt khách mỗi năm trong giai đoạn đầu.
Trong khi đó, sân bay Măng Đen (Kon Tum) lại là bước đi chiến lược nhằm khai thác tiềm năng du lịch cao nguyên. Dự án này có công suất thiết kế khoảng 1 triệu hành khách/năm, nằm tại khu vực không có địa hình núi cao phức tạp, thuận lợi cho xây dựng và vận hành.
Sân bay Măng Đen được quy hoạch như điểm kết nối chiến lược giúp khai thác tiềm năng du lịch vùng cao nguyên (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)
Tại miền Trung, sân bay Quảng Trị và sân bay Vân Phong tiếp tục thể hiện định hướng phát triển hàng không trải đều trên các trục Bắc - Trung - Nam. Cụ thể, sân bay Quảng Trị hướng đến công suất 5 triệu hành khách/năm với khả năng đón máy bay tầm trung và dài, đồng thời hỗ trợ đón các chuyến bay quốc tế không thường lệ.
Còn sân bay Vân Phong - với vị trí chiến lược ven biển Khánh Hòa - được quy hoạch hiện đại, có khả năng tiếp nhận máy bay thân rộng như A350 hoặc B787, phục vụ cả hàng hóa và khách du lịch quốc tế.
Không chỉ giải quyết bài toán giao thông hàng không cục bộ, các dự án sân bay địa phương còn là đòn bẩy quan trọng để kích hoạt làn sóng đầu tư du lịch, thương mại và hạ tầng phụ trợ. Ví dụ, với việc hình thành sân bay Sapa, du khách từ Đông Nam Á, Trung Quốc hay châu Âu có thể bay thẳng tới điểm đến thay vì quá cảnh qua Hà Nội rồi di chuyển hàng trăm km đường bộ.
Tương tự, các sân bay như Măng Đen và Quảng Trị giúp giảm sự lệ thuộc vào các sân bay lớn hiện hữu như Đà Nẵng, Chu Lai hay Phù Cát, đồng thời mở rộng khả năng khai thác của các hãng hàng không và hệ sinh thái logistics khu vực.
Phối cảnh sân bay Sapa giữa vùng núi Tây Bắc, hứa hẹn trở thành điểm đến trực tiếp cho du khách quốc tế (Ảnh: Tạp chí Hàng không)
Đặc biệt, những sân bay này còn có vai trò hỗ trợ gián tiếp cho các đầu mối chính như sân bay Long Thành, nơi sẽ tập trung chủ yếu vào trung chuyển quốc tế và vận tải hàng hóa quy mô lớn. Mạng lưới các sân bay cấp 4C và 4E như Gia Bình, Sapa, Quảng Trị hay Vân Phong sẽ đóng vai trò vệ tinh, tạo luồng đi – đến hợp lý giữa các đô thị, vùng sâu vùng xa và các cửa ngõ quốc tế.
Sự xuất hiện của hàng loạt sân bay mới đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong chiến lược phát triển hạ tầng quốc gia. Từ sân bay Long Thành đến sân bay Gia Bình, mỗi dự án không chỉ giải bài toán giao thông mà còn mở ra không gian kinh tế mới cho các vùng đất tiềm năng.
Xem thêm
Dự án mở rộng đường Võ Chí Công: Tăng cường trục giao thông phía Đông TP. HCM
Dự án mở rộng đường Võ Chí Công: Tăng cường trục giao thông phía Đông TP. HCM