Giá trị tài sản ròng (NAV) của chứng chỉ quỹ được tính như thế nào?

      Giá trị tài sản ròng (NAV) của chứng chỉ quỹ được tính như thế nào?

      Onehousing image
      6 phút đọc
      13/01/2025
      Giá trị tài sản ròng (NAV) của chứng chỉ quỹ được tính thế nào? Tìm hiểu công thức, ứng dụng và yếu tố ảnh hưởng đến NAV trong đầu tư chứng chỉ quỹ.

      Khi đầu tư chứng chỉ quỹ, giá trị tài sản ròng (Net Asset Value - NAV) là một khái niệm quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của một quỹ đầu tư. Vậy cụ thể giá trị tài sản ròng (NAV) của chứng chỉ quỹ là gì và phải tính toán như thế nào cho chính xác? Cùng tìm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây. 

      Giá trị tài sản ròng (NAV) của chứng chỉ quỹ là gì?

      NAV - Net Asset Value, hay giá trị tài sản ròng, là chỉ số phản ánh giá trị ròng của một chứng chỉ quỹ (hoặc cổ phiếu), được sử dụng rộng rãi để đánh giá hiệu quả hoạt động và giá trị thực tế của tài sản mà quỹ đang sở hữu. 

      NAV đại diện cho giá trị của tổng tài sản mà quỹ đang nắm giữ, sau khi đã trừ đi các khoản nợ phải trả. Thông qua NAV, bạn có thể xác định giá trị thuần của tài sản công ty hoặc nhà đầu tư cá nhân, từ đó đánh giá liệu giá trị thực của công ty có phù hợp với những gì được thể hiện hay không. 

      Giá trị tài sản ròng NAV là chỉ số đánh giá giá trị thực tế của tài sản mà một quỹ đầu tư đang sở hữu (Ảnh: DNSE) 

      Cũng chính vì điều này mà NAV đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phân tích và so sánh giá trị giữa các quỹ đầu tư khác nhau.

      Công thức tính NAV 

      Để tính giá trị tài sản ròng NAV của một quỹ đầu tư, ta sử dụng công thức:

      NAV của quỹ = Tổng giá trị tài sản - Tổng nợ phải trả của quỹ 

      Để tính giá trị tài sản ròng NAV của một chứng chỉ quỹ, ta sử dụng công thức: 

      NAV của chứng chỉ quỹ = NAV của quỹ / Tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành

      Trong đó, tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành được tính tại thời điểm cuối ngày giao dịch gần nhất trước ngày định giá (theo báo cáo của đại lý chuyển nhượng). 

      Ví dụ, nếu một công ty có tổng giá trị tài sản là 10.500 tỷ đồng, tổng nợ là 1 tỷ đồng và đang lưu hành 660 triệu chứng chỉ quỹ, NAV sẽ được tính như sau:

      • NAV của quỹ = 10.500 tỷ - 1 tỷ = 10.499 tỷ đồng
      • NAV của một chứng chỉ quỹ = 10.499 tỷ / 660 triệu = 15.907 đồng. 

      Giá trị tài sản ròng (NAV) của một quỹ đầu tư chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ sự biến động của giá trị tài sản gốc đến các quyết định quản lý quỹ.

      Đầu tiên, lợi nhuận hoặc lỗ phát sinh từ các khoản đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi giá trị tài sản gốc hoặc lợi nhuận từ các khoản đầu tư cơ bản của quỹ tăng, NAV sẽ tăng. Ngược lại, trong thời kỳ thị trường sụp đổ, giá trị của một chứng chỉ quỹ mà quỹ nắm giữ giảm cũng kéo NAV giảm theo.

      Các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị tài sản ròng NAV của chứng chỉ quỹ (Ảnh: Tien Invest) 

      Bên cạnh đó, những tài sản chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của quỹ sẽ đồng thời tác động mạnh đến NAV. Nếu những tài sản này giảm giá, NAV sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể, trong khi các tài sản chiếm tỷ trọng nhỏ lại ít tác động hơn. 

      Các chi phí hoạt động, chẳng hạn như phí quản lý, là yếu tố tiếp theo ảnh hưởng đến giá trị tài sản ròng NAV, do chúng được khấu trừ trực tiếp từ giá trị tài sản quỹ. Việc chi trả cổ tức cũng khiến NAV giảm (mức giảm tỷ lệ thuận với phần trăm cổ tức được chi trả).

      Yếu tố cuối cùng là sự tham gia của các nhà đầu tư. Khi một nhà đầu tư rút vốn ở mức NAV cao thì giá trị NAV chung của quỹ sẽ giảm đối với những nhà đầu tư còn lại. Ngược lại, sự tham gia của nhà đầu tư mới ở mức NAV thấp cũng làm giảm giá trị NAV trung bình của quỹ. 

      Sự khác biệt giữa NAV và giá thị trường của chứng chỉ quỹ

      Giá trị tài sản ròng NAV và giá thị trường của chứng chỉ quỹ tuy đều đại diện cho giá trị của một khoản đầu tư, nhưng có sự khác biệt rõ rệt về cách tính toán và yếu tố ảnh hưởng. 

      NAV phản ánh giá trị sổ sách của một đơn vị quỹ, phụ thuộc chủ yếu vào tổng tài sản ròng và các khoản nợ của quỹ, thay vì chịu tác động của cung cầu trên thị trường. NAV chỉ thay đổi khi giá trị của các chứng khoán cơ sở mà quỹ nắm giữ tăng hoặc giảm (hoặc khi quỹ thực hiện chi trả cổ tức). 

      Ngược lại, giá thị trường của chứng chỉ quỹ phụ thuộc vào lực lượng cung và cầu, biến động dựa trên tâm lý nhà đầu tư, tình hình thị trường và các yếu tố bên ngoài như biến động kinh tế hoặc bất ổn địa chính trị.

      NAV phản ánh giá trị nội tại của một quỹ trong khi giá chứng chỉ quỹ bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thị trường (Ảnh: Infina) 

      Một điểm khác biệt đáng chú ý nữa là NAV mang tính ổn định hơn và phản ánh giá trị thực tế của tài sản quỹ, trong khi giá thị trường của chứng chỉ quỹ có thể cao hơn hoặc thấp hơn NAV, tùy thuộc vào mức độ kỳ vọng của nhà đầu tư. Do đó, NAV thường được sử dụng để đánh giá giá trị nội tại của quỹ, còn giá thị trường lại là yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của nhà đầu tư. 

      Ứng dụng NAV trong đầu tư và theo dõi hiệu suất

      NAV đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và quản lý hiệu quả các khoản đầu tư. 

      NAV được sử dụng làm cơ sở để nhà đầu tư xác định quỹ đầu tư có hiệu quả và đáng tin hay không (Ảnh: Anfin) 

      Cụ thể:

      • NAV cung cấp thông tin về giá trị thực tế của tài sản quỹ sau khi đã trừ đi các khoản nợ phải trả. Đây là cơ sở để nhà đầu tư đánh giá giá trị nội tại của một quỹ, giúp họ xác định liệu quỹ đó có đáng để đầu tư hay không.
      • NAV là một công cụ hữu ích để so sánh hiệu suất hoạt động của các quỹ đầu tư khác nhau. Bằng cách theo dõi sự biến động của NAV theo thời gian, nhà đầu tư có thể đánh giá khả năng sinh lời và mức độ tăng trưởng của từng quỹ, từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.
      • NAV thay đổi phản ánh sự tăng hoặc giảm giá trị tài sản mà quỹ đang nắm giữ. Điều này giúp nhà đầu tư theo dõi được mức độ tăng trưởng hoặc sụt giảm giá trị tài sản của quỹ theo thời gian, từ đó đánh giá được hiệu quả quản lý danh mục đầu tư của quỹ.
      • NAV là giá trị sổ sách của chứng chỉ quỹ và thường là cơ sở để xác định giá mua hoặc giá bán khi giao dịch. Nhà đầu tư có thể dựa vào NAV để đưa ra quyết định thời điểm tham gia hoặc rút vốn khỏi quỹ một cách hợp lý.
      • Đối với nhà đầu tư cá nhân sở hữu nhiều chứng chỉ quỹ, NAV là công cụ giúp họ định giá tổng tài sản đầu tư của mình, theo dõi hiệu suất tổng thể và đưa ra quyết định điều chỉnh danh mục đầu tư nếu cần thiết.

      Tóm lại, NAV không chỉ là thước đo quan trọng để định giá chứng chỉ quỹ mà còn là công cụ hiệu quả để theo dõi hiệu suất đầu tư. Hiểu rõ bản chất và cách tính toán NAV, nhà đầu tư có thể xây dựng chiến lược đầu tư chứng chỉ quỹ dài hạn, đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận một cách bền vững nhất.

      Xem thêm

      Làm thế nào để lập kế hoạch đầu tư định kỳ qua quỹ mở?

      Vì sao chứng chỉ quỹ phù hợp cho người mới bắt đầu?

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K