Bộ đồ ăn cho những căn nhà Việt: Phải chọn như thế nào?

      Bộ đồ ăn cho những căn nhà Việt: Phải chọn như thế nào?

      Onehousing image
      7 phút đọc
      02/11/2022
      Với văn hóa châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, bữa cơm gia đình là một biểu tượng quây quần đầm ấm, ấm cúng và thiêng liêng. Vì thế, lựa chọn đúng bộ đồ ăn cho phù hợp với gia đình, với thẩm mỹ thiết kế chung của ngôi nhà, toát ra được cái gu gia chủ, cũng đòi hỏi một sự tinh tế.

      “Người phương Tây dùng bộ đồ ăn làm bằng bạc, thép và mạ kền; họ đánh bóng chúng sáng choang, nhưng chúng ta không thích cách thức đó. Mặc dù chúng ta cũng thỉnh thoảng dùng bạc để làm ấm trà, bình đựng rượu, hay cốc uống sake, nhưng chúng ta không thích đánh bóng chúng. Ngược lại, chúng ta bắt đầu quý trọng những đồ vật này khi mà nước bóng bên ngoài đã mất đi, khi một lớp gỉ đồng tối màu, xám xì bắt đầu xuất hiện… Với pha lê cũng như thế… Nghề thổi thủy tinh được biết đến từ lâu ở phương Đông, nhưng chưa bao giờ phát triển đến như ở phương Tây. Trong lĩnh vực đồ gốm thì chúng ta có nhiều tiến bộ hơn. Chắc chắn điều này có liên quan đến tính cách dân tộc. Chúng ta không phải ghét những gì tỏa sáng, nhưng chúng ta ưa chuông vẻ đẹp trầm ngâm hơn là vẻ rực rỡ nông cạn…”

      (Ca tụng bóng tối - Junichiro Tanizaki)

      Phân tích của đại văn hào Nhật Bản Junichiro Tanizaki hẳn đã làm nhiều người nhận ra rằng chất liệu của đồ vật thực chất phản ánh sâu xa tâm hồn của gia chủ, thậm chí cả nền văn hóa mà nó đại diện chứ không chỉ là “xu hướng” hay “phong cách”.

      Bộ bát đĩa, tâm điểm của bàn ăn, sự khẳng định tinh tế cho cái gu gia chủ, lại là một món nội thất nhiều người bỏ quên mà ưu tiên cho những tủ chạn giá bếp, đồ vật trưng bày. Nó đòi hỏi ở người nội trợ cả sự bao quát, gu thẩm mỹ và kiến thức để có thể lựa chọn một bộ bàn ăn vừa đầy đủ công dụng, lại toát lên sự tinh tế từ chất liệu và hình thức. 

      Chất liệu bộ đồ ăn: tính cách của cả căn nhà

      Tất nhiên, bạn có thể bỏ ngoài tai phân tích của Junichiro Tanizaki nếu như bạn chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh phương Tây, và toàn bộ phong cách kiến trúc căn nhà đi theo chuẩn phương Tây. Nhưng hẳn hầu hết người Việt Nam sẽ đồng thuận rằng với họ, vẻ đẹp “trầm ngâm” của các vật liệu như sứ, gốm, sơn mài phản ánh tâm hồn họ sâu sắc hơn là ánh sáng choang của pha lê, bạc, thiếc…

      Sứ - là chất liệu phổ biến nhất được ưa chuộng trong mọi căn nhà Việt Nam nhờ bền, đẹp, kinh tế, dễ dàng sạch trơn dầu mỡ, vẫn giữ được men và độ bóng đẹp khi ra khỏi máy rửa bát. Tuy một số loại đồ sứ được trang trí hoa văn viền vàng hay còn tính kim loại sẽ không tốt ở nhiệt độ cao, phần lớn vẫn an toàn khi quay lò vi sóng,Kinh nghiệm chọn bát đĩa sứ ắt nhiều người đọc cũng đã nằm lòng, úp miệng xuống để kiểm tra tròn méo cong vênh, kiểm tra kỹ độ tươi/xỉn của màu men, gõ để nghe tiếng có rạn nứt hay không.

      Những sản phẩm gốm sứ Việt Nam vốn rất nổi tiếng với những nhãn hiệu như gốm sứ cao cấp Minh Long, làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Hải Dương, Biên Hòa, Hương Canh,... với đủ kiểu mẫu gốm sứ gia dụng cho người mua lựa chọn. 

      Sứ xương - một phiên bản cao cấp hơn của đồ sứ, được chế tạo từ tro xương động vật cùng với đất sét trắng (cao lanh) và fensfat (khoáng chất Tràng thạch). Đặc trưng của loại sứ này là độ trắng và trong sang trọng và tinh tế, nhưng sâu xa hơn bát đĩa làm bằng sứ xương nổi trội hơn hẳn các đồ sứ tráng men khác ở độ an toàn và tốt cho sức khỏe của nó do không chứa chì, cadium hay các kim loại nặng. 

      Gốm đất nung - hãy tưởng tượng tới món thịt kho tàu hay cá kho tộ trong một chiếc niêu gốm làm trung tâm của bàn ăn, hơi nóng, mùi hương, mọi hương vị dân dã nhất đều được giữ lại trong niêu đất, dễ dàng quyến rũ bất cứ thực khách nào ngồi trong bàn. Ai cũng nên có ít nhất một món đồ đất nung trong bộ bát đĩa của mình, và một bộ bát đĩa gốm sẽ đem lại một sức hút mộc mạc cho bàn ăn của bạn. Tuy nhiên đây không phải chất liệu bền nhất, bạn nên tránh nhiệt độ quá cao và cũng không nên sử dụng chúng cho máy rửa bát.

      Gốm tráng men đá - những đồ bát đĩa bằng đá có độ bền cao hơn đồ đất nung song vẫn đem lại hiệu quả thẩm mỹ và giữ hương vị mộc mạc cho món ăn. Đặc biệt khi những phong cách mang hơi hướm Nhật Bản đang thịnh hành (Wabi Sabi, Japandi), sử dụng bát đĩa bằng đá là một lựa chọn tốt với lớp men bóng hiện đại và màu sắc tự nhiên.

      Sơn mài - sơn mài là một trong những nét nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Việt Nam, là một cái đẹp văn hóa không đâu bì lại được. Kỹ thuật sơn mài của Việt Nam đem những vật liệu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, kết hợp các loại son thếp vàng thếp bạc, vỏ trai vỏ ốc, vỏ trứng, cật tre,... vẽ trên nền vóc màu đen; chính kỹ thuật này đã làm nổi bật lên cái chất nghệ - tách riêng đẳng cấp với những hàng thủ công mỹ nghệ khác. Có một bộ bát đĩa sơn mài trong nhà là một sự khẳng định tao nhã cái gu của gia chủ.

      Những sản phẩm sơn mài đặc sắc chỉ mang dấu ấn Việt sẽ làm nâng tầm cái gu gia chủ. 

      Bộ bát đĩa đầy đủ gồm có những gì? 

      Chất liệu của bộ đồ ăn đã chọn xong. Thế nhưng không ai nghĩ rằng một bàn ăn sẽ trông mất thẩm mỹ ra sao nếu bạn chỉ có đĩa tròn nhưng lại phải bày một con cá rán dài, hay phục vụ một món bít tết rưới sốt nhưng không có đĩa sâu lòng. Bình thường văn hóa người Việt Nam thường ăn cơm nên chỉ cần bát cơm nhỏ, nhưng có hôm muốn nấu phở bún cho cả nhà thì lại thiếu bát to, hoặc nếu có thì chỉ có loại bát múc canh lại to quá.

      Đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho bàn ăn của người Việt, một bộ bát đĩa đầy đủ gồm có: bát ăn cơm, đĩa con để xương cho từng bát, đĩa đựng thức ăn (lưu ý nên lựa chọn trên nhiều cỡ và bố cục hình dáng đồng bộ với nhau: ví dụ đĩa tròn nên đi cùng với đĩa bầu dục, đĩa vuông bo góc nên đi cùng với đĩa chữ nhật dài), bát lớn đựng canh, bát lớn có nắp vung đựng cơm, đĩa đựng gia vị, nước mắm, muôi múc canh, bộ đũa thìa, và bộ kê đũa thìa tùy vào gia chủ. 

      Nếu bạn chỉ đang nghĩ đến đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của những bữa ăn thường ngày, thì có lẽ bộ bát đĩa cơ bản như trên đã đủ để phục vụ. Nhưng một gia chủ bao quát, chăm chút chuyện bếp núc sẽ chuẩn bị nhiều hơn thế, cho những món ăn phức tạp và những buổi tụ họp với nhiều người hơn. 

      • Bát tô - Không bao giờ là đủ bát to. Khi mới đi mua thì ta cứ nghĩ chỉ cần bát ăn cơm là đủ, nhưng không nghĩ rằng cần cả bát ăn bún, ăn phở nữa. Không cần kích cỡ to quá, gia chủ chỉ cần sắm bát tô ở cỡ nhỡ để phục vụ gia đình. 
      • Bát, đĩa, thớt gỗ - Lựa chọn tuyệt vời cho những bát rau trộn, đĩa salad hay bàn “charcuterie” cho những gia chủ thích phô mai và rượu vang. Vẻ mộc mạc không chỉ khiến bữa ăn của bạn trông đẹp mắt và ngon miệng, mà còn cho thực khách biết rằng bạn là một đầu bếp có gu, không chỉ nấu ăn ngon mà còn biết sắp xếp đúng đĩa đúng món. 
      • Đĩa sâu lòng - Những chiếc đĩa sâu lòng thanh lịch với vành mỏng có nhiều công dụng hơn là chỉ đẹp, đặc biệt với những món lỏng, nhiều sốt. Đó có thể là chìa khóa để nâng tầm món súp của bạn. 
      • Đĩa bầu dục lớn - Như đã nói, những chiếc đĩa tròn nhỏ sẽ khó cho gia chủ bày biện những món lớn, ví dụ như hẳn một con cá hấp xì dầu, hay gà quay nguyên con chẳng hạn. Lời khuyên của chuyên gia: đầu tư thêm 1-2 đĩa bầu dục cho những dịp đặc biệt. Đương nhiên đĩa lớn thì vuông hay tròn đều được, nhưng với bố cục đều của các hình khối đó sẽ không đảm bảo thẩm mỹ khi bày thức ăn. 
      • Bát sứ hai tai - Còn gì để đựng đồ kho hầm tốt hơn những chiếc sứ tráng men hai tai cầm đầy tính “vintage”. Vừa đẹp thẩm mỹ, vừa đầy đủ công năng, trên thị trường có những loại với đế đặc biệt có thể trực tiếp dùng để nấu nướng, làm nóng thức ăn trên bếp từ, và khi bạn ăn chưa hết chỉ cần đóng nắp và cất vào tủ lạnh cho bữa ăn sau. 
      • Phối hợp nhiều kiểu dáng - Đừng chỉ sử dụng một loại hình khối cho tất cả bát đĩa của bạn. Giống như một bức tranh cần có bố cục cả tròn cả cạnh, phối hợp cả những hình tròn, hình oval, vuông - chữ nhật - hình thoi cho bộ bát đĩa của mình.
      Chia sẻ ngay!
      Chia sẻ ý kiến đánh giá

      Đăng nhập để tham gia bình luận bài viết

      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Chia sẻ kiến thức bất động sản
      Đóng góp kinh nghiệm của bạn bằng cách viết bài trên diễn đàn Cửa Sổ BĐS
      Thống kê diễn đàn
      Chuyên mục
      28
      Chủ đề
      25.6K
      Bình luận
      37.7K
      Hashtag
      43K

      Công ty Cổ phần One Mount Real Estate là thành viên của One Mount Group. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp: 0109178175. Đăng ký lần đầu: ngày 11/05/2020, Cấp bởi: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội. Loại hình website: Sàn giao dịch TMĐT, Website khuyến mại trực tuyến
      Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản, Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, Thẻ khách hàng thường xuyên, sản phẩm, dịch vụ khác.
      Tên người chịu trách nhiệm: Quách Thị Hồng Nhung
      Thông tin điện tử nội bộ và mạng xã hội
      Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Lê Thanh
      Số giấy phép thiết lập mạng xã hội: Số 371/GP-BTTTT
      Ngày cấp: 04/10/2023
      Cơ quan cấp phép: Bộ Thông tin và Truyền thông

      © 2021 Bản quyền thuộc về OneHousing.vn

                                                                                                                    onehousing chứng nhận bộ công thương