Chuyên gia giáo dục: “Hãy xây nhà bằng con mắt của trẻ nhỏ”

      Chuyên gia giáo dục: “Hãy xây nhà bằng con mắt của trẻ nhỏ”

      Onehousing image
      10 phút đọc
      20/10/2022
      Tại sao có những người lớn lên trong căn nhà nguy nga lại chỉ muốn quên chúng đi; còn có những người mãi nhớ về căn nhà nhỏ bé cũ nát thời thơ ấu, như một chốn địa đàng?

      Sau một thời gian dài làm việc tại Đại học công nghệ Vienna, Đại học Liverpool và Đại học Quốc gia Singapore, trong hơn một thập kỷ qua, tiến sĩ Giáp Văn Dương theo đuổi việc xây dựng triết lý giáo dục “Chân-Thiện-Mỹ-Hòa” tại Việt Nam. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng giáo dục của Hệ thống Times School. Với vô vàn bài học từ việc xây dựng nhiều trường tiểu học, tiến sĩ Dương chia sẻ với độc giả OneHousing về cách kiến tạo không gian cho trẻ nhỏ.

      Ai đã từng có con, ắt hẳn đã cảm nhận được những khó khăn trong việc sắp xếp phòng ốc, tổ chức không gian nghỉ ngơi, học và chơi dành cho trẻ nhỏ.

      Thoạt nhìn, việc này có vẻ rất dễ. Nhưng nếu đã trải qua và nếu suy nghĩ thật kĩ, ta sẽ nhận ra, việc tổ chức không gian cho trẻ nhỏ này thật ra không đơn giản chút nào.

      Không đơn giản thì có nghĩa là phức tạp. Đến mức nào? Đến mức nhiều gia đình không thể tổ chức được một không gian riêng cho con trẻ, dù còn phòng ốc bỏ không.

      Không gian của con trộn lẫn vào không gian của cha mẹ. Và do đó, cuộc sống của con cũng trộn lẫn vào cuộc sống của cha mẹ. Tất cả xoắn hết vào nhau, vừa quấn quýt vừa ngộp thở.

      Vậy đâu là lý do của hiện tượng này?

      Đầu tiên, là vì vai trò trung tâm của trẻ nhỏ trong gia đình không được gọi tên và thường xuyên bị quên lãng. Khi chọn nhà, ta làm việc đó như là việc của mình – những người lớn - hoàn thành mục tiêu mua nhà mà ta hằng ấp ủ. Nhưng khi sử dụng nhà, thì nhà của ta trở thành nhà của con, vì mọi hoạt động diễn ra trong ngôi nhà thường xoay quanh hoạt động của trẻ nhỏ. Nhưng sự thật này thường xuyên bị quên lãng, nên không gian dành cho trẻ nhỏ thường xuyên bị xử lý theo kiểu được chăng hay chớ, vừa tạm bợ vừa không an toàn.

      Thứ hai là trẻ nhỏ thường không được tham gia vào quá trình thiết kế và tổ chức không gian của chính mình. Lý do, thường diễn ra dưới dạng ngầm định, là trẻ con thì “biết gì mà ý kiến ý cò”. Trẻ con cũng không có khả năng mô tả chính xác nhu cầu ổn định và mong muốn chính đáng của mình. Một phần vì thiếu hụt tri thức và ngôn ngữ, một phần vì đối với trẻ nhỏ, những thứ này thường thay đổi liên tục theo cảm xúc và tình huống.

      Thứ ba là tính đa dụng, đa mục đích của không gian dành cho trẻ nhỏ làm cho việc tổ chức không gian thành ra khó khăn. Với người lớn, mỗi không gian đều có một mục đích sử dụng chính, nên việc bài trí cũng thường khá dễ dàng và mạch lạc. Nhưng với trẻ nhỏ, các mục đích sử dụng hòa quyện vào nhau. Trẻ dùng không gian của mình để vừa nghỉ ngơi – học tập – vui chơi, lại vừa như một phòng thí nghiệm văn hóa để trải nghiệm và trưởng thành. 

      Những điều này làm cho việc tổ chức không gian dành cho trẻ nhỏ tưởng dễ mà thực ra khó, thoạt nhìn thì đơn giản mà ngẫm kỹ thì thấy rất phức tạp, động chạm đến rất nhiều mối bận tâm và sự toan tính khác nhau.

      Bằng chứng là hầu hết các gia đình hiện giờ đều chưa tổ chức được một khôn gian thực sự hợp lý dành cho trẻ nhỏ. Và rộng hơn, phần lớn các làng mạc, phố thị… cũng không có được các không gian dành cho trẻ nhỏ.

      Điều đó cho thấy, không chỉ trẻ nhỏ đang bị bỏ quên trong việc thiết kế không gian sống, không gian sinh hoạt trong cả gia đình và cộng đồng, mà việc đầu tư không gian dành cho trẻ nhỏ cũng chưa thực sự là mối bận tâm của người lớn chúng ta.

      Đó là sai lầm của người lớn chúng ta. Và ta sẽ phải trả giá cho sai lầm đó.

      NHÀ CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

      Giả sử bây giờ ta muốn sửa chữa sai lầm này. Tức là, ta có một ngôi nhà và ta muốn tổ chức một không gian dành cho các con mình, thì ta phải làm gì?

      Suy ngẫm, ta sẽ thấy không thể tránh khỏi việc phải xuất phát từ đầu, tức trả lời câu hỏi căn cốt đầu tiên: Nhà có nghĩa là gì đối với trẻ nhỏ?

      Chúng ta phải trả lời câu hỏi này trước khi thiết kế không gian dành cho con trẻ.

      Nếu nghĩ về thời thơ ấu của mình, dù ở miền quê hay thành thị, ta sẽ thấy, nhà không chỉ đơn giản là nơi ta ở.

      Đúng thế! Nhà không đơn giản chỉ là nơi ta ở.

      Vậy nhà là gì? Trực cảm sẽ mách bảo ta rằng, nhà là nơi ta thuộc về. Vì thế, nhà là nơi ta trở về. Ta trở về vì ta thuộc về.

      Nếu vì lý do nào đó mà ta không thể trở về, thì ta sẽ nhớ nhà. Đó là một sự thay thế, một sự trở về ở trong tâm tưởng.

      Nếu ta không muốn trở về, thì nhà không còn là nhà nữa, mà chỉ còn là một quán trọ, một nơi để ngủ. Điều này không chỉ đúng với người lớn, mà càng đúng hơn đối với trẻ con. Cũng không chỉ đúng trong thế giới vật lý, mà càng đúng hơn trong thế giới tinh thần.

      Càng lớn tuổi, càng trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, thì ta càng thêm thấm thí sự thật này, rằng nhà là nơi ta thuộc về, vì thế ta muốn trở về nhà mỗi ngày. Nhưng vì sao ta lại có cảm giác thuộc về đó?

      Vì nhà là nơi ta thân thuộc? Vì nhà đã che chở ta? Vì nhà là nơi ta có an toàn về cảm xúc? Hay vì đó là nơi ta sống và thực hiện việc sống?

      Quan trọng hơn, nhà là nơi ta trở thành chính mình và lưu giữ những kỷ niệm đã qua trong suốt hành trình trở thành chính mình đó?

      Những câu hỏi này, có thể còn chưa đủ và chưa rốt ráo, nhưng đã làm hé lộ ra bản chất của nhà. Đó là:

      Nơi ta thuộc về. Vì thế, nhà là nơi ta muốn trở về mỗi ngày.

      Nhà là nơi ta sống và thưởng thức việc sống. Vì thế, nhà là nơi ta được sống thật và sống trọn vẹn con người mình.

      Nơi ta hòa quyện với các tập tục và giá trị văn hóa của gia đình và cộng đồng. Vì thế, nhà là nơi hun đúc ta trở thành con người văn hóa và xã hội.

      Nơi ta lưu giữ kỷ niệm của những tháng ngày ta đã sống ở nhà. Vì thế, nhà là kho tàng chứa đựng những điều quý giá trong suốt hành trình mà ta đã sống qua.

      Đó là những gì ta thấy khi nhìn lại ngôi nhà thơ ấu của mình.

      Nhưng không phải ai cũng may mắn có một ngôi nhà như thế. Lý do không phải vì họ không có nhà, mà vì cha mẹ họ, vì lý do nào đó, đã không thể tổ chức ngôi nhà của mình thành một nơi như thế.

      Vì thế mà ta thấy, có những người khi còn nhỏ đã được sống trong những ngôi nhà nguy nga lộng lẫy, nhưng khi trưởng thành, họ chỉ muốn quên ngôi nhà ấy đi. Ngược lại, có những người khi còn nhỏ phải sống trong ngôi nhà nhỏ bé cũ nát, nhưng với họ, ngôi nhà đó mãi mãi là chốn địa đàng.

      Tất cả đều nằm ở chỗ, ta có tìm ra được một chỗ dành cho chính mình, cả vật lý lẫn tinh thần, trong ngôi nhà ấy hay không?

      Các nguyên tắc chung

      Như đã nói, việc tổ chức không gian cho trẻ nhỏ trong nhà, thực ra là rất khó. Nhưng ta vẫn có thể thực hiện tốt, nếu đủ muốn và đủ rõ.

      Nếu không đủ muốn và đủ rõ, ta sẽ chọn cách dễ, là lãng quên đi việc phải tổ chức một không gian như thế, như ta đã làm với bao gia đình, phố thị và làng mạc.

      Giả sử ta đã đủ muốn và đủ rõ về việc phải thiết kế một không gian dành cho trẻ nhỏ trong gia đình, thì ta phải làm thế nào?

      Thật đáng buồn là ta không thể có một câu trả lời chung cho câu hỏi này. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ta phải căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của nhà mình mà thiết kế.

      Cùng lắm, ta chỉ có thể nghĩ đến một số nguyên tắc chung để tham chiếu cho việc thiết kế đó. Các nguyên tắc đó có thể được phát biểu như sau:

      1. An toàn là trên hết:

      Khi thiết kế không gian dành cho trẻ nhỏ, yếu tố an ninh - an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt lưu ý là an toàn về điện, an toàn cháy nổ, an toàn thân thể khi tiếp xúc hoặc sử dụng các vật dụng được bài trí trong nhà.

      Thường thì các yếu tố này đã được tiêu chuẩn hóa. Ta bắt buộc phải tham khảo chúng khi thiết kế.

      1. Nhìn sự việc qua đôi mắt của trẻ nhỏ

      Người lớn thường làm mọi việc theo ý mình mà bỏ quên mất ý kiến của trẻ nhỏ. Ở chiều ngược lại, ý kiến của trẻ nhỏ cũng thường không đủ sâu sắc để thuyết phục người lớn. Vì thế, các tốt nhất khi thiết kế và tổ chức không gian của trẻ, ta cần nhìn những việc ấy qua đôi mắt của chính trẻ nhỏ.

      Việc nhìn này chỉ không đơn thuần dừng lại ở mức cảm quan, mà cần cả những hiểu biết sâu về nhu cầu và trình độ phát triển của trẻ.

      1. Phù hợp với tâm sinh lý của trẻ

      Không gian của trẻ cần phải phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý và hoàn cảnh đặc thù của trẻ. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến giới tính, lứa tuổi, sức khỏe và các yêu cầu đặc thù đối với sinh hoạt của trẻ.

      Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa công năng sử dụng, mà còn làm cho trẻ cảm thấy được là chính mình trong không gian đó. Tránh trường hợp trẻ cảm thấy bị gượng ép, ức chế hoặc ghét bỏ, khi sinh hoạt trong không gian dành cho chính mình.

      1. Tích hợp công năng sử dụng

      Không gian dành cho trẻ nhỏ là một không gian đa dụng. Ở đó, trẻ tiến hành đồng thời các hoạt động nghỉ ngơi – vui chơi – học tập. Trẻ cũng dùng không gian đó để giao lưu với bạn bè và các thành viên khác trong gia đình.

      Khi ở nhà, phần lớn các hoạt động của trẻ sẽ diễn ra ở trong không gian riêng đó. Vì thế, đó cũng chính là nơi trẻ khám phá, suy ngẫm và tạo ra chính mình, ở nhiều chiều kích, với nhiều mục tiêu khác nhau.

      1. Cân bằng giữa riêng tư và hòa nhập

      Trẻ sử dụng không gian riêng của mình để thực hành việc tự trị trong đời sống. Nhưng sự tự trị đó không thể tách rời hoàn toàn khỏi sự giám sát của cha mẹ, vì về bản chất, trẻ nhỏ chưa đủ khả năng để tự trị hoàn toàn.

      Tuy nhiên, ta không thể vì lo lắng mà giám sát thái quá, dẫn đến can thiệp thô bạo vào sự riêng tư của trẻ, như lắp camera trong phòng của trẻ. Vì thế, không gian dành cho trẻ nhỏ phải cân bằng giữa sự riêng tư và hòa nhập vào đời sống chung của gia đình.

      1. Liên kết với các không gian khác trong nhà

      Toàn bộ ngôi nhà là một không gian sinh hoạt và văn hóa thống nhất. Các không gian liên thông và kết nối với nhau, không chỉ về công năng mà còn cả phong cách và giá trị tinh thần. Vì thế, không gian của trẻ nhỏ cần được liên kết và tích hợp với các không gian khác của gia đình. Chẳng hạn, trong phòng khách vẫn có một góc riêng cho trẻ. Hay trong bếp, ngoài ban công hay trong sân vườn cũng nên có những góc dành riêng cho trẻ.

      Khi đó, trẻ sẽ được sống và trải nghiệm trong nhiều không gian khác nhau, tạo ra sự phong phú và đa dạng trong hoạt hoạt và tự quản, làm cho trẻ phát triển hài hòa và toàn diện hơn so với việc cô lập trong không gian riêng của mình.

      Trong thời đại công nghệ, trẻ rất dễ bị cuốn vào internet và các trò chơi điện tử nếu chỉ ở riêng một mình. Khi đó, việc bố trí một góc nhỏ cho trẻ ở không gian chung, nơi có sự tương tác và giám sát mềm từ cha mẹ, sẽ giúp trẻ thoát khỏi cám dỗ của các trò chơi này.

      Thay lời kết

      Nhà không chỉ đơn thuần là nơi để ở. Càng không phải là quán trọ nơi ta trú chân và ăn nghỉ mỗi ngày.

      Ở tầng sâu tâm thức, nhà là nơi ta thuộc về, nơi ta sống, thực hiện việc sống và thưởng thức việc sống đó.

      Vì thế, nếu ngay từ khi còn thơ bé, ta có một không gian riêng, được thiết kế hợp lý và có mục đích, ta sẽ có được cảm giác thuộc về nhà ngay từ khi còn thơ ấu.

      Nhờ đó, ta có một tuổi thơ ý nghĩa và đủ đầy, làm hành trang và bệ đỡ cho ta bước vào đời.

      Để sau này nhìn lại, ta sẽ thấy nhà ta là chốn địa đàng, là kho tàng lưu giữ những kỷ niệm và bài học quý giá nhất của đời mình, trong hành trình trưởng thành và đi qua cõi tạm này.

      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ ý kiến đánh giá

      Đăng nhập để tham gia bình luận bài viết

      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K

      Công ty Cổ phần One Mount Real Estate là thành viên của One Mount Group. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp: 0109178175. Đăng ký lần đầu: ngày 11/05/2020, Cấp bởi: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội. Loại hình website: Sàn giao dịch TMĐT, Website khuyến mại trực tuyến
      Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản, Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, Thẻ khách hàng thường xuyên, sản phẩm, dịch vụ khác.
      Tên người chịu trách nhiệm: Quách Thị Hồng Nhung
      Thông tin điện tử nội bộ và mạng xã hội
      Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Lê Thanh
      Số giấy phép thiết lập mạng xã hội: Số 371/GP-BTTTT
      Ngày cấp: 04/10/2023
      Cơ quan cấp phép: Bộ Thông tin và Truyền thông

      © 2021 Bản quyền thuộc về OneHousing.vn

                                                                                                                    onehousing chứng nhận bộ công thương